Aa

Lộ những chiêu trò của các cao thủ tài chính tại “ván bài” Vinaconex?

Thứ Năm, 29/11/2018 - 23:00

Câu chuyện bán vốn tại Vinaconex tưởng đã khép lại khi bên bán và bên mua đều phấn chấn, hài lòng. Thế nhưng có vẻ như thị trường càng thêm tò mò bởi một trò tung hỏa mù thông tin nào đó, hay chiến lược kinh doanh của một "tay to", thậm chí không loại trừ khả năng về một cuộc cạnh tranh đằng sau đó!

Bên bán phấn khởi

Như vậy, hai nhà đầu tư SCIC và Viettel đã bán thành công 79% vốn tại Vinaconex với mức giá vượt mong đợi. Tổng số tiền hai tổ chức này thu về cao hơn 2.000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu, trong đó chủ yếu chênh cao tại lô hơn 50% SCIC bán cho Công ty An Quý Hưng – công ty gia đình.

Việc hai doanh nghiệp thoái vốn là theo lộ trình nhưng thời điểm này được cho là hợp lý. Chẳng hạn như giá cổ phiếu VCG đang trên đà trượt dốc mạnh, cơn sốt "đất vàng" nội đô đang hấp dẫn hơn bao giờ và thậm chí câu chuyện SCIC và Viettel từng ấy năm hợp tác với Vinaconex đã hiểu và khai thác hết thế mạnh. Việc bán vốn đã có lộ trình chuẩn bị. Dù Vinaconex có nhiều tiềm năng đất nhưng để giải được bài toán này không hề đơn giản đối với doanh nghiệp ít kinh nhiệm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, cũng như đòi hỏi phải có kinh nghiệm cơ cấu lại bộ máy khổng lồ.

Chưa kể, VCG cũng không phải doanh nghiệp kinh doanh xuất sắc so với cơ hội sẵn có. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 4.417 tỷ đồng thì có đến 4.119 tỷ đồng vay vốn ngân hàng. Lợi nhuận hàng năm chỉ tương đương với một doanh nghiệp vừa và nhỏ, dao động 300 - 400 tỷ đồng/năm. Các công ty con làm ăn bết bát, thua lỗ, dừng giao dịch trên sàn. Thương hiệu của Vinaconex đối với người tiêu dùng đã mờ nhạt bởi hàng loạt sự vụ gây bất bình trong dự luận.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2018, cả nước mới thu được 10.499 tỷ đồng tiền thoái vốn. Nay bán cổ phần Vinaconex, Nhà nước thu về 7.430 tỷ đồng, bằng hơn 70% số dư thoái vốn của 9 tháng cộng lại.

Căng thẳng được đẩy lên trước giờ đấu giá

Không khó để nhận thấy, bên mua Vinaconex đều là những tổ chức vốn điều lệ nhỏ, từ 200 - 360 tỷ đồng. Có doanh nghiệp mới thành lập chưa đầy 2 tuần tính đến ngày đấu giá. Nếu cho rằng một số trong những công ty này lập ra để mua cổ phần Vinaconex cũng không sai.

Những thông tin về nhà đầu tư tham gia đấu giá “lạ hoắc” đã khiến cho cả thị trường “đoán già đoán non” và kịch tính được đẩy lên đỉnh điểm khi công bố khóa room ngoại trước thềm mở bán Vinaconex.

Kết quả, số cổ phiếu quyền lực nhất (57,7%) đã về tay một công ty gia đình (chồng sở hữu 70% và vợ sở hữu 30% vốn). Lãnh đạo công ty này từng là “người nhà” của Vinaconex và cũng đang là Thành viên hội đồng quản trị của Hải Phát Invest – họ hàng với Văn Phú Invest.

Nhà đầu tư mới của Vinaconex đang tất bật lo tiền trả SCIC

Nhà đầu tư mới của Vinaconex đang tất bật lo tiền trả SCIC

Đáng nói là, Công ty TNHH An Quý Hưng đã phải chấp nhận chi thêm hơn 2.000 tỷ đồng để có thể đánh bại các đối thủ khác. Mua với mức ra giá 28.900 đồng/cổ phiếu cho lô cổ phần mà SCIC rao bán, An Quý Hưng đã trả cao hơn 35,6% giá khởi điểm và cao hơn 50% thị giá VCG đang giao dịch trên sàn. Tại mức giá này, An Quý Hưng đã phải bỏ ra 7.367 tỷ đồng.

An Quý Hưng là ai, thị trường đã lờ mờ đoán ra nhà đầu tư đứng sau. Thế nhưng sau phiên mua trọn lô lớn cổ phiếu thành công, bên mua lại bất ngờ lộ thông tin chạy thế chấp tài sản để lo tiền mua, khiến thị trường lo ngại khả năng phải bỏ cọc.

Một nguồn tin cho biết, Công ty An Quý Hưng vừa mới thực hiện thế chấp hàng loạt các lô đất thuộc dự án Geleximco – Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn cho ngân hàng Indovina, chi nhánh Thiên Long.

Các lô đất nằm trong hợp đồng mua bán giữa An Quý Hưng và Tập đoàn Geleximco có tổng giá trị khoảng 250 tỷ đồng. Trừ đi tiền đặt cóc, hiện ước tính công ty này sẽ phải huy động thêm khoảng 7.000 tỷ đồng.

Thực ra vốn điều lệ của An Quý Hưng rất nhỏ so với số tiền có thể bỏ ra để mua hơn 50% vốn của Vinaconex. Do đó, để có tiền mua chắc chắn họ phải vay mượn, kể cả vay ngân hàng. Thậm chí kể cả doanh nghiệp khủng thì họ cũng không để sẵn tiền nhàn rỗi hàng ngàn tỷ đồng.

Nhưng vô lý là ở chỗ, để khi một doanh nghiệp nộp hồ sơ đấu giá buộc phải bố trí tài chính từ trước và đưa phương án tiếp quản và tái cơ cấu hợp lý khi mua cổ phần. Do đó, thời điểm này An Quý Hưng mới lo tiền nghe có vẻ không hợp lý?

Giả sử, doanh nghiệp này phải vay ngân hàng toàn bộ số tiền mua để trả cho SCIC thì phải trả lãi hàng năm lên tới 700 – 800 tỷ đồng, gấp đôi lãi hiện tại của Vinaconex.

Vậy nếu không có tiền, nhà đầu tư đứng sau này đang định chơi trò đầu tư sang tay kiếm lời? Trong trường hợp này, không loại trừ khả năng họ chia nhỏ để bán từng phần, cả dự án và công ty con. Mua sỉ bán lẻ thường mang lại lợi nhuận không tồi nhất là với một thị trường nhiều biến động như bất động sản. Ngoài ra không có gì ngạc nhiên một khi nhóm nhà đầu tư mới chuyển nhượng Vinaconex cho đối tác nước ngoài.

Chiến tranh ngầm đang căng thẳng?

Sau khi thương vụ này thành công, Vinaconex sẽ trở thành công ty con của An Quý Hưng. Đồng thời ông Nguyễn Xuân Đông có thể sử dụng một phần tiền mặt của Vinaconex để trả bớt các khoản nợ vay dùng mua cổ phần từ SCIC.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của Vinaconex, công ty mẹ đang có khoảng 1.500 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Ngoài ra, Vinaconex đang thực hiện bán cổ phần tại nhiều công ty con.

Thế nhưng, với gần 58%, An Quý Hưng vẫn chưa có đủ tỷ lệ sở hữu để có toàn quyền quyết định các hoạt động quan trọng của công ty. Theo Điều lệ của Vinaconex, các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn chỉ được thông qua khi có từ 65% quyền biểu quyết.

Viettel cũng đã đưa ra bán toàn bộ 21,3% cổ phần nắm giữ tại Vinaconex với giá khoảng 2.000 tỷ đồng cho một nhà đầu tư với giá không cao hơn nhiều giá khởi điểm. Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư này mua thêm cổ phiếu Vinaconex và tăng tỷ lệ lên trên 35% họ sẽ có quyền phủ quyết các quyết định của nhóm cổ đông chiếm đa số cổ phần đưa ra.

Trong giai đoạn nước rút lo tiền trả SCIC, nếu một trong hai cổ đông này thỏa thuận được với PYN Elite Fund để mua 7% cổ phần của Vinaconex thì bên đó thắng.

Thời điểm này, nếu An Quý Hưng không vay được tiền ngân hàng, không tận dụng được tiền tại Vinaconex (lấy tiền mặt hoặc bán bớt công ty con) hoặc không tìm được nhà đầu tư trả giá cao để mua bớt cổ phần, khả năng bỏ cọc là có thể xảy ra. Tất nhiên bên mua vốn của Viettel đang chờ diễn biến đó và lợi thế của họ là đã mua được cổ phần với giá “hời” hơn An Quý Hưng?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top