Aa

Muốn kiếm tiền tỷ từ bất động sản, phải làm khác biệt

Thứ Hai, 01/06/2020 - 05:55

“Những câu chuyện hay đến từ sự khác biệt và sáng tạo luôn tạo ra cảm xúc cho khách hàng. Khi có cảm xúc rồi thì khách hàng sẽ xuống tiền rất nhanh”.

Đó là một trong những nhận định của ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, CEO Ecopark tại Hội thảo Phá băng bất động sản và cơ hội bứt phákhi bàn luận về nghề kinh doanh bất động sản.

Theo ông Thanh, kinh doanh bất động sản làm giàu rất nhanh, tàn bạo rất nhanh, nguy hiểm rất nhanh. Nhưng lại có tới 85% những người trong ngành này thất bại. Đưa ra con số này, ông Thanh nhấn mạnh, thương trường bất động sản luôn khắc nghiệt.

Thế nhưng, nếu kinh doanh bất động sản mà chỉ nghĩ tới việc mua – bán thì khó có khả năng thành công. Người bán bất động sản giỏi là người biết kể một câu chuyện hay, truyền vào đó... thần ý khiến khách hàng thích.

Ông Đào Ngọc Thanh. 

Ông Thanh cho rằng, chìa khoá then chốt quyết định thành hay bại đó là người làm nghề bất động sản phải tạo ra cảm xúc cho khác hàng, phải tạo ra sự khác biệt. Khi cảm xúc lớn, khả năng xuống tiền của khách hàng càng nhanh.

Lấy ví dụ từ chính câu chuyện tham gia thương trường của chính mình, ông Thanh kể, thời kỳ năm 2005 – 2006, khi các căn biệt thự, nhà phố tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội chỉ bán được mới giá 16 – 17 triệu đồng/m2, mức giá mà vị doanh nhân này đưa ra gấp hơn 3 lần.

Thời điểm đó, ông Thanh nhận ra, các dự án đều hướng thiết kế nhà mặt chính quay ra mặt đường để người mua vừa ở, vừa kinh doanh bán hàng. Với mô hình nhà mặt phố như vậy, giá bán sẽ cao và đắt hàng. Thế nhưng, nếu cũng lặp lại mô hình như vậy, khả năng bán hàng nhanh sẽ không thể đạt được. Chính vì vậy, vị doanh nhân này đã làm ngược lại, tất cả các biệt thự của dự án đều quay vào khuôn viên bên trong. Nhờ sự khác biệt này, mức giá biệt thự mà ông Thanh bán lên tới hơn 40 triệu đồng/m2, thu về khoản lợi nhuận khủng 300 tỷ đồng.

Một yếu tố khác tạo ra tính thanh khoản tốt đó là dự án chỉ xây dựng 99 căn mà không theo quy hoạch 100 căn như ban đầu. Một câu lạc bộ cho cư dân với tên gọi 99 Club House ra đời. Sau đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội không duyệt số lượng 99 căn nên chỉ còn 94 căn nhưng tên gọi vẫn giữ nguyên.

“Hãy thử tưởng tượng, khi có người hỏi bạn ở đâu, bạn trả lời rằng bạn ở “khu 99 căn”. Nghe như vậy khiến người ta cảm thấy có sự liên tưởng đặc biệt, trong khi nếu gọi là khu 94 căn rất bình thường”, ông Thanh chia sẻ.

Về tên gọi, theo ông Thanh, trước đây, người ta làm nhà chỉ ghi kí hiệu CT17, CT25... tức là cao tầng với 17 tầng, cao tầng với 25 tầng... Rồi NƠ này, NƠ kia, tức kí hiệu nhà ở. “Nhưng bây giờ chúng ta đã có những cái tên đầy hấp dẫn gắn với câu chuyện để kể như Palm Garden, nghĩa là Vườn Cọ... Đó là sự khác biệt. Thách thức ở thời điểm hiện tại là tránh tạo ra sự nhàm chán mà phải tạo ra sự khác biệt”.

Từ những chia sẻ, ông Thanh nhấn mạnh, những câu chuyện hay đến từ sự khác biệt và sáng tạo luôn tạo ra cảm xúc cho khách hàng. Khi cảm xúc rồi thì họ sẽ xuống tiền rất nhanh. Đây cũng chính là lý do khiến có những dự án bỏ đi nhưng khi một doanh nghiệp khác đến làm lại thì lại đạt hiệu quả vượt mong đợi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top