Theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS 2017 chưa xuất hiện các “cú huých“ đủ mạnh để tạo tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên sự năng động, quyết tâm của Chính phủ và thị trường trong việc điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, phát triển NƠXH và nhà ở hạng tiêu chuẩn (phân khúc trung bình), đa dạng hóa nguồn tín dụng vào thị trường BĐS, cộng với sự phát triển tiếp của phân khúc BĐS du lịch sẽ tạo nên sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam năm 2017.
Trong năm nay, nhà ở hạng tiêu chuẩn (phân khúc trung bình) sẽ có điều kiện phát triển xứng với tiềm năng của phân khúc này. Phân khúc NƠXH sẽ được tạo điều kiện phát triển do có sự vào cuộc của Chính phủ, các tổ chức và các doanh nghiệp.
Trong khi đó, tác động của chính sách qua việc phân loại sản phẩm tiêu chuẩn, cao cấp... cũng sẽ ảnh hưởng đến các dự án, sản phẩm BĐS đang được gọi là cao cấp, từ đó có thể dẫn đến những biến động đa chiều cho phân khúc này.
Những sản phẩm thực sự cao cấp, với các dịch vụ, tiện ích đồng bộ, và trách nhiệm cao của chủ đầu tư sẽ tồn tại và phát triển tốt. Tuy nhiên, những sản phẩm đang gọi là cao cấp nhưng chủ đầu tư chưa đạt đến trình độ quản lý cao cấp, chưa xác định đầy đủ trách nhiệm và nguồn lực, bản thân sản phẩm chưa hội tụ đủ các điều kiện cao cấp cũng như chưa có đủ các dịch vụ, tiện ích tương xứng... sẽ cần có sự thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp.
Trong khi đó, VNREA cho rằng năm 2017 sẽ là năm mà phân khúc nhà phố, biệt thự tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu rộng lớn của thị trường. Các chủ đầu tư hiện nay đang xây dựng những dự án biệt lập với tiện nghi, hiện đại đáp ứng tất cả nhu cầu của người tiêu dùng.
Điều này được thể hiện ở giai đoạn đầu mở bán, hầu hết những sản phẩm được đưa ra thuộc nhóm nhà phố thích hợp với phần lớn khả năng tài chính của những gia đình trẻ. Những người thật sự có nhu cầu sinh sống cũng chiếm lượng mua không nhỏ với nhóm nhà phố, biệt thự.
Nguyên nhân được VNREA lý giải là do những nhà đầu tư và các cá nhân đầu cơ ít tham gia vào phân khúc này, dẫn tới nhu cầu vay thấp hơn. Vì thế, đây được xem là mô hình nhà ở có tài chính “khỏe mạnh”. Loại hình BĐS này cũng được hưởng lợi khá lớn từ các cải thiện của cơ sở hạ tầng và việc kết nối đến trung tâm thành phố đang ngày càng thuận lợi hơn.
VNREA dự báo, trong năm 2017, phân khúc nhà phố, biệt thự vẫn tiếp tục có những diễn biến tích cực trên thị trường do tâm lý của người mua nhà Việt Nam phần lớn vẫn thích có một căn nhà độc lập hơn là sống trong chung cư cao tầng.
Phân khúc văn phòng cho thuê hiện trong năm 2016 dự báo trong năm 2017 chỉ biến động nhẹ về giá thuê văn phòng. Phân khúc này chưa đủ điều kiện để phát triển mạnh hơn vì cung hiện tại vẫn đủ cho cầu năm 2017.
Đáng chú ý trong thị trường BĐS Việt Nam 2017 là phân khúc thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục phát triển mạnh với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, người dân Việt Nam tầng lớp trung lưu nhờ tiềm năng du lịch đang lớn. Ngoài ra, BĐS bán lẻ có cơ hội tăng cung nhiều hơn trong quá trình sắp xếp lại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Về nguồn vốn cho phát triển BĐS, FDI vẫn chiếm tỷ trọng cao, vốn tín dụng trong nước là nguồn lực chủ yếu, vốn trong dân, kiều hối sẽ được huy động nhiều hơn, nhất là đầu tư vào phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng.
Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam ngày càng tăng trong năm 2017. Sự quan tâm này tới từ nhiều đối tượng khác nhau, từ những cá nhân tìm mua nhà mong muốn tận dụng Luật Nhà ở sửa đổi, cho tới quỹ đầu tư tư nhân cũng như quỹ tài chính lớn trong khu vực tìm kiếm những thương vụ lớn.
Trong tháng 1/2017, thị trường BĐS cả nước đón thêm gần 300 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Tính cả năm 2016, dòng vốn này đạt khoảng 1,3 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn FDI. Điều đáng mừng là dòng vốn đầu tư đã thực chất hơn, báo hiệu thị trường chuẩn bị bước vào cuộc cạnh tranh sôi động.
TP. HCM “hút” nhiều dự án FDI nhất (chiếm tới 40,9% tổng số vốn FDI vào BĐS cả nước). Mới đây, giới kinh doanh BĐS thành phố đã chứng kiến lễ ra mắt liên doanh đầu tư giữa Tập đoàn Maeda (Nhật Bản) và Công ty Thiên Đức để phát triển dự án căn hộ cao cấp Waterina Suites với tổng đầu tư 30 triệu USD tại quận 2. Dự án này được xem là “đối thủ” đáng gờm về chất lượng, giá cả cho nhiều nhà đầu tư nội địa tại khu vực đang khá phát triển này.
Trước đó, Tập đoàn Mitsubishi đã ký kết với Bitexco thành lập liên doanh phát triển dự án nhà ở với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 290 triệu USD. Một “đại gia” khác là Kajima, tập đoàn xây dựng 176 năm tuổi đến từ Nhật Bản vừa cùng Indochina Capital ra mắt liên doanh với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Chủ đầu tư này cho biết, trước mắt sẽ triển khai 4 dự án BĐS cao cấp tại TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Theo báo cáo của VNREA, năm 2016, tính thanh khoản tốt cũng đã thúc đẩy thị trường giao dịch tốt hơn. Điều đó sẽ được tiếp tục trong năm 2017 khi thị trường cổ phiếu và vốn phát triển. Xu hướng các sản phẩm Smart, Green, tiết kiệm năng lượng hiệu quả đã xuất hiện trong năm 2016, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm mang lại các tiện ích đầy đủ, hiện đại và tiết kiệm hơn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư sẽ quan tâm đến xu hướng này nhiều hơn để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Các khách hàng sẽ quan tâm hơn đến yếu tố này khi đầu tư.