Aa

Mục tiêu phát thải ròng bằng “0”: Không thể trì hoãn

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 16/11/2023 - 15:00

Việt Nam đã cam kết tại COP26 sẽ đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, chỉ cam kết là chưa đủ mà quan trọng là phải hành động để thực hiện cam kết đó.

Cam kết phải đi liền với hành động

Phát biểu tại Hội thảo Phát triển bền vững lần thứ 3 do Báo Đầu tư tổ chức sáng 16/11, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, tại Hội nghị COP26 hai năm trước, 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua một thỏa thuận lịch sử.

Không chỉ tái khẳng định việc duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cam kết này một lần nữa được tái khẳng định tại Hội nghị COP27 và khả năng sẽ tiếp tục được nhấn mạnh tại COP28, tổ chức tại Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất trong ít ngày tới.

Cũng theo ông Lê Trọng Minh, Việt Nam đã nhấn mạnh về các lộ trình để thực hiện cam kết, các vấn đề liên quan đến giảm dấu chân carbon, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững… Nhưng giờ đây, câu chuyện mà cả thế giới quan tâm không chỉ là cam kết, là trách nhiệm, mà hơn hết là hành động như thế nào?

“Đã đến lúc chúng ta phải hành động vì một hành tinh xanh hơn, vì một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư

Thế giới đang trải qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Dịch bệnh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine, thiên tai, biến đổi khí hậu… đã khiến kinh tế toàn cầu chao đảo. Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), cũng như mục tiêu Net Zero càng trở thành một thách thức lớn. Đối với Việt Nam, con đường này càng gập ghềnh, khó đi hơn.

Nhưng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vẫn là xu thế tất yếu mà bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải thực hiện để giải quyết các vấn đề về khí hậu, môi trường, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

“Chỉ còn 27 năm để Việt Nam thực hiện tham vọng của mình, nếu không hành động ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ bị đuối sức trong cuộc chơi toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần bước đi, lộ trình phù hợp và cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước phát triển, các đối tác về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, xây dựng thể chế, công nghệ, quản trị. Đồng thời, Việt Nam cũng cần có một cộng đồng doanh nghiệp có nhận thức cao về trách nhiệm và tích cực hành động, cho dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn về tài lực, nhân lực” - ông Minh chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp và Chính phủ cùng đồng hành

Đồng tình với quan điểm doanh nghiệp cần đồng hành cùng Chính phủ trong việc phát triển bền vững, đại diện doanh nghiệp Nestlé Việt Nam - bà Lê Thị Hoài Thương cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, Nestle đã có cam kết đến năm 2050 đạt được mục tiêu Net Zero. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên các tính toán khoa học, phạm vi nào đang phát thải nhiều nhất và giải pháp đưa ra là gì. 

Cụ thể, Nestle nhận thấy nguồn cung ứng đang chiếm hơn 70% lượng phát thải của Tập đoàn. Vì vậy, Tập đoàn đang tập trung vào phạm vi này để đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất.

Nêu ví dụ, bà Lê Thị Hoài Thương cho biết, là nhà thu mua cà phê lớn nhất tại Việt Nam, Nestle đã kết hợp với nhà quản lý, các trung tâm khuyến nông và người nông dân để thực hiện chương trình nông nghiệp tại các địa phương. Theo đó, Nestle đã kết nối với 21.000 hộ nông dân, để họ có thể tái canh cây cà phê - thử nghiệm đo đếm, kiểm đếm để canh tác với phát thải thấp. Và kết quả, Nestle đã hỗ trợ tái canh hơn 63 triệu cây cà phê tại Tây Nguyên…

“Có thể nói, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững là chặng đường dài không thể đi một mình, tất cả các bên phải đi cùng nhau, kể cả nhà sản xuất, phân phối, nhà quản lý… Vì vậy, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, cũng mong muốn người tiêu dùng sẽ đồng hành cùng chúng tôi - những nhà sản xuất có trách nhiệm”, đại diện Nestlé Việt Nam nhấn mạnh.

Là một doanh nghiệp coi trọng yếu tố bền vững, thân thiện môi trường, ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An - Hoiana Resort & Golf cho biết, công ty đang chú trọng đầu tư vào yếu tố con người, để họ trở thành “đại sứ” lan tỏa giá trị tích cực tới những người trong gia đình, cộng đồng. 

Cụ thể, Hoiana Resort & Golf đã có các chương trình đào tạo, muốn người lao động đưa ra quyết định về phát triển bền vững một cách chân thành. Khi họ nhận thức và mong muốn hành động vì sự phát triển bền vững, thì họ có thể lan tỏa tư tưởng này đến những người xung quanh. Ngoài ra, Hoiana Resort & Golf còn có sáng kiến như trả tiền để nhân viên thực hiện các hoạt động CSR, hay dọn rác trên bãi biển…

Trong lĩnh vực bán lẻ, đại diện Aeon Việt Nam cũng chia sẻ, doanh nghiệp đang tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho các hoạt động liên quan tới tiêu dùng xanh, giảm thiểu rác thải nhựa thông qua chiến dịch giảm sử dụng túi nilon khi mua sắm; quản trị nhân lực để hỗ trợ các hoạt động về môi trường; tăng cường nhận thức, cam kết của nhân viên về các vấn đề liên quan đến môi trường.

Có thể nói, đã có không ít doanh nghiệp tham gia vào lộ trình thay đổi toàn diện mô hình phát triển từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sử dụng nhiều tài nguyên sang mô hình phát triển theo hướng ít phát thải.

Tuy nhiên, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần hoàn thiện hơn nữa những cơ chế, chính sách, lộ trình để mục tiêu phát triển bền vững, phát thải ròng bằng “0” nhanh chóng được thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh việc cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau Covid-19; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế; phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Các giải pháp cũng cần tập trung vào việc tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững là công việc của tất cả mọi người.

“Với những giải pháp đề ra, cùng nỗ lực của tất cả chúng ta, của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hiệp hội, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, tôi tin tưởng quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời gian tới, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương kỳ vọng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top