Một TH tử tế và giấc mơ dòng sữa ngọt lành nơi xứ sở Bạch Dương

Một TH tử tế và giấc mơ dòng sữa ngọt lành nơi xứ sở Bạch Dương

Thứ Sáu, 20/12/2019 - 06:00

Ngày 10/12 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao của Tập đoàn TH tại huyện Volokolamsk, tỉnh Moscow. Dành sự quan tâm, tình cảm và những lời động viên chân thành nhất đến tập thể cán bộ nhân viên đang làm việc tại đây, đặc biệt là tới bà Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng và đánh giá rất cao những nỗ lực của TH true MILK.

“Dự án này thể hiện ý chí của doanh nhân Việt Nam mà đặc biệt là một doanh nhân nữ - một người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé nhưng có sự nỗ lực rất to lớn mà chúng ta không thể tưởng tượng được… Đến một vùng đất, nơi mà chúng tôi đi từ Matxcova tới đây nhìn thấy đất đai mênh mông, nhưng người phụ nữ nhỏ bé này đã biến nơi đây thành những nông trường và nông trại bò sữa, nuôi bò lấy sữa ứng dụng công nghệ cao. Và hiện nay từ những con bò, những trang trại như thế này cho sữa năng suất rất cao”, Chủ tịch Quốc hội xúc động phát biểu.

Nói về ngành nông nghiệp trong thời đại mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định: “Khi Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra quyết liệt trên toàn cầu, cùng với công nghệ thông tin và du lịch thì nông nghiệp công nghệ cao là một trong ba thế mạnh của Việt Nam”.

Từ xưa đến nay, nói đến nông nghiệp là người ta nghĩ ngay đến “miếng cơm” – một trong những nhu cầu thiết yếu và không thể thiếu của con người. Chỉ là “miếng cơm” thôi đã đủ thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này với đời sống của một đất nước gần 100 triệu dân như Việt Nam. Trước đây, cũng là khi nói đến nông nghiệp, người ta nghĩ ngay đến “GDP giảm dần” với hàng triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Việt Nam với “rừng vàng biển bạc”, khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm là lợi thế to lớn để phát triển ngành nông nghiệp. Thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ một quốc gia thiếu lương thực thành đất nước xuất khẩu hơn 40 tỷ USD nông sản đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên nhìn nhận một cách công bằng, Việt Nam có xuất phát điểm thấp từ trình độ trang bị, năng suất lao động, tác phong và hiệu quả công việc… thêm nữa lại không có nhiều tài nguyên đất, nằm ở vị trí rốn bão của thế giới và phải chịu nhiều thách thức của biến đổi khí hậu nên sản xuất nông nghiệp ẩn chứa rủi ro lớn, hiệu quả không cao. Nông dân Việt Nam là những người chịu tổn thương đầu tiên. Hình ảnh của họ vẫn thường gắn với mồ hôi, nước mắt, lam lũ, tảo tần và cái nghèo. Quan niệm “tấc đất cắm dùi” đã không còn nhiều ý nghĩa khi số lượng lao động chuyển sang những ngành phi nông nghiệp ngày một lớn.

 

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp (với rất nhiều dư địa phát triển) chỉ có thể tận dụng một đầu vào vô tận và quan trọng nhất, không gì khác chính là khoa học công nghệ. Bài toán ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp đã được Đảng, Chính phủ quan tâm nhiều năm qua với các chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.

Tại Hội nghị Xây dựng nền Nông nghiệp - Công nghiệp Việt Nam diễn ra năm 2016, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là việc làm bức thiết nhằm từng bước đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Thủ tướng yêu cầu, đảm bảo mọi nông dân Việt Nam, bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô tính chất nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng nhiều lần tin tưởng và khẳng định: “Việt Nam chấp nhận “cuộc chơi” với các cường quốc có tiềm lực khoa học, quản trị phát triển. Việt Nam không sợ, trước kia còn làm được, huống chi bây giờ. Chúng ta cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp. Kết thúc giai đoạn khai thác tài nguyên, phát triển bề rộng, nay chúng ta quản trị hiện đại, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tận dụng khoa học 4.0”.

Biến những mảnh ruộng thành nông trường rộng lớn; chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống, nhỏ lẻ sang làm nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; thay đổi tư duy từ nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế thị trường… là những mục tiêu cần hướng đến của nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Các chuyên gia đánh giá hướng đi này là xu hướng cần thiết, tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và mang lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Xác định thu hút doanh nghiệp đầu tư là giải pháp trọng tâm để phát triển nông nghiệp thông minh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tập trung vào ưu đãi về sử dụng đất đai, ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ liên kết, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ... như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Nói về những cơ hội to lớn từ nông nghiệp công nghệ cao giúp thu hút nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: “Nông nghiệp có mặt trên khắp cả nước, tạo công ăn việc làm và là sinh kế của hơn một nửa dân số. Vì thế, đây vẫn luôn là một lĩnh vực rất quan trọng của Việt Nam. Từ trước đến nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều, nhất là nông nghiệp công nghệ cao nên sẽ còn rất nhiều khoảng trống để các doanh nghiệp có thể tìm thấy cơ hội đầu tư.

Trang trại rau sạch của Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn, Nghệ An

Đó là còn chưa kể, nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng của thế giới, là lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ nên có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao giúp doanh nghiệp có được sản phẩm tốt, có nhiều triển vọng tạo ra sức cạnh tranh, từ đó phát huy truyền thống nông nghiệp của Việt Nam để hình thành các sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới cũng như khai thác tốt hơn thị trường trong nước. Chính bởi vậy, các doanh nghiệp đầu tư vào đây là phù hợp với thế giới cũng như đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường”.

Theo đó đã có không ít tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước với tiềm lực tài chính, chiến lược phát triển dài hạn đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và đạt được những thành công nhất định, đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước. Dù doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng thấp, chưa đến 8% trong tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới 16% tổng số nộp ngân sách.

Hầu hết các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn TH, Vingroup, FLC, T&T… đều đã tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao, trải khắp các vùng miền từ khâu sản xuất, chế biến đến tổ chức thương mại, tạo nên hạt nhân phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Trong số đó, Tập đoàn TH là đơn vị đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến tới phân phối.

Năm 2009, khi triển khai Dự án sữa tươi sạch TH true MILK, bà Thái Hương xác định: “Công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp Việt Nam”. Chính vì vậy, Tập đoàn đã đầu tư xây dựng Cụm trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) - khu vực Bắc Miền Trung nhiều nắng gió. Dự án có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, có quỹ đất tự chủ nguồn nguyên liệu với tổng diện tích quy hoạch là 37.000ha.

Áp dụng chiến lược “Tài nguyên thiên nhiên Việt, trí tuệ Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới” để xây dựng và vận hành trang trại với sự hỗ trợ, tư vấn của chuyên gia Israel, hiện tại, quy mô đàn bò đạt 45.000 con, trong đó bình quân khoảng 45-50% bò, tương đương hơn 22.000 con cho năng suất sữa bình quân 40 lít/con/ngày. Mỗi tháng, tại trang trại sinh ra 1.500 - 2.500 bê con tùy theo mùa.

Năm 2015, Trang trại chăn nuôi bò sữa TH đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập kỷ lục “Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn nhất châu Á”. Đây được coi là thành tựu, niềm tự hào lớn của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam, ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới.

 

 

Bằng việc ứng dụng thành công công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa - vốn là động vật ôn đới - ở xử sở nhiệt đới, Tập đoàn TH đã tạo nên một diện mạo mới hiện đại hơn cho ngành chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa, làm thay đổi hẳn bản chất ngành sữa, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của đất nước và giảm tỷ lệ nhập khẩu sữa từ nước ngoài.

Với ngành nông nghiệp, đây cũng là mô hình chăn nuôi đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ cao, đi đầu triển khai công nghệ 4.0 trong chăn nuôi bò sữa với việc tích hợp công nghệ số, tự động hóa.

Sau trang trại bò sữa tại Nghệ An, Tập đoàn TH tiếp tục xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phú Yên, Lâm Đồng, An Giang và Sóc Trăng. Các trang trại sẽ cung cấp một lượng lớn sữa tươi sạch, nguyên chất có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu sữa tươi trong nước và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khu vực ASEAN.

TS. Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao: “Có thể nói các doanh nghiệp là lực lượng tiên phong để đưa tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất. Đồng thời cũng đi đầu trong các chuỗi giá trị để chuyển giao sản phẩm với hàm lượng khoa học công nghệ cao ra thị trường trong nước và thế giới”.

Sau thành công với giấc mơ đưa “đồng cỏ châu Âu về giữa lòng xứ Nghệ”, năm 2015, bà Thái Hương cùng Tập đoàn TH lại bắt đầu theo đuổi giấc mơ Nga, giấc mơ đưa sản phẩm thương hiệu Việt Nam ra thế giới bằng một dự án có quy mô lên tới 2,7 tỷ USD trong bối cảnh nước Nga gặp khó khăn vì cấm vận, thiếu hụt lương thực, đặc biệt là các sản phẩm về sữa.

Theo số liệu thống kê từ năm 2013 đến 2017, lượng sữa nguyên liệu tại Nga tự sản xuất được khoảng 20 triệu tấn, chiếm 76% lượng sữa nguyên liệu sản xuất, lượng sữa thiếu nhập khẩu từ nước ngoài chiếm 24%, tương đương 7 triệu tấn/năm.

Khả năng nắm bắt cơ hội đầu tư nhanh nhạy của Tập đoàn TH trong bối cảnh đó đã là một nhẽ. Nhưng đáng quý và nhân văn hơn cả là tấm lòng mong muốn được sẻ chia, tri ân với đất nước đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong chiến tranh gian khổ.

Tại cuộc tiếp kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tháng 9/2017, bà Thái Hương bày tỏ: “Tôi sang Nga trong thời kỳ cấm vận với đạo lý rất tự nhiên của một con người tử tế, như câu thành ngữ của Việt Nam “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, bởi trong tiềm thức tôi vẫn còn nhớ, khi đất nước chiến tranh, nước Nga đã không tiếc sức người sức của sát cánh trong công cuộc giải phóng dân tộc của đất nước tôi. Sự giúp đỡ chí tình này đã vun đắp trong tôi và những người dân Việt Nam một tình yêu nước Nga sâu nặng và luôn mong ước một lần được đến nước Nga”.

Tận dụng những tiềm năng về thiên nhiên, đất đai rộng lớn của nước Nga cùng những chính sách phù hợp để đánh thức, khơi dậy ngành nông nghiệp của chính quyền Liên bang Nga, bà Thái Hương cùng Tập đoàn TH đã định hướng chiến lược đầu tư các dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa vào các tỉnh theo bản đồ thiếu sữa của quốc gia này.

Thời điểm đặt vấn đề đầu tư sang Nga, nhiều người tỏ ra hoài nghi về dự án bởi lẽ người ta khó hình dung chuyện một doanh nghiệp Việt Nam có thể “đi ngược” sang một quốc gia phát triển hơn ta để đầu tư các trang trại chăn nuôi và nhà máy chế biến sữa, dự kiến lên đến 350.000 con bò.

Người ta hoài nghi, cũng đúng thôi! Đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn đầy rẫy những khó khăn và rủi ro, có thành công được hay không còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực về tài chính, pháp lý, khả năng hiểu biết thị trường cũng như định hướng phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Nhưng rồi, như lời bà Thái Hương phát biểu tại Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Trang trại bò sữa TH ở tỉnh Moscow vừa qua: “Khó khăn và rào cản nhiều tới mức có lúc chúng tôi tưởng buông xuôi nếu mình không có sức mạnh để nỗ lực vượt qua. Nhưng chúng tôi đã không buông xuôi, đã cố gắng hết sức để đi tới đích, hoàn thành công việc. Để tới ngày hôm nay, như Chủ tịch Quốc hội thấy ở trang trại này đã có hơn 2.000 con bò sữa cao sản đang cho dòng sữa chất lượng cao, sản lượng cao nhất nước Nga”.

Tại xứ sở Bạch Dương, Tập đoàn TH triển khai dự án tại tỉnh Moscow, tỉnh Kaluga, Cộng hòa Bashkortostan và tỉnh Primorye (vùng Viễn Đông). Tổ hợp dự án tại tỉnh Moscow và Kaluga là Giai đoạn 1 trong chiến lược đầu tư vào Liên bang Nga.

Với hình thức đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín từ trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và phân phối, dự án sẽ giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu TH true MILK tới thị trường trung tâm của Liên bang Nga – thủ đô Moscow, tỉnh Moscow và các tỉnh lân cận.

Tại tỉnh Moscow, Tập đoàn TH có kế hoạch xây dựng 3 cụm trang trại với vùng nguyên liệu trên 30.000ha. Cụm trang trại thứ nhất tại huyện Volokolamsk đã được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 1/2018 với đàn bò cao sản thuần chủng Holstein nhập khẩu từ Mỹ. Trang trại vẫn đang được tiếp tục đầu tư mạnh mẽ, đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thiện toàn cụm. Cụm trang trại thứ 2 tại huyện Shatura, tỉnh Moscow đang được thiết kế và sẽ bắt đầu xây dựng vào năm 2020.

Đi thăm trang trại, Chủ tịch Quốc hội đã rất ấn tượng khi biết năng suất trung bình của bò sữa nuôi tại trang trại TH ở huyện Volokolamsk đạt mức 37 lít/con/ngày, tương đương hơn 11 tấn sữa/chu kỳ, cao hơn rất nhiều so với năng suất của toàn ngành tại Nga (6 tấn sữa/chu kỳ).

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: “Dự án thể hiện ý chí của doanh nhân Việt Nam mà đặc biệt là một doanh nhân nữ với quyết tâm chủ động hội nhập, vươn ra biển lớn, thể hiện Việt Nam không chỉ phát huy nội lực trải thảm mời gọi đầu tư nước ngoài mà doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đầu tư ra nước ngoài để thể hiện những năng lực, ý chí của doanh nhân Việt Nam.

Dự án này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế trong bối cảnh Liên bang Nga đang bị sự bao vây cấm vận của phương Tây mà nó còn có ý nghĩa chính trị trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong - người từng có nhiều năm sống tại Nga nhận định: “Nước Nga có nhu cầu tiêu thụ sữa rất lớn, đất đai rộng lớn, người Việt Nam ở Nga cũng rất đông. Lĩnh vực nông nghiệp tại đây có yêu cầu rất cao, nhiều tiềm năng nhưng lại ít phát triển và thiếu đầu tư nước ngoài. Vì thế, việc TH thực hiện đầu tư cho thấy họ có hiểu biết về thị trường và đã có tính toán rất kỹ lưỡng. TH cũng đã triển khai những hoạt động của mình khá sát so với kế hoạch. Đây là một trong những ví dụ điển hình về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài.

Đặc biệt, hoạt động đầu tư sang Nga của Tập đoàn TH khẳng định vai trò tích cực của doanh nghiệp Việt trong con mắt của các nhà quản lý nước ngoài, nhất là của nước Nga. Từ đó tạo ra sự cải thiện quan hệ, thái độ, chính sách đối với cộng đồng người Việt nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng”.

Đồng quan điểm đó, PGS. TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá: “Đây là một hướng đi mới thể hiện sự mạnh dạn của doanh nghiệp. Trước khi đầu tư, mỗi doanh nghiệp đều cần xem xét, tính toán, có phương án đánh giá cụ thể, cân đối khả năng và năng lực cạnh tranh của mình để lựa chọn thị trường đầu tư phù hợp. Ở đây, doanh nghiệp đã biết tận dụng điều kiện, thế mạnh riêng của mình với những chuyên môn và tầm nhìn nhất định”.

Nữ doanh nhân quyền lực của ngành sữa Việt Nam – bà Thái Hương cho biết, TH đặt mục tiêu sẽ trở thành doanh nghiệp có diện tích trang trại lớn nhất tại Nga và đứng trong top đầu các doanh nghiệp sữa của nước này, qua đó nối dài hành trình “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch” ra thế giới bằng đạo lý sống ân nghĩa của dân tộc ta.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top