Aa

Năm 2017: BĐS bán lẻ có cơ hội tăng cung

Thứ Bảy, 04/02/2017 - 06:01

"Về xu hướng hoạt động của thị trường bán lẻ trong năm 2017, tôi nghĩ rằng việc mua bán và sáp nhập sẽ trở thành xu hướng trong các năm tiếp theo. Theo tôi, thị trường Việt Nam đang cần sự đầu tư chuyên môn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Khối ngoại vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc mang đến những sản phẩm tốt cũng như đưa các nhà bán lẻ chất lượng vào thị trường Việt Nam", ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa tham gia vào thị trường bán lẻ do giá thuê mặt bằng cao

Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm 2016. Theo số liệu nghiên cứu từ Cushman & Wakefield, doanh số bán lẻ hiện tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán sự tăng trưởng này sẽ còn duy trì cho đến năm 2030.

Về xu hướng hoạt động của thị trường bán lẻ trong năm 2017, tôi nghĩ rằng việc mua bán và sáp nhập sẽ trở thành xu hướng trong các năm tiếp theo. Theo tôi, thị trường Việt Nam đang cần sự đầu tư chuyên môn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Khối ngoại vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc mang đến những sản phẩm tốt cũng như đưa các nhà bán lẻ chất lượng vào thị trường Việt Nam.

Ông Alex Crane

Ông Alex Crane

Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa tham gia vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Nguyên nhân chính là do giá thuê mặt bằng cao. Yếu tố này ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập vào thị trường của các trung tâm mua sắm lớn, nhà phát triển BĐS hay vận hành. Vì thế, phương án tốt nhất là thâm nhập thị trường qua việc mua bán và sáp nhập. Thông qua việc liên doanh với một doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp ngoại sẽ tránh được những hạn chế về pháp lý, quỹ đất và biến động trong giá thuê.

Tôi hy vọng rằng trong vòng 12 tháng tiếp theo, chúng ta sẽ thấy một hoặc hai sự hợp tác giữa các đối tác lớn được công bố. Chúng ta đã có một số liên doanh rất quan trọng trong quá khứ, như Keppel Land, Saigon Center. Vì vậy, không có lý gì thị trường không tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động M&A.

Xu hướng M&A còn sôi động trong 3-5 năm tới

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Có thể nói, Việt Nam bắt đầu mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ 1/1/2009, khi chúng ta chính thức gia nhập WTO, nhưng thực tế Nhà nước đã làm việc này từ trước đó. Còn nếu nói về xu hướng M&A, có thể thấy hoạt động này đã có dấu hiệu rất sôi nổi trên thế giới đã vài năm nay.

Tại Việt Nam, cách đây 3-5 năm, chúng ta đã nói về bùng nổ M&A, trong đó có thị trường bán lẻ. Nhưng thực tế thì chưa bùng nổ lắm. Từ phía Hiệp hội các nhà bán lẻ, chúng tôi xác nhận rằng chỉ 2 năm gần đây, các vụ M&A mới thực sự sôi động trên thị trường bán lẻ.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan

Bà Đinh Thị Mỹ Loan

Qua các nghiên cứu, chúng tôi nhận định rằng, chắc chắn trong vài năm tới, xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển bởi chính những lý do từ bản thân doanh nghiệp cùng với sự quan tâm của các nhà đầu tư, kể cả trong và ngoài nước.

Trong chính thị trường nội địa cũng đã có nhiều cuộc thâu tóm sáp nhập ngoạn mục, như tập đoàn Vingroup thâu tóm thành công chuỗi siêu thị Occean Mart, Vinatextmart.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định xu hướng M&A vẫn sẽ tiếp tục và còn sôi động ít nhất từ 3-5 năm tới.

BĐS bán lẻ có cơ hội tăng cung

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Khả năng sốt cao ở một phân khúc BĐS nào đó vẫn chưa xảy ra trong năm 2016 nhưng thị trường 2017 sẽ có sức nóng cao hơn. Vì vậy, cơ quan quản lý cần tính tới việc chuẩn bị các phương án chính sách điều tiết khi gặp sốt giá và tích tụ “bong bóng”. 

Ông Đặng Hùng Võ.

Ông Đặng Hùng Võ.

Dự báo thị trường năm 2017, BĐS du lịch - nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục phát triển mạnh với sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và người dân, nhờ tiềm năng du lịch đang lớn. Phân khúc nhà ở vẫn luôn quan trọng và có cơ hội phát triển mạnh bởi cầu lớn trong khi cung không đủ.

Trong khi đó, phân khúc văn phòng cho thuê chưa đủ điều kiện để phát triển mạnh hơn vì cung hiện tại vẫn đủ cho cầu năm 2017. Ngoài ra, BĐS bán lẻ có cơ hội tăng cung nhiều hơn trong quá trình sắp xếp lại thị trường bán lẻ Việt Nam.

Triển vọng thị trường bán lẻ của Việt Nam rất lớn

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế cấp cao của WB

Lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang tăng tốc giữa bối cảnh nhu cầu nội địa và tiêu dùng tiếp tục đà khởi sắc từ năm ngoái. Xu hướng đi lên của lĩnh vực này được kỳ vọng tiếp tục được duy trì trong ngắn hạn và ước tính thị trường sẽ tăng trưởng khoảng 8-9% trong năm 2016. 

Về trung hạn, triển vọng của ngành bán lẻ vẫn rất lớn vì đang trong quá trình tăng trưởng nhanh. Với nhu cầu tiêu thụ cao từ tầng lớp trung lưu đang nổi lên thì rất cần thu hút nguồn vốn đầu tư nội địa và nước ngoài. Tại những thành phố lớn, như Hà Nội, TP. HCM hay Đà Nẵng..., các trung tâm mua sắm hiện xuất hiện ngày càng nhiều để phục vụ tầng lớp trung lưu đang phát triển.

Ông Sebastian Eckardt

Ông Sebastian Eckardt.

Điều này sẽ giúp làm tăng tính cạnh tranh, mang lại một mặt bằng giá cả hợp lý hơn, đa dạng hàng hóa và dịch vụ, từ đó khuyến khích người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu. Vì vậy, tôi đánh giá việc thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới là một tín hiệu tốt và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều dòng vốn lớn hơn vào thị trường bán lẻ trong tương lai. 

Cũng như ở các nước khác, có những quan ngại cho rằng sự đổ bộ của tập đoàn bán lẻ nước ngoài sẽ giành hết “đất sống” của các doanh nghiệp nhỏ lẻ Việt Nam. Tôi cho rằng điều này không hoàn toàn đúng nếu doanh nghiệp biết giữ thị phần của mình, bằng cách tập trung tạo ra những sản phẩm khác biệt hoặc có chất lượng cao hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top