Aa

Mưa bay nhoi nhói

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Sáu, 04/03/2022 - 06:05

Đời sống chen chúc rồi lại cuốn trôi đi bao nhiêu dự định chân thành. Như những mong mỏi trở lại nơi từng đến, từng thân thiết ở một miền xa mờ trên những con dốc mưa lầy lội...

Bây giờ trong mưa lạnh buôn buốt thì những mũi nhọn chích nhoi nhói như là mưa cũ. Những cơn mưa nhòa nhòa vẽ lại mái hiên nhà ngói cũ khi tập thể, mảnh vườn lúp xúp mờ cây trồng lẫn cây dại, mặt sông sáng bừng, những lũy tre nghiêng ngả mép nước, những mặt người, mặt phố loáng thoáng, cái cây đơn độc trong trời mưa xa, một rạch chớp chia đôi bầu trời, những vệt nước loáng vệ cỏ xanh ngắt, mặt đê ngân ngấn bùn. Một ô cửa sổ mở ra vùng mưa dào dạt xuống phố, những chiếc ô trôi đi vội vội, những quán nước dưới kia như co lại. Người đứng, người đi đâu đó như co lại, người đi một mình tự nép vào mình. Và cả những làn mưa núi buồn rả rích.

Thoáng thế mà đã nhanh, những cơn mưa ướt con dốc dài dẫn lên các thôn bản xã Tả Phìn. Ngôi nhà gỗ ở khu vực đầu bản của chú Lý Phù Chòi bồng bềnh khói. Lửa bếp giữa nhà dường như lúc nào cũng cháy liu riu, khi không đun một ấm nước hay nấu một thứ gì, củi vẫn vùi trong tro ấm. Đằng sau luồng hơi nước phun trắng lên từ vòi chiếc ấm đã két đen muội than, là màn trắng bồng bềnh sau khung cửa chữ nhật của ngôi nhà. Cô bé người Dao đỏ Lý Mán Nẩy, có khi ngồi bên cái khung cửa ấy, có khi ngồi ra ngoài, dưới mái hiên lưa thưa nhỏ giọt, chép mấy bài hát vào trang vở ô ly. Những con chữ học sinh dù đã lên cấp hai vẫn còn khấp khểnh và sai chính tả. Tôi đi đường dốc, mưa bùn trơn trượt, hay ngã, Nẩy lại chặt cho tôi một chiếc gậy tre nhỏ.

Mưa lạnh và sương mù thường bao phủ Tả Phìn khi mùa Đông đến.

Tả Phìn - Sa Pa, Lào Cai đang sương mù, mưa ướt, ẩm lạnh mù mịt. Có khi đứng ở dưới mái hiên ủy ban xã nhìn ra cái sân đá tự nhiên rộng lớn phía trước, đang nắng bừng mà một luồng mây lớn ùa xuống, trắng xóa, chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Mây phủ quanh chỗ mình đứng đây, đùng đục, đứng sát mới thấy mặt người.

Mưa lúc to lúc nhỏ, cứ thường xuyên, rả rích, hay bay lất phất. Ngủ trong chăn thấm hơi lạnh, một lúc sau mới ấm, vẫn cảm thấy vạt gió len qua khe những tấm gỗ dựng làm vách nhà. Có hôm mở mắt ra cửa sau, đã thấy màn mưa sớm lờ mờ. Rồi mưa dày hạt dần lên. Giờ mà ra thì ướt hết, loanh quanh trong này nghe mọi người nói chuyện. Chuyện đời sống trên này, dạo đó, đầu những năm 2000, vẫn khó về nhiều mặt, điện chưa có, các nhà đều phải dùng máy phát nhỏ đặt dưới suối, nhờ suối chảy để phát điện, nước dùng vẫn phải hứng mưa hoặc bắc ống dẫn từ trên núi về, nhà vệ sinh thì còn nhà có nhà không, cả bản ít lắm, bếp đun vẫn đều là bếp củi lên nhặt trên rừng mà theo thời gian càng phải đi xa hơn.

Dạo đó, nhóm sinh viên Văn khoa trường Nhân văn chúng tôi tham gia hoạt động tình nguyện hè trong Đoàn sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, được chia ra ở cùng một số gia đình trong bản trên tinh thần được định hướng là để gần gũi, hiểu về đời sống người dân hơn, và qua đó cũng thuận lợi hơn trong việc vận động bà con ăn ở vệ sinh, ngủ nằm màn, tích cực cho trẻ đến trường, đừng để các em nghỉ học làm việc nhà… Quanh quanh mấy gia đình chúng tôi ở, nhà chú Lý Phù Chòi, nhà anh Chang A Sà, anh Lý Náo Lai…, nhà nào cũng đón, cũng quý, và có gì đó như là… nể các cháu, các em sinh viên lắm!

Chúng tôi đi quanh các thôn, bản trong xã Tả Phìn, khi đào đất dựng nhà vệ sinh, khi tổ chức sinh hoạt tối cho các em thiếu nhi, rồi ai về “nhà” nấy. Tôi về nhà chú Chòi ăn cơm, ngủ nghỉ, ngồi bên bếp đẩy mấy thanh củi chờ ấm nước sôi, cùng chú và các em bửa ngô, nghe chú kể về cái bản này, xã này, những gia đình người H’Mông, những mái nhà Dao đỏ, xen nhau. Nghe chú than thở cái răng hàm bị sưng, đau quá không ngủ được, chú phải lấy tăm chọc vào cho nó chảy máu ra cho nhẹ đi. Chúng tôi được phát nhiều báo mang lên theo để tặng các nhà. Chú Chòi người to lớn, da bánh mật khỏe mạnh, cầm tập báo các loại, đọc dần. Nhiều thông tin hay các nơi, trong đó có những kỷ lục, những chuyện lạ nước ngoài khiến chú ồ lên thích thú.   

Bản Tà Phìn với vẻ đẹp mộc mạc, yên bình. (Ảnh minh họa)

Chú Chòi kể hồi chiến tranh biên giới, chú đã đi bộ đội, là lính trinh sát. Nhớ mãi chuyến ấy đang lần rừng, nghe loáng thoáng tiếng nói ở phía đằng kia, liền đó đã có bước chân chạy rồi. Quay mình, chú chạy văng người xuống chân dốc, tiếng đạn bay veo véo phía trên đầu. Hình như nằm ép được xuống một cái hốc lầy lội um tùm nào đó, địch nó không thấy, nó bỏ đi. Tôi không nhớ tiếp được làm sao sau đó chú Chòi thoát về đơn vị, rồi sau rời quân ngũ còn trở lại được quê nhà, lập gia đình, sinh một đàn con, dựng nhà, làm ruộng. Người vợ đầu sinh cho chú được hai gái, một trai rồi sớm ra đi. Sau chú lấy thêm một người vợ, cô ở dưới Nam Định lên, thêm được đứa con trai nữa, đặt tên là Tuấn. Người mẹ thỉnh thoảng có việc hàng họ đi mấy ngày, để Tuấn dạo đó mới lũn cũn cho các chị chăm, rồi lại về, cả nhà quây quầy, những hạt gạo nương to, không trắng như gạo dưới xuôi, những mớ đậu bóc ra nấu canh, bát lạc rang muối, ít thịt tiết kiệm… Cậu em tên là Công, đi học trường dân tộc nội trú, cuối tuần về thả trâu đi chăn, sau này Công được tỉnh cho đi học ngoại giao để về công tác ở địa phương. Hai cô con gái là Nẩy và chị cả là Lý Mẩy Khé hồi đó nét mặt vẫn hay buồn, các em nhớ mẹ.    

Đi tình nguyện, gọi là “ba cùng” đấy, nhưng ngẫm lại thấy tự giễu mình. Cùng ăn, cùng ở thì có chứ cùng làm thì mình sinh viên, biết gì việc nhà nông ở vùng núi đâu. Nên cứ ở nhờ nhà dân rồi đi tổ chức sinh hoạt, đi vận động thôi. Vậy mà cũng thấy tiếc tiếc rằng lâu nay không thấy tổ chức lại các hình thức tình nguyện hè như thế, nhà trường cho sinh viên về nông thôn, lên vùng cao, đi vào các vùng xa xa, sâu sâu một chút. Có thể về mặt hiệu quả vận động mà mỗi sinh viên là một tuyên truyền viên thì cũng vừa vừa phải phải thôi, không giống được như tinh thần thấm đẫm lý tưởng lãng mạn ban đầu đề ra, nhưng cái giá trị của trải nghiệm, của những tình cảm chân thành nhóm lên trong suy nghĩ về đồng bào, về người dân thì rất có ý nghĩa.

Sau này, cũng có nhiều hình thức khác nhau của hoạt động tình nguyện đấy. Mà thậm chí bây giờ, bước ra ngoài là thấy hoạt động thiện nguyện khắp nơi, từ trẻ đến già nhiều nơi đều hăng hái, sôi nổi, thắm thiết sự sẻ chia. Và những lứa sinh viên thế hệ mới tham gia vào đó, cũng chủ động, năng động lên nhiều lắm. Nhưng sao tôi vẫn cứ thấy mong mỏi một “kiểu” tình nguyện, thiện nguyện “ba cùng” hợp với hiện nay, hoặc cũng gần gần như thế. Như chính ta đã từng học cách của những người lính khi đến với dân, trở nên thân tình bạn bè, con cháu trong dân. Như những người sau này trong hòa bình, đi công tác xa, làm các công tác kỹ thuật, xã hội, văn hóa… phát triển những vùng đất, cũng đã được dân nuôi, dân giúp, và mang niềm ơn nghĩa ấy về mãi sau này.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng

Thỉnh thoảng chú Chòi đi xuống suối sửa cái máy phát điện. Có lúc những mẩu gỗ trôi đến mắc lại, cỏ rác quấn vào, máy không chạy được, hay là phải tháo, phải vít, phải buộc lại này kia, chú lội xuống. Sau này chú mất vì một lần xuống sửa máy, thế nào mà bị điện giật.

Tôi trở lại Tả Phìn một lần, gấp gáp cùng đoàn công tác, không ra thăm được mộ chú, chỉ kịp tìm gặp Lý Mán Nẩy lúc Nẩy đang ngồi nướng gì đó với mấy chị em ở căn nhà đầu xã như một điểm dịch vụ cộng đồng. Sau khoảng chục năm, du lịch đã phát triển ở Tả Phìn, đã có dịch vụ tắm lá thuốc Dao đỏ, hợp tác xã thêu và bán thổ cẩm truyền thống, vài điểm ăn uống món dân tộc mọc lên, manh nha dịch vụ lưu trú, nhiều chị em gùi khăn, áo, dây đeo thổ cẩm đi theo khách mời mua hàng…

Ngôi nhà cũ trên lưng dốc đã dỡ, Nẩy sống cùng chồng và hai con trong ngôi nhà gỗ mới hơn ở dưới, gần phía đầu xã để tiện làm dịch vụ. Người chị lớn trong nhà bây giờ là Nẩy. Còn Khé, ngày trước đã ăn lá ngón vì không muốn lấy người chồng mà mình không ưng. Hồi đó chú Chòi còn, chú cứ muốn gả con cho một nhà nào đó. Trong ký ức chúng tôi vào những ngày mưa mờ trắng Tả Phìn, ở núi, làm lụng luôn tay, lấy củi, cho trâu ăn, nấu cám nuôi lợn, rồi nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa trong bầu không khí ám khói bếp, vậy mà Khé trắng trẻo, xinh tươi, đôi mắt sáng. Ai đó ở bản đã nói, Khé rất giống mẹ. Từ vài hôm trước ngày chúng tôi xong chuyến tình nguyện, Khé ngồi miệt mài dưới hiên thêu những chiếc dây đeo tay thổ cẩm tặng cho chúng tôi.

Bây giờ, thỉnh thoảng báo đài đưa tin có người ăn lá ngón, như là chồng giận vợ, vợ cãi nhau với chồng, bố mẹ tức con cái hay con tủi thân vì bố mẹ, bởi những chuyện xích mích trong sinh hoạt đời thường, thật là đau lòng. Bao giờ mới được chứ, khi không còn cảnh chọn lựa những cách giải quyết nghiệt ngã như thế vì những bực dọc, tủi hờn, cay đắng vốn đâu phải là hiếm hoi trong cuộc sống này.

Đời sống chen chúc rồi lại cuốn trôi đi bao nhiêu dự định chân thành. Như những mong mỏi trở lại nơi từng đến, từng thân thiết ở một miền xa mờ trên những con dốc mưa lầy lội, dù chỉ mới chạm vào cánh cửa gỗ ngôi nhà chất chứa nhiều suy nghĩ riêng lặng lẽ. Đã nhiều đổi thay, cả điều hy vọng lẫn đau buồn. Và cả những bám níu âm ỉ lại có lúc làm ta tự chất vấn mình, rằng đã có thể có những chảy trôi, những kết thúc khác, bình yên hơn, lành lặn hơn cho một đời sống, những con người, hay chỉ một phận người.

Lâu lâu trong mưa bay, tôi lại nghe tiếng gọi…/.     

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top