Báo cáo của DKRA cho biết, năm 2017, có tổng cộng 36 dự án lớn, nhỏ quy mô từ vài chục nền đến hàng trăm nền (bao gồm các dự án mới và giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó).
Các dự án này cung cấp ra thị trường khoảng 7.181 nền, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2016 (khoảng 3.420 nền). Giao dịch diễn ra vô cùng sôi nổi với tỷ lệ tiêu thụ toàn thị trường lên đến 95% (tương đương với khoảng 6.851 nền) tăng khoảng 4 lần so với năm 2016 (chỉ khoảng 1.700 nền).
Xét theo khu vực, năm 2017, khu Đông TP.HCM chiếm đến 56% tổng nguồn cung đất nền, bỏ xa các khu vực còn lại khi khu Bắc, khu Nam, khu Tây có tỷ lệ nguồn cung lần lượt là 17% - 15% và 11%, riêng khu trung tâm không có bất kỳ nguồn cung đất nền nào đóng góp cho thị trường năm qua. Tỷ lệ dự án mới cũng có tỷ lệ và thứ tự tương đồng khi khu Đông chiếm 57%; khu Bắc và khu Nam mỗi khu chiếm 16%, khu Tây chiếm 11% và khu trung tâm 0%.
Trong năm qua, khu Đông gồm các quận 2, 9, Thủ Đức luôn là địa bàn có tỷ lệ hấp thụ nền đất cao nhất Sài Gòn với số lô đất giao dịch thành công đạt xấp xỉ 4.000 nền, chiếm 57% thị phần. Trong khi số lượng tương ứng tại khu Bắc và khu Nam đều là 1.108 lô đất, khu Tây 727 lô (chỉ bằng 1/5 số lượng giao dịch thành công của khu Đông).
Theo nhận định của DKRA, đa số các dự án đất nền mới đưa ra thị trường đều tiêu thụ chỉ trong thời gian ngắn. Thị trường đất nền phân lô ở những khu vực giáp ranh với TP.HCM tiếp tục sôi động và nhận được nhiều sự chú ý của khách đầu tư.
DKRA dự báo, nhiều khả năng khu Đông sẽ tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt thị trường đất nền Sài Gòn trong năm 2018. Đơn vị này cũng cho biết thêm, đất nền phân lô trên địa bàn khu Đông đã có biến động mạnh mẽ trong giai đoạn 2012 - 2017. Trong vòng 5 năm qua, giá nền đất bình quân tại phường Phước Long B, quận 9 đã tăng 130% còn đất nền tại Thủ Đức đã tăng giá 170%.
“Không chỉ đất nền, khu vực này sẽ chiếm phần lớn tỷ trọng nguồn cung của cả biệt thự, nhà phố và cũng sẽ chiếm một phần không nhỏ trong phân khúc căn hộ chung cư”, DKRA nhận định.
Nguyên nhân khiến thị trường đất nền phía Đông TP.HCM sôi động được lý giải là do cộng hưởng từ nhiều yếu tố. “Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông hoàn thiện và được khởi công trong năm 2017 tiếp tục kích thích thị trường bất động sản sôi động hơn, đặc biệt là các khu vực kết nối trực tiếp với các dự án này. Ngoài ra, cơn sốt đất nền ở các vùng ven hồi đầu năm đã qua gây nhiều lo ngại và cảnh báo, tuy nhiên đã nhanh chóng qua đi một phần nhờ sự tác động tích cực của cơ quan chức năng nhà nước cũng như của giới truyền thông…”, DKRA cho biết.
Cũng theo DKRA, bên cạnh sự khan hiếm nguồn cung, mức thu nhập trung bình của gia đình trẻ tại TP.HCM đang tăng lên, sự trẻ hóa đối tượng mua cùng sự linh hoạt trong chính sách bán hàng của chủ đầu tư đã tác động rất lớn đến tâm lý và tính thanh khoản của thị trường bất động sản, kích thích giá bán tăng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá đất nền tăng xuất phát từ quan hệ cung cầu trên thị trường, nhưng biên độ tăng bao nhiêu phụ thuộc vào các động thái chính sách thị trường trong thời gian tới.
Rút kinh nghiệm từ cơn sốt đất nền đã bùng phát từ cuối năm 2016, kéo qua cả năm 2017 tại các huyện vùng ven TP.HCM, ông Châu cho rằng, để tránh “lịch sử lặp lại”, cần quản lý tốt các đầu nậu có xu hướng ôm đất để thổi giá. Điều đáng lo ngại nhất với thị trường đất nền hiện nay là việc phân lô đất nông nghiệp tự phát, tràn lan trái phép, nếu nhà đầu tư thứ cấp không nắm kỹ thông tin, rất dễ dính bẫy của các công ty môi giới.