Đi kèm với thực tế này là chất lượng sống của công nhân lao động còn ở mức thấp, các vấn đề xã hội và những hệ lụy nảy sinh từ điều kiện sống chưa đảm bảo. Trong bối cảnh đó, tỉnh Bắc Ninh cũng không ngoại lệ, vấn đề giải quyết nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp đang đặt ra cấp thiết.
Thực trạng phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp (KCN), trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành hàng loạt các chính sách để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân làm việc tại các KCN.
Tiêu biểu như Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014; Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ Tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN thuê; Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 164/2013/NĐ-CP cho phép dành một phần quỹ đất đã giải phóng mặt bằng trong KCN để xây dựng nhà ở cho công nhân KCN; Nghị định số 100/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 188/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Với việc đưa các chính sách vào cuộc sống, nguồn cung về nhà ở cho công nhân phần nào được cải thiện, tuy nhiên, tình hình vẫn chưa thực sự trở thành một xu hướng chung trong cung về nhà ở cho công nhân ở các KCN.
Theo Báo cáo của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khi thực hiện nghiên cứu, khảo sát hiện trạng về điều kiện sống cho người lao động xung quanh các KCN tại Việt Nam những tồn tại vẫn còn khá phổ biến ở các mặt như: Quy hoạch không gian và thiết kế công trình (chất lượng của môi trường sống); Tổ chức thực hiện dự án xây dựng nhà ở và khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Trong thực tế, để thực hiện một cách đầy đủ các quy định pháp lý còn khó khăn do liên quan đến vấn đề nguồn lực (tài chính hoặc đất đai). Ở nhiều KCN, nhất là các KCN đã hình thành trước đây, quỹ đất cũng như kinh phí của địa phương để thực hiện điều này rất hạn hẹp nên khó hiện thực hóa quy định này trên thực tế.
Do lịch sử hình thành các KCN ở các thời điểm khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau, hầu hết các KCN hiện nay chưa được quy hoạch quỹ đất phục vụ cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Vì vậy, đối với các KCN mới hình thành, cần có quy định thật rõ ràng về quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân trước khi kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư trong KCN.
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho việc tổ chức thực hiện các dự án xây dựng nhà ở còn hạn chế, trong đó có một nguyên nhân cơ bản là chính sách của Nhà nước chưa đủ “sức hút” đối với các nguồn lực của xã hội đầu tư vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng các chính sách khuyến khích đầu tư cho xây dựng nhà ở cho công nhân cần phải được thực hiện bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế khi đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, các nhà đầu tư sau khi đã được hưởng các chính sách ưu tiên đầu tư cần phải phụ thuộc hoàn toàn vào cơ chế thị trường đối với chất lượng các sản phẩm của mình (có thể là bán hoặc cho thuê).
Đặc biệt, để đảm bảo cải thiện môi trường sống nói chung cho công nhân, cần quan tâm đúng mức đến việc đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội khác cho người lao động (cơ sở khám chữa bệnh, nhà trẻ, trường học, khu vui chơi giải trí, khu thể thao...).
Bởi vì, các công trình phúc lợi xã hội này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của công nhân và gia đình họ và việc thu hồi vốn của các công trình này thường rất chậm, các nhà đầu tư cần được ưu tiên, khuyến khích nhiều hơn nếu họ cam kết hoàn thành không chỉ các tòa nhà cho công nhân mà còn các công trình phúc lợi xã hội đi kèm.
Cùng với việc khuyến khích các doanh nghiệp, các chủ sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nên có quy định các chủ sử dụng lao động có chính sách hỗ trợ chi phí thuê nhà của công nhân (trợ cấp trực tiếp) và khi có phần kinh phí hỗ trợ này, công nhân có thể trả tiền thuê nhà cho các chủ đầu tư theo mức tiền thuê thương mại, tương ứng với chất lượng nhà ở cụ thể của họ.
Điều này giải quyết được tính công bằng đối với tất cả các công nhân trong doanh nghiệp khi họ có thể sống hoặc không sống trong khu nhà ở tập trung của doanh nghiệp.
Việc xây dựng các khu nhà ở tập trung cho công nhân tại các KCN là cần thiết, tuy nhiên không phải toàn bộ các khu nhà này sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu về nhà ở cho công nhân ở KCN. Một phần nhu cầu về nhà ở cho công nhân sẽ được đáp ứng bởi các nhà trọ có chất lượng của người dân ở các vùng xung quanh.
Các khu nhà ở tập trung sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh làm cho các nhà trọ trong dân và cả hai nhà cung cấp này đều phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Có như vậy, việc phát triển các khu nhà ở tập trung cho công nhân tại các KCN mới có tính bền vững.
Hiện trạng phát triển nhà ở cho công nhân tại Bắc Ninh
Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ, nhưng với tầm nhìn chiến lược, phát huy nội lực, biến những hạn chế thành lợi thế cạnh tranh. Từ sau khi chia tách tỉnh (1997) đến nay, Bắc Ninh đã có bước phát triển ấn tượng về kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, nhiều năm liền Bắc Ninh nằm trong top dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Có được kết quả đó là do Bắc Ninh đã tập trung đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp.
Bắc Ninh hiện có tổng số 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung theo văn bản số 1511/TTg-KTN ngày 20/8/2014 và văn bản số 2007/TTg-KTN ngày 6/11/2015, với tổng diện tích 6.397,68 ha.
Trong đó, 10 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích quy hoạch 3.409,39 ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 2.076,41 ha, đã cho thuê 1.494,42 ha đất công nghiệp; Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 73,76%, trên diện tích đất thu hồi 87,66%.
Lũy kế đến hết quý II/2017, với tổng số 781 dự án đi vào hoạt động, các KCN Bắc Ninh đã sử dụng 266.553 lao động, tăng 35.212 lao động so với năm 2016 và đạt 195% so với kế hoạch năm 2017; Trong đó lao động nữ 174.060 người (65,3%), lao động địa phương 73.328 người (27,5%), lao động người nước ngoài 3.525 người (1,3%).
Cùng với định hướng phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, số lượng các dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng tăng, kéo theo đó là số lượng lao động tăng lên đáng kể theo từng năm.
Trong số 266.553 lao động trong các KCN hiện nay thì có tới 189.700 người (71,2%) là lao động ngoài địa phương và hầu hết số lao động này có nhu cầu về nhà ở, chưa tính một số lao động địa phương cũng có nhu cầu về nhà ở giúp thuận tiện hơn trong quá trình làm việc tại các KCN.
Với xấp xỉ 200.000 người lao động trong các KCN có nhu cầu về chỗ ở ổn định, Bắc Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.
Song, với tốc độ thu hút đầu tư và giải ngân vốn của các dự án trong các KCN tập trung thì số lượng lao động thu hút hàng năm tăng từ 20% đến 25%, vì vậy nhu cầu thuê nhà ngày càng tăng, đòi hỏi tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án nhà ở công nhân nhiều hơn nữa.
Đứng trước những vấn đề nhà ở, để đảm bảo an sinh cho người lao động các KCN, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp và đạt được những kết quả nhất định.
Theo thống kê, hiện có trên 90.000 lao động trong các KCN trên địa bàn Tỉnh có nhu cầu về nhà ở, phần lớn người lao động trong các KCN đang thuê nhà trọ do người dân tự xây dựng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.400 hộ có nhà ở cho thuê với khoảng 25.000 phòng, diện tích trung bình từ 15-20 m2, đáp ứng được cho trên 40.000 người lao động (2 - 3 người thuê chung 1 phòng).
Về giải quyết tình thế, mô hình nhà ở tự phát đáp ứng được nhu cầu trước mắt của người lao động, tuy nhiên, về lâu dài thì mô hình này có nhiều bất cập, khó quản lý… Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 29.000 người (trong đó có 04 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho khoảng 22.260 người, còn lại các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư).
Hiện trên địa bàn tỉnh có một số dự án nhà ở dành cho công nhân KCN đã đưa vào sử dụng, bao gồm: Dự án khu nhà ở cho công nhân KCN Quế Võ do Công ty TNHH Quản lý bất động sản Sông Hồng đầu tư, tổng diện tích sàn xây dựng 32.850 m2, đáp ứng nhu cầu ở cho 4.500 công nhân; Dự án cho công nhân nhà máy SamSung (giai đoạn 1) tại KCN Yên Phong 1 với tổng vốn đầu tư 312,42 tỷ đồng.
Diện tích sàn xây dựng 47.345m2, 843 phòng, đáp ứng nhu cầu ở cho 6000 công nhân; Nhà ở cho công nhân KCN Tiên Sơn: do Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm Xây dựng (Viglacera) đầu tư giai đoạn 1 và 2 gồm 356 căn hộ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2000 công nhân đã đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, tại KCN Yên Phong 2: Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm Xây dựng (Viglacera) đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 305,7 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 47.592,2 m2, đáp ứng nhu cầu ở cho 4.960 người, đã đưa vào sử dụng; Khu nhà ở công nhân KCN Tiên Sơn giai đoạn 3 do Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm Xây dựng (Viglacera) đầu tư giai đoạn 3 với diện tích đất 2,3 ha, quy mô xây dựng 48.000m2 sàn đáp ứng cho 6.800 công nhân, đã đưa vào sử dụng; Dự án khu nhà ở cho công nhân tại KCN Quế Võ 1 do Công ty Cổ phần Kinh Bắc đầu tư với tổng số vốn 76,16 tỷ đồng, diện tích sàn xây dựng khoảng 11.250 m2, gồm 4 khối nhà cao tầng, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 1.540 công nhân.
Trước những áp lực về vấn đề nhà ở, để đảm bảo an sinh cho người lao động, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì xây dựng Đề án dịch vụ nhà ở cho người lao động trong các KCN giai đoạn 2014 - 2020.
Sau gần 2 năm triển khai Đề án, đã thu hút được 04 dự án đầu tư mới, nâng tổng số các dự án nhà ở công nhân lên 14 dự án. Dự kiến khi hoàn thành, các dự án sẽ đáp ứng được chỗ ở cho 69.058 người.
Ngoài ra, trên địa bàn TP. Bắc Ninh còn có 04 dự án nhà ở xã hội (tổng diện tích mặt sàn là 5,2ha) do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, chủ đầu tư cam kết dành khoảng 20% diện tích sàn sử dụng để cho thuê hoặc bán cho người lao động trong các KCN có nhu cầu.
Về khuyến khích các mô hình nhà ở công nhân trong dân, theo thống kê sơ bộ của Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.400 hộ có nhà ở cho thuê với khoảng 25.000 phòng, diện tích trung bình từ 15 - 20m2 do nhân dân tự xây dựng để đáp ứng cho số công nhân lao động trong các KCN, chưa có nhà ở với diện tích từ 4 - 5m2/người, tập trung chủ yếu tại các địa bàn Yên Phong, Quế Võ, Từ Sơn, Tiên Du (gồm: Huyện Yên Phong có khoảng 838 hộ gia đình có nhà ở cho thuê với 6.216 phòng ở, diện tích khoảng 87.000m2; Huyện Quế Võ có 1.693 hộ gia đình có nhà ở cho thuê, với 4.332 phòng, diện tích 62.994m2; Thị xã Từ Sơn có 573 hộ gia đình có nhà cho thuê, với 2.578 phòng, diện tích 43.826m2…)
Những hạn chế, tồn tại và giải pháp khắc phục
Đến nay, đã có nhiều dự án xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN trên địa bàn tỉnh nhưng nhìn chung các dự án triển khai còn chậm so với tốc độ tăng lên về số lượng người lao động hàng năm. Hệ thống hạ tầng xã hội như các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao… chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của lao động trong KCN.
Mặt khác, chưa có quy định bắt buộc các doanh nghiệp trong KCN phải lo chỗ ở cho người lao động nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia phối hợp trong việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà ở cho công nhân KCN trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số khó khăn do cơ chế chính sách về phát triển nhà ở chưa thống nhất, đồng bộ, nhiều cơ chế chính sách ưu đãi khi triển khai trên thực tế còn vướng mắc nên chưa khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng.
Một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào còn chưa xây dựng đồng bộ nên chưa thu hút hết khả năng nhu cầu của công nhân; việc hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào chưa có quy định rõ về mức hỗ trợ khiến doanh nghiệp băn khoăn khi tính toán đầu tư; đầu tư xây dựng nhà ở không nhận được sự quan tâm nhiều của các nhà đầu tư vì lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài.
Doanh nghiệp trong các KCN không có quỹ đất và thiếu vốn nên hạn chế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân của mình, chỉ hỗ trợ một phần tiền thuê nhà cho công nhân.
Để giải bài toán nhà ở cho công nhân tại các KCN, vấn đề đặt ra đối với tỉnh Bắc Ninh là cần đánh giá đầy đủ nhu cầu hiện nay của công nhân và có các giải pháp cụ thể để triển khai, trong đó tập trung vào những giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư đủ năng lực tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN; Tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn để triển khai các dự án; Kiên quyết thu hồi các dự án xây dựng nhà ở xã hội chậm triển khai; Rà soát tổng thể các dự án để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch nhà ở xã hội cho phù hợp tình hình thực tế.
Hỗ trợ trong hàng rào đối với các dự án nhà ở xã hội nói chung và dự án nhà ở công nhân nói riêng để thu hút các nhà đầu tư và giảm giá thành của nhà ở, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch để thực hiện các dự án.
Cần vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật của Nhà nước, các cơ chế chính sách của địa phương trong việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án nhà ở; Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về nhà ở để người dân xây dựng nhà trọ cho thuê, đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Thứ hai, chính quyền địa phương quy hoạch tạo quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân KCN, đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho xây dựng nhà ở và các công trình công cộng vì lợi ích cộng đồng. Trên cơ sở đảm bảo gắn kết hạ tầng kỹ thuật của KCN và hạ tầng xã hội bên ngoài KCN như giao thông, giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa cộng đồng…
Thứ ba, UBND tỉnh cần sớm nghiên cứu, ban hành hệ thống tiêu chuẩn nhà tối thiểu cho người lao động trong các KCN, đồng thời thiết kế mẫu các nhà ở tiêu chuẩn; Khuyến khích cộng đồng dân cư quanh vùng có KCN vận dụng xây dựng thống nhất phù hợp với khả năng đầu và nhu cầu tối thiểu của người lao động; Cho phép thành lập quỹ nhà ở cho người lao động làm việc trong các KCN nhằm hỗ trợ tiền thuê, mua nhà cho người lao động trong KCN. Quỹ này được hình thành trên cơ sở đóng góp từ doanh nghiệp và ngân sách địa phương.
Thứ tư, khuyến khích các hộ dân xây dựng nhà ở cho người lao động thuê. Với tình hình số lượng lao động tăng nhanh như hiện nay và các dự án nhà ở còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động thì nhà ở do nhân dân xây dựng sẽ giải quyết đáng kể nhu cầu của người lao động về nhà ở.
Giải pháp này được thực hiện thông qua việc hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để xây dựng nhà ở cho thuê, giảm thuế đất kinh doanh tại các hộ có công trình xây dựng nhà ở cho người lao động, triển khai các cơ sở hạ tầng gần với khu dân cư phục vụ cho người lao động…
Thứ năm, chính sách đối với người lao động, nhập cư. Để đảm bảo cần giải quyết vấn đề đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi làm việc và sinh sống, cho người lao động nhập cư được hưởng các quyền cơ bản như: quyền tự do đi lại; quyền được chăm sóc y tế và bảo vệ sức khoẻ; quyền được học tập… trong đó có quyền lợi về nhà ở.
Tỉnh Bắc Ninh cần có những cơ chế chính sách cụ thể và thông thoáng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động ngoài địa phương có nhu cầu nhà ở lâu dài tại địa phương.
Đảm bảo đời sống cho người lao động và đặc biệt là giải quyết vấn đề nhà ở là một hướng đầu tư hiệu quả, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, chính vì vậy cần có sự thống nhất trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động các KCN từ trung ương đến địa phương và từ phía người lao động. Có như vậy mới đảm bảo đời sống cho người lao động và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ổn định.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh (2017), Báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017;
2. Thế Hải (2017), Viglacera “khai Xuân”, khởi công dự án nhà ở công nhân tại KCN Yên Phong 2017, truy cập từ http://dautubds.baodautu.vn/viglacera-khai-xuan-khoi-cong-du-an-nha-o-cong-nhan-tai-kcn-yen-phong-d58330.html
3. Sở Xây dựng Bắc Ninh (2014), Tờ trình “Đề án phát triển dịch vụ nhà ở công nhân khu công nghiệp Bắc Ninh giai đoạn 2015 - 2020” của Sở xây dựng Bắc Ninh;
4. Nguyễn Đình Oanh (2015), Nhà ở xã hội cho công nhân các KCN Bắc Ninh – Thực trạng và giải pháp;
5. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - 2016: Kết quả nghiên cứu cải thiện môi trường sống cho công nhân các khu công nghiệp tại Việt Nam.