Aa

“Mua quyền tại Vinaconex”, An Quý Hưng đã “thua ở hiệp hai”?

Thứ Ba, 25/12/2018 - 20:00

Nhà đầu tư mua 21% vốn của Viettel tại Vinaconex với giá rẻ, nếu thỏa thuận mua lại toàn bộ cổ phần của khối ngoại thành công thì có thể An Quý Hưng sẽ “thua một nước” trong cuộc đua quyền lực.

Dù năng lực tự thân không thuộc nhóm cá kình, dù phải “thế thân” lấy tiền đầu tư, nhưng Công ty TNHH An Quý Hưng vẫn chịu trả cao hơn 2.000 tỷ đồng để ôm trọn lô cổ phiếu lớn nhất (58%) tại Vinaconex thời điểm đấu giá. Nếu không phải mua quyền lực tại Vinaconex thì là lý do gì?

Quyền lực tối cao không còn “nằm trong lòng bàn tay” An Quý Hưng

Chiều 24/12, giao dịch cổ phiếu VCG của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG, Vinaconex) gây chú ý với khối lượng lớn được thực hiện ở phía nhà đầu tư ngoại.

Tức 33,9 triệu cổ phiếu VCG đã được khối ngoại bán ra theo phương thức thỏa thuận trong phiên với giá trị hơn 840 tỷ đồng, tương đương gần 25.000 đồng/cp.

Theo số liệu tới trước phiên đấu giá cổ phần VCG của Viettel và Vinaconex, nhà đầu tư nước ngoài hiện nay sở hữu 10,86% vốn cổ phần tại Vinaconex bao gồm PYN Elite Fund (sở hữu 7,1% vốn, tương đương 31,4 triệu cp VCG) và Market Vector Vietnam ETF (sở hữu 1,79% vốn, tương đương 7,9 triệu cp, số liệu cập nhật tại thời điểm 9/11), cùng nhiều nhà đầu tư ngoại cá nhân khác.

giá trị của Vinaconex vẫn là đất vàng

Giá trị của Vinaconex vẫn là đất vàng

Theo nguồn tin riêng của Reatimes, khả năng số cổ phần Vinaconex khối ngoại chuyển nhượng đã về tay nhà đầu tư đấu giá thành công 21,3% cổ phần Viettel nắm giữ. Điều này đồng nghĩa với việc cục bộ của Vinaconex có thể sẽ thay đổi.

Còn nhớ cách đây 1 tháng, hơn 50% cổ phần tại Vinaconex mà SCIC muốn bán ra được quan tâm đặc biệt trên thị trường. Một số diễn biến liên quan đến phiên đấu giá càng đẩy thương vụ mua bán thêm kịch tính.

Tại thời điểm đó, Vinaconex không hấp dẫn nhà đầu tư bằng tên tuổi hay sự tăng trưởng giá trị cổ phiếu; mà là ở quỹ đất và đặc biệt là hơn 50% quyền lực. Đó là lý do có thông tin cho rằng để mua được 57,7% vốn tại Vinaconex, An Quý Hưng cũng đã “sứt đầu mẻ trán” và cũng phải “kêu gọi anh em” hỗ trợ nhiều. Doanh nghiệp này cũng đánh cược chấp nhận trả thêm 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm để mua lô cổ phiếu của SCIC. So với năng lực của An Quý Hưng thì số tiền này không hề nhỏ.

Thế nhưng, mọi chuyện có vẻ đang nằm ngoài dự tính của An Quý Hưng và càng cho thấy nhà đầu tư mua cổ phần của Viettel đang tỏ ra “cao tay”. Theo Điều lệ của Vinaconex, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông liên quan đến việc sửa đổi và bổ sung Điều lệ, chào bán cổ phiếu, tổ chức lại doanh nghiệp, các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn... chỉ được thông qua khi có từ 65% trở lên số phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết.

Như vậy, nếu An Quý Hưng thêm gần 8% cổ phần nữa để tăng sở hữu lên 65% thì khi đó nhóm này sẽ có toàn quyền quyết định các quyết sách quan trọng.

Còn ở phía ngược lại, nhà đầu tư mua lại 21,3% cổ phần từ Viettel nếu tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 35% có thể phủ quyết được mọi quyết sách quan trọng do nhóm cổ đông đa số đưa ra. Nếu 2 bên muốn gia tăng sở hữu để củng cố tiếng nói thì người được lợi nhất sẽ là Pyn Elite Fund, cổ đông ngoại đang nắm 7,1% cổ phần.

Vậy, nếu An Quý Hưng tuột mất số cổ phần này, e rằng đã có bước đầu lệch mục tiêu?

Cuộc chơi lại sang hiệp mới!

Thực tế, câu chuyện diễn ra tại Vinaconex gần đây vẫn được giới tài chính quan tâm khi mà nhà đầu tư lớn thật sự vẫn đang giấu mặt. Đến thời điểm này, diễn biến còn vượt tầm kiểm soát của người trong cuộc, thì người ngoài có lẽ cũng khó tường tỏ.

Ngày 11/1/2019 tới đây, Đại hội cổ đông bất thường của Vinaconex mới được triệu tập, dự kiến nhiều bí mật sẽ được công bố.

Tuy nhiên, thông tin liên quan đến tay to thật sự đứng sau thương vụ mua quyền tại Vinaconex chưa chắc đã được hé lộ. Cũng như việc Hải Phát, Him Lam, Văn Phú Invest, Geleximco, Ecopark, Vicostone có tham gia thương vụ này hay không cũng sẽ khó xác định nếu như họ không muốn lộ diện.

Khi một phe nắm số cổ phiếu cao nhất có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, và một phe có quyền bác bỏ những quyết định đó; thì cuộc chiến trong ban lãnh đạo tại Vinaconex sẽ còn kéo dài. Nếu như vậy, tương lai của ông hoàng của ngành xây dựng một thời sẽ đi về đâu, câu trả lời còn là đáp án đầy trắc ẩn.

Giả sử thứ hai, nếu đúng như tin đồn, nhóm cổ đông mang tên An Quý Hưng tan rã, do bất đồng lợi ích hoặc là bị phe đối thủ mua chuộc. Thì cán cân quyền lực sẽ nghiêng hẳn về phe đối lập.

Giả sử thứ ba, nếu An Quý Hưng đứng một mình thì sức mạnh chưa chắc đã ngang hàng với phe đối lập đã mua được hơn 20% vốn của Viettel. Chưa kể, khi doanh nghiệp này dồn hết tài chính để mua bằng được cổ phần của Vinaconex, thì tiềm lực có còn để thực hiện những dự án đang dang dở; ban lãnh đạo có tập trung được như trước, cũng là một vấn đề. Việc Vinaconex chưa thành một thể thống nhất, hoạt động kinh doanh của An Quý Hưng đi xuống là điều không bàn cãi.

Một giả sử nữa, đây là miếng bánh chia nhau của các doanh nghiệp thì tương lai của Vinaconex cũng chưa hẳn chắc chắn. Bởi nhà đầu tư mới nhắm đến đất vàng hay tập trung gây dựng lại thương hiệu Vinaconex? Cục bộ Vinaconex bản thân cũng đang rất phức tạp, để chung hòa được lợi ích nhiều phe phái cũng là bài toán vô cùng khó.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về một thể không thống nhất của Vinaconex cũng như “nội lực” của An Quý Hưng thời điểm hiện tại. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top