Kết quả trên thể hiện nhanh, sau những bước xử lý của Ngân hàng Nhà nước cuối 2018 và đầu 2019. Và dường như diễn biến đầu 2018 đang lặp lại, nhưng có một thay đổi lớn.
Trước thềm kết quả trên, nhà điều hành đã có hai bước kỹ thuật chính: một là, thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn vào cuối tháng 11/2018 (giao cuối tháng 1/2019), tạo niềm tin hỗ trợ cung cho thị trường; hai là, ngay ngày đầu tiên năm 2019, nâng mạnh giá mua vào USD, khơi thông và kích thích dòng chảy.
Diễn biến và phản ứng trên thị trường có từ tổng hòa các tác động và các cân đối. Bên cạnh hai bước kỹ thuật trên, trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chủ đích gián tiếp nới chênh lệch lãi suất giữa VND với USD trên thị trường liên ngân hàng, tạo thêm thuận lợi cho cân đối tỷ giá theo mục tiêu.
Như trên, chỉ sau một tháng, cung ngoại tệ được khơi thông và chảy mạnh, Ngân hàng Nhà nước mua ròng tới hơn 4 tỷ USD. Quy mô này, một lần nữa cho thấy nguồn ngoại tệ trong nền kinh tế tích tụ lớn và mức độ chuyển đổi lớn khi được kích thích.
Nó cũng khớp với giai đoạn 2017 - 2018, tính toán tương đối cho thấy, lượng ngoại tệ cơ quan này mua ròng lớn hơn nhiều so với mức độ thặng dư của cán cân tổng thể. Điều đó đi với kết quả chuyển hóa được một phần nguồn lực ngoại tệ găm giữ trong nền kinh tế tích lũy nhiều năm qua.
Trong tổng hòa các tác động trên, chênh lệch lãi suất VND với USD là một lợi ích chính yếu.
Cuối 2018 và cho đến cuối tháng 1/2019, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng lên. Như ở lãi suất qua đêm, phiên 30/1 đã ghi nhận chính thức vượt mốc 5%/năm, hơn gấp đôi so với lãi suất USD trên cùng thị trường.
Trên thị trường huy động giữa ngân hàng thương mại với dân cư và doanh nghiệp, lãi suất VND cũng có xu hướng tăng lên; những mức 8,5-8,7%/năm đã xuất hiện nhiều hơn, ở các kỳ hạn dài hoặc qua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài.
Lãi suất gắn với lợi ích người nắm giữ đồng tiền. Năm 2018, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã buộc phải tăng lãi suất đồng thời với phá giá đồng nội tệ để ứng xử với vấn đề tỷ giá và dòng vốn ngoại đảo chiều…
Với Việt Nam, cụ thể gắn với lựa chọn trong dân cư, lãi suất VND lên cao như trên, trong khi lãi suất huy động USD vẫn 0%, cùng mức độ thay đổi của tỷ giá USD/VND vào khoảng 2,5-3%/năm, cũng là mức độ kỳ vọng thay đổi năm nay, rõ ràng việc nắm VND có lợi hơn nhiều lần.
So sánh lợi ích trên kích thích chuyển đổi. Nó cũng góp phần giải thích vì sao dòng chảy ngoại tệ giai đoạn cuối 2016 đến nay lớn như vậy, lớn hơn nhiều so với mức độ thặng dư của cán cân tổng thể…
Như trên, diễn biến và dòng chảy liên quan dường như đang lặp lại những gì đã thể hiện vào đầu 2018. Nhưng đã có một thay đổi lớn.
Đầu 2018, thị trường và lựa chọn của dân cư mới bắt đầu "làm quen" với lộ trình tăng lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Đến giữa 2018, lộ trình đó thực tế luôn với "quan điểm diều hâu" của FED khi dồn dập các lần tăng. Nó tạo thêm kỳ vọng, và đây là một trong những điểm chính tác động đến các dòng chảy và tỷ giá trên thị trường Việt Nam.
Nhưng, thay đổi lớn lúc này đang định hình. Ngày 30/1, FED phát tín hiệu tạm dừng nâng lãi suất. Thậm chí, với những ý tứ cơ quan này đưa ra, giới phân tích quốc tế đã có nhận định chu kỳ tăng lãi suất của FED đã hoàn tất, và không những thế còn mở ra cánh cửa cho việc giảm lãi suất trong trường hợp cần thiết.
Kỳ vọng và tác động thực đến nay đã khác so với năm 2018. Trong khi đó, tại Việt Nam, chênh lệch lãi suất VND với USD khá lớn, như trên. Vậy nên, quy mô mua ròng hơn 4 tỷ USD mà Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện có thể chưa dừng lại.
Nhưng mua ròng ngoại tệ và gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia không hẳn là mục tiêu hàng đầu, trong thực tế Ngân hàng Nhà nước đang cùng lúc phải thực hiện đa mục tiêu. Mà nổi bật hiện này còn là bình ổn lãi suất.
Việc mua vào hơn 4 tỷ USD nói trên đồng nghĩa lượng tiền VND đối ứng đưa ra khá lớn, đi cùng còn là độ nở của tiền. Nguồn này có tác dụng góp phần cân đối nhu cầu thị trường ở mùa cao điểm thanh toán, chi trả cận Tết Nguyên đán, song song với hỗ trợ nguồn qua kênh cầm cố với số dư lưu hành đã lên khá cao.
Mùa cao điểm chỉ còn tính từng ngày, sắp qua. Và như diễn biến chung của nhiều năm qua, cứ sau Tết Nguyên đán, nguồn tiền lại nhanh chóng chảy trở về hệ thống ngân hàng, nhất là năm nay lãi suất VND đang ở mức hấp dẫn trong khi các kênh chứng khoán, vàng… kém sôi động và thiếu sóng.
Với chính hệ thống ngân hàng, năm nay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu cũng đã siết lại, chỉ với 14%. Đầu ra hẹp hơn cũng góp phần hạn chế lãi suất đầu vào.
Và như trên, với thông điệp tươi mới của FED, tác động từ bên kia bán cầu không còn dồn ép như trong 2018.
Thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ dài. Khi mở cửa trở lại, sau những chuyển động và những tác động trên, điểm chờ đợi có ở khả năng lãi suất VND sẽ từng bước hạ nhiệt. Việc các ngân hàng thương mại nhà nước lớn đồng loạt giảm lãi suất cho vay VND vừa qua cũng không hẳn là việt vị.