Aa

Mùa sửa nhà phố xá râm ran

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Ba, 11/01/2022 - 06:09

Đông đến, cũng là mùa mà người trong phố xá râm ran giai điệu sửa nhà. Khắp ngõ này, khắp phố kia, đâu đâu cũng tiếng xè xè, chan chát, bùm bụp… của máy cắt, máy khoan, của đe, của búa.

Cái bản hợp xướng hỗn độn ấy cứ vang lên từ sáng đến khuya. Bụi bay mù trời. Bụi mịn như sương loang khắp không gian phố những ngày chập chờn đông giá. Sương, bụi, nắng hanh quyện vào nhau tạo nên sắc màu bàng bạc, vừa mơ màng lãng mạn, vừa khó thở tức ngực. Bụi và sương vấn lên tóc, lên áo, lên mặt người đi đường. Bụi lẫn cả vào nhạc Phú Quang đang rủ rỉ tri tình cùng phố, đang trầm ngâm vọng nhớ người nhạc sĩ tài hoa vừa nằm xuống.

Người ta chỉ nhận ra bụi lúc mờ sáng, khi sương giá đã bay lan theo ánh mặt trời và để lại trên mặt lá lớp trắng bạc của bụi. Nhìn lên lá cây, mới thấy cám cảnh nỗi niềm mùa sửa nhà, mới thấy những tiếng đinh tai nhức óc kia mỗi lúc một dội lên đến không còn bình thường nữa. Dường như, chỉ những mái ngói thâm nâu, chỉ những rêu xanh phố cổ là biết mình sẽ đổi thay từ việc sửa nhà. Bụi và sương như dưỡng chất đặc biệt làm rêu mùa này xanh hơn. Ở những mái phố cổ, rêu bò lan theo bụi mà mọc lên mà nảy nở, mà tươi tốt.

Ảnh minh họa

Sống với phố phải quen mình với phố. Quen như thể trong cái ngõ ống dài hun hút mà chỉ với hai người đi ngược chiều cũng có thể chạm sát vai nhau, chằm chặp những căn nhà mười mét vuông, chật chội chỉ người với người. Quen với những lý do không thể không sửa nhà: Nhà cổ đã xuống cấp nhưng không được cấp phép xây lại - sửa. Mùa mưa vừa qua, nước dột vào tận chân giường - sửa. Mái tôn rỉ sét, tường ẩm mốc, đường điện bục bủn -  sửa. Nhà sắp có thêm người - sửa. Nhà thì ngày càng nhỏ đi mà người càng thêm ra, lớn lên, thôi thì cơi thêm tí chuồng cọp, chuồng chim - sửa. Xuân sắp đến, Tết gần sang, muốn nhà cửa trang hoàng, cho mới mẻ - sửa...

Người có tiền thì sửa nhiều, sửa đẹp. Người kinh tế eo hẹp giản đơn hơn là sơn quét vôi ve... Sửa nhà vốn không phải là việc để phô trương thanh thế với hàng xóm láng giềng, mà sửa nhà như một lẽ tự nhiên, với những lý do vốn có. 

Mùa phố cổ sửa nhà, người ta nói với nhau hai chữ cảm thông. Cảm thông vì nhà chật không đủ chỗ cho vật liệu sửa nhà nên phải mượn chút ngõ hẹp để xếp đồ ra đấy. Ngõ đã nhỏ nay lại càng nhỏ hơn, nhếch nhác hơn. Mấy bác chính quyền thấy gia chủ sửa cũng phải lui tới kiểm tra độ an toàn của “công trình”. Kiểm tra là kiểm tra vậy, nhắc nhở là nhắc nhở vậy, chứ phải cảm thông thôi, biết làm sao được bây giờ. Hàng xóm sát bên thì “thông cảm nhé!”. Ai ở đây cũng phải có đận sửa nhà. Nhà tôi sửa, nhà anh sửa, nhà bên sửa, chung quanh phố bàn cờ đều sửa cả, phiền toái đâu chỉ của một nhà gây ra. Thông cảm cho nhau lúc này nghĩa là lúc khác cũng có người thông cảm cho mình.

Nhà có người già ốm yếu, có con nhỏ mới sinh thì thấy việc nhà bên cạnh sửa là phiền phức thật. Âm thanh inh ỏi, ra rả suốt ngày suốt đêm, người già thì mất ngủ, trẻ con thì quấy khóc, sinh hoạt đảo lộn nhưng cũng cứ phải bấm bụng mà chịu. Cũng có khi không chịu được, đành gặp nhau nhấm nhẳng, khó chịu ra mặt đấy, nhưng xong rồi thôi, ai về nhà nấy. Khổ nỗi, có ai muốn làm phiền người khác thế đâu cơ chứ! Sửa nhà là hoàn cảnh chung của phố cổ kia mà…

Mùa sửa nhà cũng là mùa bận rộn của cánh thợ xây, thợ hồ mới từ quê lên. Giữa lúc đồng áng ngơi nghỉ, chờ làm vụ mới thì những người có nghề phụ là thợ xây, thợ hồ lại cùng nhau lên phố để làm công việc sửa nhà. Tranh thủ lúc nông nhàn vậy thôi nhưng có khi suốt gần năm dầu dãi với ruộng đồng, thu nhập cũng chỉ bằng đôi ba tháng làm thợ sửa nhà ở phố cổ. Lấm láp một chút, bụi bặm một chút, co kéo với nơi ăn, chốn thuê thì có sá gì với cảnh đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn với cây cối, vườn tược ở quê đâu.

Chả thế mà ở quê tôi, cứ vào dịp cuối năm là có rất nhiều những cánh thợ nhỏ, lẻ kéo nhau lên phố làm công việc này. Sửa nhà này chưa xong, nhà kia đã gọi, cứ thế kéo dài cho đến những ngày cận Tết, mới thu vén được về quê.

Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh

Mùa sửa nhà đem lại sự rôm rả cho cánh chị em thu mua đồng nát, sắt vụn. Những đồ cũ không dùng, những đầu thừa đuôi thẹo của vật liệu xây dựng mà không còn dùng vào việc gì đều được gia chủ tuồn ra cho những gánh gánh gồng gồng. Điều đặc trưng của chị em làm nghề này ở phố cổ là thường dùng quang gánh và đi theo một nhóm chừng vài ba người. Mỗi người đi mỗi ngách nhỏ, tiếng rao mua bán êm tai, nhẹ nhàng nhưng cũng đủ loang ra mặt phố, nó khác xa với cánh mày râu ngồi trên xe máy, xe đạp có bộ loa ghi âm sẵn đang ra rả ngoài đường lớn.

Đôi ba người gồng gánh trong từng ngõ ngách, gặp nhà nào sửa nhà có nhiều đồ cũ bán là í ới gọi nhau đến cùng mua, đưa về nơi tập kết rồi cùng nhau chia công tính lãi. Những người phụ nữ này làm cả những việc lau chùi dọn dẹp khi nhà vừa được sửa xong, công xá cũng chỉ lấy bằng một ngày đi làm. Họ đích thị là những lao động bình dân trong mùa sửa nhà phố cổ.

Có buổi ban mai thức dậy, chợt thấy quanh mình yên ắng đến lạ thường. Chú sóc nâu đuôi đỏ thường ngày trốn đâu mất, nay vừa đu từ tán cây xuống, mon men vào tận ban công, bới những mầm địa lan trắng nõn nhai nhí nhách. Đàn sẻ cũng lích chích chuyền cành. Không còn tiếng ồn ào, không còn bụi lẫn vào sương lờ nhờ, vẩn đục. Người trong phố lại đon đả chào nhau: “Bác vội gì không, em có ấm trà ngon phần bác”.

Lòng tự nhủ, thế nghĩa là Tết đến thật gần, nhà nhà đều cố gắng thu vén cho nhanh để tổ ấm lại trở về bình yên như lẽ thường ai nấy đều mong muốn. Từng tốp thợ xây, thợ hồ nhặt nhạnh, gom góp suốt mùa cũng được món tiền ướm vừa khoản này, khoản nọ, lắm khi bù đắp cho con cái chuyện sách vở, học hành.

Phố xá đã râm ran rồi cũng đến hồi trầm lắng. Lòng người thì không thôi nghĩ ngợi miên man. Vừa gần nhau đấy, vừa va chạm đấy, vừa chán nản đến mức chẳng buồn than vãn nặng nhẹ… rồi cũng lại tỏa đi muôn hướng, rồi cũng lại cập rập, nặng gánh mưu sinh. Sau bao nhọc nhằn, bức bối, mùa xuân lững thững ở rất gần. Từng mầm cây non xanh vừa bật ra từ thân cây mẹ cũng hào phóng với chú sóc nâu đã lâu không về thăm phố cổ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top