Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vài năm tới
Nhiều chuyên gia nhận định, sự chậm trễ pháp lý khiến thị trường địa ốc sụt giảm nguồn cung và có thể thiếu hụt sản phẩm 1-2 năm tới. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguồn cung bất động sản cụ thể là lượng dự án đưa ra thị trường từ cuối năm 2018 đến nửa đầu năm 2019 gần như bằng không (các dự án ít ỏi đang bán năm 2019 đã phải chuẩn bị và hoàn thành pháp lý từ một vài năm trước). Nguyên nhân trực tiếp bắt nguồn từ vấn đề pháp lý của quỹ đất.
“Hiện nay có rất nhiều mâu thuẫn giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai vì vậy TP.HCM phải rà đi rà lại các văn bản này chưa thể ký cấp phép các dự án. Đây là khoảng lặng của thị trường do khủng hoảng pháp lý, trong khi tỷ lệ giao dịch thành công các dự án đang mở bán rất cao chứng tỏ nhu cầu vẫn lớn", ông Võ nói.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) từng phát công văn nêu khó khăn, quan ngại về tình hình sụt giảm quy mô thị trường bất động sản trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (giảm 82,2%) so với cùng kỳ năm trước. Nửa năm nay, thành phố chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ (căn nhà), giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với 12 tháng qua.
Phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8% (2.227 căn so với 3.965 căn cùng kỳ năm ngoái). Căn hộ bình dân giảm 34,7% (1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm trước).
Theo JLL Việt Nam, nguồn cung tại TP.HCM và Hà Nội đều giảm kỷ lục kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2014. Cụ thể, lượng căn hộ mở bán chính thức quý 2 tại Tp.HCM chỉ đạt hơn 4.100 căn. Tại thị trường Hà Nội, sau thời kỳ tăng trưởng mạnh, lượng mở bán trong quý II/2019 đạt 5.900 căn, chỉ gần bằng một nửa nguồn cung quý trước, chủ yếu đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án đang hiện hữu. Đây là mức ghi nhận thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2014. Phần lớn các dự án mở bán mới có quy mô nhỏ với tổng số căn hộ dưới 500 căn.
Nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ nhà ở giá rẻ. Trong khi đó, thị trường đang thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền; thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp.
Nhà nước chưa có chính sách tín dụng phù hợp hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở cũng như cơ chế chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở cho thuê để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Bởi vậy, thị trường bất động sản nhà ở, nhất là phân khúc bình dân trong 2019 - 2020 có thể gặp khó khăn và thu hẹp hơn nhiều so với giai đoạn vài ba năm trước.
Cụ thể, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm 20 - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm đến 70 - 80% nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.
Chị Nguyễn Thị Uyên – một nhân viên bán hàng tại siêu thị điện máy ở Hà Nội chia sẻ, gia đình chị đã đi tìm mua nhà nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa được. “Với mức thu nhập hiện nay, gia đình tôi chỉ tìm mua căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2, nhưng không có lựa chọn nào. Một số dự án có mức tiền phù hợp thì lại quá xa so với nơi làm việc. Các dự án nhà ở xã hội thì không đủ tiêu chuẩn do số người có nhu cầu quá lớn”, chị Uyên nói.
Nói về thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, nguồn cung nhà ở bình dân tại thành phố trong tương lai rất hạn chế. Bởi 74% tổng số dự án là những dự án có đất hỗn hợp, quy mô lớn, nằm tại các quận vùng ven và huyện ngoại thành (nguồn cung chủ yếu nhà ở bình dân). “HoREA rất lo ngại trước tình trạng sụt giảm quy mô thị trường bất động sản, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2019, căn hộ bình dân giảm 34,7%. “Điều đáng quan tâm là quý II/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền được đưa ra thị trường”, ông Châu nói.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đề nghị các địa phương cần triển khai xây dựng, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở làm cơ sở cấp phép đầu tư cho các dự án nhà ở. Rà soát, bổ sung quy hoạch để có quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. “Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất, đưa chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp khu vực đô thị. Sớm thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở để người dân chủ động tham gia, tạo nguồn vốn cải thiện nhà ở của bản thân cũng như có trách nhiệm đối với việc này”, ông Hà nói.