Aa

Mỹ hồi sinh cho các không gian công cộng ở Los Angeles

Thứ Hai, 07/11/2016 - 03:13

Khác với các nước châu Âu, không ít nhà quy hoạch ở Mỹ cho rằng chính quyền chỉ nên can thiệp một cách hạn chế vào lĩnh vực quy hoạch nên rất ủng hộ ý tưởng dành việc quy hoạch các không gian công cộng cho các chủ thể tư nhân.

Cùng với sự phát triển phổ biến của xe hơi cá nhân như một phương tiện đi lại cho mọi người và quá trình điều chỉnh lại hệ thống phân phối thương mại, những “không gian riêng mở ra thành không gian công cộng” cũng đã hình thành dưới dạng các trung tâm thương mại, các công viên chuyên đề và các tổ hợp giải trí. 

Những hạng mục quy hoạch và dự án quy hoạch trong thời gian gần đây ở Los Angeles cho thấy ý nghĩa của chúng trong giai đoạn phát triển các vùng đô thị lớn hiện nay. Có thể nói quá trình hình thành và phát triển các vùng đô thị lớn được định nghĩa theo ba tiêu chí:

  • Thứ nhất, đó là một quá trình mở rộng phạm vi đô thị.
  • Thứ hai, sự hình thành vùng đô thị lớn không thể tách rời quá trình điều chỉnh cơ cấu của thị trường lao động (bao gồm cả những khu vực cận đô thị và ven đô) và là hệ quả của chiến lược phân bố các doanh nghiệp trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu hoá.
  • Thứ ba, vùng đô thị lớn phải dựa trên một sự cạnh tranh nghiêm túc giữa chính những đô thị góp phần tạo nên vùng đô thị đó.

Những không gian công cộng được cải tạo và hồi sinh

Nhiều người sẽ cho rằng việc nhìn nhận lại chủ đề không gian công cộng thông qua kinh nghiệm của Los Angeles dường như là một nghịch lý nếu biết rằng thực ra thành phố này không chú trọng lắm tới vấn đề này như đối thủ trực tiếp của họ là thành phố San Francisco.

Cho đến cuối thế kỷ 19, Los Angeles vẫn lựa chọn phương thức quy hoạch nhằm tạo nên một đơn vị đô thị nơi mà môi trường sống chủ yếu chỉ dựa trên ngôi nhà và mảnh vườn, một nguyên tắc tiếp tục được củng cố ngay từ những năm 1920 khi xe hơi ngày càng phổ biến như một phương tiện đi lại lý tưởng. Khuynh hướng đề cao giá trị của không gian riêng tư còn được tạo thuận lợi nhờ sự phân bố tản mát các hoạt động kinh tế như nông nghiệp, khai thác dầu mỏ, du lịch, đầu tư kinh doanh bất động sản cũng như điện ảnh và sau này là công nghiệp chế tạo hàng không. Cũng giống như nhiều đô thị lớn khác của Mỹ, Los Angeles phát triển theo hướng coi mật độ thấp như một phương tiện thuận lợi để duy trì ổn định xã hội, khác với mô hình của các đô thị châu Âu.

Tuy nhiên, đến đầu những năm 1970, thành phố này đã lựa chọn một chính sách cải tạo khu vực trung tâm thành phố theo hướng phá bỏ những ngôi nhà cũ đã bị bỏ hoang trên đồi Bunker (Bunker Hill) và thay thế dần bằng những toà nhà cao tầng và đến những năm 1980 thì bắt đầu xuất hiện những toà tháp chọc trời.

Quả thực dưới sự chỉ đạo của Thomas Bradley (thị trưởng người Mỹ gốc Phi đầu tiên của thành phố đã đảm nhiệm tới 5 nhiệm kỳ), từ vai trò chỉ là một trung tâm kinh tế trong vùng, Los Angeles đã bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển năng động thành một vùng đô thị lớn dựa trên một mạng lưới đô thị.

Đến nay, thành phố này thực sự trở thành một vùng đô thị với 16 triệu dân và bao gồm hơn 100 điểm đô thị lớn nhỏ khác nhau. Đô thị trung tâm có 3,6 triệu dân, trong đó 47% là người gốc Tây Ban Nha, 30% gốc Anh, 13% gốc Phi và 10% gốc châu Á. Los Angeles được coi như một cửa ngõ vào nước Mỹ do có nhiều luồng dân nhập cư lớn. Với cấu trúc kinh tế, xã hội và văn hoá đa quốc gia, thành phố này xứng đáng là một vùng đô thị tầm cỡ thế giới.

Việc cải tạo khu vực trung tâm của Los Angeles không chỉ giới hạn ở việc xây dựng các toà tháp văn phòng mà còn tập trung vào những công trình văn hoá và tôn giáo, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật đương đại, Nhạc viện trung tâm, Nhà thờ Thiên chúa giáo (2002) và Nhà hát giao hưởng Walt Disney (2003). Các hoạt động văn hoá rất được chú trọng nhằm đảm bảo cho khu vực trung tâm thành phố không trở nên vắng vẻ vào buổi tối khi các văn phòng đã đóng cửa.

 

Nhà hát Walt Disney trên đại lộ Grand Avenue

Dự án quy hoạch Đại lộ chính (Grand Avenue) theo hình mẫu của đại lộ Champs - Élysées ở Paris và một công viên trung tâm theo mô hình của Central Park ở New York được đặt dưới sự điều hành của một uỷ ban bao gồm cả các chủ thể của chính quyền và khu vực tư nhân. Các nhà đầu tư sử dụng cụm từ hình dung lại Đại lộ chính (reimagining Grand Avenue) để thể hiện rõ ý tưởng khơi gợi lại lợi ích của một không gian công cộng về góc độ văn hoá. Trục đại lộ này xuất phát từ nhà thờ Đức Bà Los Angeles và kéo dài tới tận Thư viện trung tâm được xây dựng theo phong cách Nghệ thuật décor.

Hai bên đại lộ là những công trình nổi tiếng như Bảo tàng Nghệ thuật đương đại (do kiến trúc sư Arata Isozaki thiết kế) và Nhà hát giao hưởng Walt Disney (tác phẩm của kiến trúc sư Frank Gehry).

Riêng với công trình nhà hát Walt Disney, kiến trúc sư Gehry đã khéo léo bố trí các quầy bán vé và cửa vào chính quay ra phía đại lộ mặc dù phần lớn khán giả thường sử dụng lối vào qua một loạt thang cuốn dẫn lên từ sáu tầng hầm để xe ở phía dưới nhà hát. Phần mặt tiền hướng ra đại lộ cũng được cách điệu như hình ảnh của một con tàu giữa đại dương mặc dù người ta không thể hình dung một cách chính xác những vạt tường uốn lượn bằng đá muốn gợi tả những cánh buồm, phần vỏ tàu hay những con sóng dưới thân tàu.

Bên cạnh chủ trương tạo sự kết nối giữa các công trình văn hoá chủ đạo, việc quy hoạch lại Grand Avenue theo hướng tạo thuận lợi cho người đi bộ còn được thể hiện rõ qua chủ trương cho xây dựng hàng loạt toà nhà làm nhà ở và khách sạn ở những khu vực lân cận, khuyến khích mở các quán cà phê, nhà hàng và thành lập một công viên đô thị có quy mô lớn (New Central Park). Toàn bộ khu công viên này được thiết kế nằm vuông góc với trục đại lộ và kéo dài sang phía đông tới tận Toà thị chính.

Việc quy hoạch lại Grand Avenue và thành lập công viên New Central Park là một phương tiện giúp cho thành phố tạo lập một không gian tản bộ dành cho người dân và cả du khách trong khu vực trung tâm thành phố. Như vậy, Los Angeles giờ đây không còn chỉ được biết đến như một thành phố của xe hơi và đường cao tốc mà còn chứng minh được những nét đặc trưng của không gian đô thị với hình ảnh của người đi bộ. Kể từ năm 2004, cứ đến mùa thu hàng năm, trục đại lộ này lại được các hội hoạt động văn hoá và nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tổ chức một kỳ festival.

  Một góc của khu Paseo Colorado
 

Nằm cách trung tâm thành phố Los Angeles 15 km là thành phố Pasadena. Từ những năm 1960, tại khu vực trung tâm của thành phố này đã xuất hiện trung tâm thương mại Plaza Pasadena. Đến cuối những năm 1990, chính quyền thành phố đã thành lập một uỷ ban, trong đó có sự tham gia của cả khu vực tư nhân, để cùng thảo luận về tương lai của trung tâm thương mại này theo hướng cải tạo nâng cấp.

Nhưng sau nhiều buổi thảo luận, uỷ ban này đã đi đến quyết định phá bỏ hoàn toàn công trình này để thay bằng một trung tâm thương mại ngoài trời có tên gọi là Paseo Colorado, tức là sẽ không còn sự ngăn cách giữa các lối đi bên trong trung tâm thương mại và những tuyến phố lân cận dẫn tới các toà nhà công sở quan trọng, trong đó có Toà thị chính.

Không gian công cộng thể hiện đời sống xã hội trong sự đa dạng

Khái niệm không gian công cộng luôn biến đổi theo thời gian và không gian bởi những không gian đó gắn với nhiều cách làm khác nhau chứ không theo một khuôn mẫu cố định, từ đó tạo nên sự tiếp nối của không gian đô thị. Mặt khác, ý nghĩa của không gian công cộng cũng thay đổi giữa các vùng miền hay châu lục khác nhau như châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ hay Trung Đông.

Chẳng hạn, các đô thị ở châu Âu luôn dành cho không gian công cộng một ý nghĩa đặc biệt, thậm chí là ngoại lệ. Do vậy, nhiều thành phố của châu Âu trở nên nổi tiếng nhờ vẻ đẹp và bố cục không gian hài hoà mà hai đặc điểm đó được hình thành không chỉ nhờ vào chất lượng kiến trúc mà cả chất lượng của các không gian công cộng. Diện mạo của những không gian đó rất đa dạng và phong phú tuỳ thuộc vào bản chất và chức năng của chúng như quảng trường, công viên, vườn hoa công cộng, đại lộ hay đường phố.

Do vậy, chúng không gắn với một hình thái đô thị chính xác nào, thậm chí còn thay đổi tuỳ theo vị trí của chúng trong không gian đô thị, từ đó dẫn đến sự phân cấp khá rõ nét giữa những không gian này. Có những không gian công cộng trung tâm có tính biểu tượng cao thể hiện sức mạnh của chính quyền cũng như sự thống nhất trong đa dạng của xã hội, nhưng bên cạnh đó cũng có những không gian công cộng liền kề chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu của những người dân sống xung quanh.

Khi nói đến phân loại không gian công cộng thì cũng cần phải đề cập đến hai loại hình khác nhau căn cứ theo đối tượng sở hữu về mặt pháp lý, đó là không gian công cộng thuộc quyền sở hữu của chính quyền và không gian thuộc quyền sở hữu tư nhân nhưng mở ra phục vụ cộng đồng. Đây là một trong những điểm đặc trưng của không gian công cộng tại Mỹ bởi kể từ nửa sau thế kỷ 20, do các cơ quan công quyền có xu hướng không chú trọng tới việc quy hoạch các không gian công cộng nên nhiều chủ thể tư nhân đã tham gia vào lĩnh vực này. Hầu hết các không gian công cộng tại những trung tâm thương mại – tài chính (CBD) đều do các doanh nghiệp tư nhân quy hoạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top