Thời gian gần đây, lượng thông tin đăng tải bán nhà đất, nhà mặt phố, đất nền tăng đột biến trên các trang web chuyên rao bán bất động sản như alonhadat.com.vn, batdongsan.com...Không hiếm để bắt gặp những cụm từ như "cần tiền thanh lý gấp, giá sập sàn", "bán cắt lỗ sâu do corona", "bán giá thấp nhất thị trường mùa dịch”...
Ghi nhận những ngày đầu tháng 4, trên nhiều trang mạng xã hội, rao vặt có hàng ngàn thành viên chuyên về rao bán bất động sản ở Hà Nội và TP.HCM như Thổ cư Hà Nội, Hội mua bán nhà đất... cũng đã bắt đầu xuất hiện những thông tin giảm giá như "giải cứu chủ nhà mùa Covid-19, nhà giá sập sàn"... Một số căn chậm bán đã chấp nhận hạ giá chào so với trước.
Tuy nhiên, để mua được nhà giá hời, cần bán gấp thật, để tránh rơi vào những chiếc bẫy của các đối tượng "bắt trend mùa dịch", người mua phải hết sức tỉnh táo tìm hiểu kỹ thông tin, đặc biệt cần so sánh giá bán trước và sau khi xảy ra dịch Covid-19.
Trong vai người mua, chúng tôi gọi vào số điện thoại đang rao bán căn hộ tại một dự án cao cấp tại quận Mỹ Đình. Người bán đưa giá căn hộ là 2,6 tỷ đồng với hàng loạt thông tin hấp dẫn như "cắt lỗ, bán gấp giá rẻ 100 triệu đồng". Người này tiếp tục cho biết, giá căn hộ này trong hợp đồng chủ đầu tư bán 2,7 tỷ đồng, giờ cần tiền nên chủ nhà bán rẻ.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tiếp về các khoản thuế, phí thì người này cho biết người mua phải chịu, hơn nữa căn hộ chưa bàn giao nên vẫn còn 5% phải đóng cho chủ đầu tư để làm sổ đỏ. Tính ra số tiền người mua phải đóng thêm trên cả 150 triệu đồng, cộng vào giá nhà cũng đã vượt 2,7 tỷ đồng. Thực chất, chủ nhà không hề bán cắt lỗ.
Anh Minh, một nhà đầu tư đang săn lùng các tòa căn hộ mini cho thuê cho biết, cả mấy tháng này tranh thủ lúc nhà đất rao bán rẻ nhiều vì dịch Covid-19 anh săn tìm tài sản giảm giá mua vào để đầu tư cho thuê lâu dài nhưng vẫn chưa tìm được căn nào ưng ý. Vừa rồi, có chủ nhà ở Trung Kính rao bán căn nhà 98m2, 7 tầng với 17 căn hộ chung cư mini đang cho thuê thu nhập lên đến gần 50 triệu đồng/tháng với giá rao 7 tỷ, theo chủ nhà mức giá chỉ rẻ bằng 20% các lô đất xung quanh.
Với thông tin hấp dẫn anh Minh lặn lội đến tận nơi thì môi giới cho biết do anh Minh đến chậm nên căn nhà này đã có người đặt cọc và dẫn anh đi xem một số căn nhà khác nhưng giá khá đắt hoặc đất xấu, nhà xây đã cũ hơn nhiều. Đưa thông tin ảo thật hấp dẫn vẫn là chiêu trò mà nhiều nhân viên môi giới dùng để lấy thông tin, số điện thoại của khách hàng hoặc lấy nguồn khách để dẫn đi xem các dự án khác.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nói là giảm giá, "cắt lỗ" do dịch bệnh chưa chắc đã chính xác. Bởi vì, trước đây giá nhà tăng quá cao, nên trong thời điểm này dù có giảm nhưng đó lại là giá trị thật của sản phẩm. Và để tránh rơi vào "bẫy" của môi giới, người dân có nhu cầu mua nhà ở nên so sánh giá trước và sau khi xảy ra dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên tham khảo xung quanh để tìm kiếm giá trị thật của mảnh đất hay ngôi nhà đặc biệt là tính pháp lý.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng bởi các thông tin cắt lỗ thời điểm này. Bởi từ trước đến nay, không thiếu tình trạng môi giới "treo đầu dê bán thịt chó", rao bán cắt lỗ để thu hút khách nhưng thực tế giá không có gì thay đổi.
Bên cạnh đó, nhiều đầu tư thứ cấp đang sở hữu căn hộ, đất nền hoặc các sản phẩm bất động sản khác nếu không chịu áp lực từ đòn bẩy tài chính, phần lớn vẫn tin tưởng về thanh khoản thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ không có ý định giảm giá để kích cầu. Đó cũng là lý do vì sao giá một số phân khúc bất động sản không những không giảm mà còn có xu hướng tăng tại một số nơi.