Nở rộ bán đất cam kết lợi nhuận tới 12%
Tranh thủ tâm lý "ngại" đầu tư do đại dịch Covid-19, mới đây, một số công ty địa ốc đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, để kích cầu thị trường như: mua nhà tặng xe, tặng chiết khấu sản phẩm, hoặc tặng phí dịch vụ... Trong đó, nổi bật nhất là chương trình cam kết lợi nhuận, hoặc chủ đầu tư cam kết mua lại với giá... siêu hời.
Ông Trịnh Tùng Lâm, một nhà đầu tư tại Bình Dương cho biết, cách đây 2 tuần, ông nhận được lời mời góp vốn vào một dự án đất nền tại thị xã Dĩ An (Bình Dương), với cam kết của chủ đầu tư là mua lại sau 1 năm với lợi nhuận là 12%.
"Theo giới thiệu, lô đất đó có giá trên thị trường là 1,5 tỷ đồng. Sau một năm, tôi có nhu cầu bán lại, chủ đầu tư sẽ mua lại với giá 1,5 tỷ đồng cộng với 180 triệu đồng lợi nhuận phát sinh, tổng cộng số tiền nhận về là 1,68 tỷ đồng; nếu để thêm 1 năm nữa, chủ đầu tư sẽ cộng dồn thêm 3%/năm, lợi nhuận sẽ khoảng 225 triệu đồng", ông Lâm cho biết.
Tuy nhiên, do trước đây ông Lâm từng vướng phải "trái đắng" khi đầu tư vào dự án tương tự mà vẫn chưa thu hồi được nên rất cẩn trọng.
"Khi đầu tư vào dự án đó, chủ đầu tư cũng cam kết lợi nhuận 12%/năm, nhưng rồi cũng bị "vỡ trận". Cho nên, tôi không đặt lòng tin với những lời mời đầu tư kiểu này", ông Lâm nói.
Trong khi đó, tại một dự án đất nền khác ở Bình Dương, chủ đầu tư còn đưa ra mức lợi nhuận gây "sốc" là 6% cho 12 tháng đầu, 15% cho 24 tháng tiếp theo, tối đa là 25% cho 36 tháng.
Tuy nhiên, khi liên lạc với doanh nghiệp này, nhân viên tư vấn cho biết, chương trình cam kết lợi nhuận chỉ áp dụng cho đợt đầu mở bán. Hiện tại, chương trình này đã không còn hoạt động nữa.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, không ít trường hợp nhà đầu tư vướng phải các dự án "ảo", khi nghe chủ đầu tư hứa sẽ thu mua lại với giá hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền gần hết giá trị hợp đồng, phía chủ đầu tư sẽ viện mọi lý do để kéo dài thời gian giao giấy tờ. Thậm chí có trường hợp chủ đầu tư biến mất hoàn toàn.
Các bản cam kết lợi nhuận chỉ là chiêu trò "mê hoặc" lòng tham
Theo giới chuyên gia, các bản cam kết lợi nhuận chỉ là hợp đồng dân sự, sự ràng buộc về mặt pháp lý không mạnh. Vì vậy, nếu có trường hợp xấu xảy ra, ví dụ dự án không hoàn thành đúng tiến độ, chủ đầu tư không thực hiện được cam kết đã ký hoặc bỏ trốn, phía nhà đầu tư khó lòng thu hồi được vốn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ ra rằng, việc doanh nghiệp địa ốc đưa ra cam kết lợi nhuận tối thiểu hàng năm là 6 - 9%, hoặc cam kết thu mua lại với mức lợi nhuận là 12%/năm chỉ là chiêu trò mê hoặc lòng tham của nhà đầu tư.
Giải thích rõ hơn về điều này, ông Đính cho biết, với những doanh nghiệp có dòng vốn tự có yếu kém, họ phải sử dụng chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận để thu hút nhà đầu tư rót vốn vào giai đoạn khởi đầu. Sau đó, dòng tiền mới sẽ được dùng cho việc thực hiện và hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VARS cho rằng, các hình thức cam kết lợi nhuận đều mang lại vô vàn rủi ro. Trong đó, sự đổ vỡ của hệ thống Cocobay Đà Nẵng, khiến hàng trăm nhà đầu tư rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang" chính là bài học lớn cho giới đầu tư, đang có ý định tham gia vào các bản cam kết lợi nhuận.
Ông Đính khẳng định, với các hình thức có nhiều rủi ro thì nên cân nhắc, đừng chạy theo lòng tham mà đánh mất tất cả.
"Các doanh nghiệp lớn, dòng vốn mạnh không bao giờ đưa ra các bản cam kết lợi nhuận như vậy, họ làm xong mới bán với giá cao, lợi nhuận cao hơn, người mua cũng yên tâm hơn", ông Đính thẳng thắn chia sẻ.
Ngoài ra, ông Đính khuyến cáo, nếu nhà đầu tư quyết tâm rót vốn vào các dự án có bản cam kết lợi nhuận, đầu tiên phải kiểm tra kỹ pháp lý, xem xét dự án có đủ điều kiện mở bán hay không. Tuyệt đối tránh các dự án có pháp lý mập mờ, nếu gặp rủi ro là mất trắng.
Thứ hai, nhà đầu tư phải xét kinh nghiệm và năng lực của chủ đầu tư, thông qua các dự án đã triển khai trước đó, có đảm bảo tiến độ không, thời gian và chất lượng công trình có đảm bảo không.
Cuối cùng, nhà đầu tư phải kiểm tra năng lực về dòng vốn, xem xét dòng vốn này có phải là dòng vốn của dự án hay không, hay là vốn của cả hệ thống.
"Đa phần, các dự án bất động sản đều có các khoản vay ngân hàng. Do đó, nếu dòng vốn thuộc về hệ thống, nó có tính đổ vỡ dây chuyền, rất nguy hiểm khi đầu tư vào đâu, nên phải xem xét kỹ", ông Đính nói thêm./.