Quyết định tìm mua cho một mảnh đất, dù để an cư lạc nghiệp hay đầu tư kiếm lời cũng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều người vì không am hiểu về pháp lý, các thủ tục cũng như kinh nghiệm để chọn mua đất thổ cư nên đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chính vì vậy, người mua cần phải dành thời gian để nghiên cứu tổng thể thị trường và chọn lựa những vị trí cụ thể. Việc đầu tư này sẽ giúp người mua tránh được rất nhiều rắc rối về sau, cũng như không phải tốn kém những khoản chi phí không đáng có.
Theo các chuyên gia luật và bất động sản, để mua được một thửa đất thổ cư “sạch” việc đầu tiên là cần tìm hiểu thông tin chung về khu đất. Cụ thể, người mua cần chú ý đến vấn đề về pháp lý như thửa đất, khu đất đó có nằm trong diện giải tỏa, quy hoạch của khu vực hay không. Đồng thời, người mua cũng cần kiểm tra hồ sơ địa chính từ Sở Tài Nguyên và Môi trường hoặc cấp xã, huyện xem khu vực đó có dự án nào không.
Một vấn đề rất quan trọng khác người mua cần chú ý đó là thửa đất đó có sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hay không. Đây là việc quyết định đến tính pháp lý của mảnh đất. Theo kinh nghiệm thực tế, người mua nên lựa chọn mua những thửa đất đã có sổ đỏ hợp pháp, như vậy mới có thể tránh tranh chấp và dễ dàng hơn trong việc đền bù nếu đất bị thu hồi.
Vấn đề thứ ba, người mua cần thận trọng trong những nội dung liên quan tới hợp đồng mua đất. Theo các chuyên gia pháp lý, hợp đồng phải có chữ ký xác nhận của cả chồng và vợ (bên bán), bố mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình nhằm tránh tranh chấp về tài sản sau đó. Đối với trường hợp đất là tài sản thừa kế, trước khi làm hợp đồng đặt cọc, các thành viên được thừa kế phải cùng ký vào biên bản đồng ý bán đất. Nếu làm được những nội dung trên, người mua mới chắc chắn và không sợ xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, người mua cũng cần xem xét kỹ diện tích của mảnh đất trong sổ đỏ gốc để tránh nhầm lẫn việc mảnh đất đang nằm trong một thửa lớn hơn hoặc có quy hoạch lộ giới mà không biết. Việc nằm trong một “sổ chung” tức là mảnh đất bạn mua chưa có sổ đỏ riêng. Hơn nữa, vì mua đất chưa có sổ đỏ, bạn sẽ không biết bao giờ mới nhận được sổ, trong khi các quy định về tách sổ đỏ tương đối phức tạp, đất phải có diện tích phù hợp, phải có sẵn hạ tầng,...
Bên cạnh những kinh nghiệm “vàng” trên, để có thể mua được một thửa đất “sạch” thì người mua cần quan tâm đến một số vấn đề khác như: lựa chọn hướng mảnh đất, vị thế và diện tích mảnh đất, môi trường sống xung quanh, địa chất mảnh đất,…
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Lương Thành Đạt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Có rất nhiều khách hàng đến với chúng tôi nhờ trợ giúp về việc đã mua phải thửa đất nằm trong quy hoạch, do trong quá trình tìm mua đất không tìm hiểu kỹ hoặc do chủ nhà giấu thông tin trên nhằm bán được tài sản. Do vậy, việc đầu tiên khi muốn mua đất khách hàng cần tìm hiểu thông tin về quy hoạch tại khu vực và thửa đất trên.
Vấn đề đặt ra là khách hàng có thể tìm hiểu thông tin về quy hoạch ở đâu, đây là một việc khó đối với hầu hết với mọi người. Tuy nhiên, thông tin sẽ trở nên dễ dàng nếu khách hàng biết tìm đến đâu và tìm đến người nào.
Theo quy định tại Chương 4 Luật Đất đai 2013 quy định về Quy hoạch sử dụng đất và Điều 45 Luật Đất đai 2013 quy định về Thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thuộc về UBND huyện hoặc UBND tỉnh tùy từng trường hợp. Thế nên khi tìm hiểu về quy hoạch, anh chị nên đến UBND xã gặp địa chính hoặc đến UBND huyện gặp Phòng quy hoạch hoặc Trung tâm phát triển quy đất tại địa phương nơi có đất để tìm hiểu về quy hoạch vùng đất, thửa đất muốn mua.
Về cơ bản, 1 trong những nguyên tắc lập quy hoạch là quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết, quy hoạch tổng thể thường được gọi là quy hoạch 1:2000, còn quy hoạch chi tiết là 1:500. Quy hoạch 1:2000 vẫn có thể mua bán chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho như bình thường, còn quy hoạch chi tiết 1:500 thì không thể chuyển nhượng, chuyển đổi... được nữa. Dù vậy, khi đất vào quy hoạch tổng thể mà chưa chi tiết anh chị cũng không nên mua loại đất này, vì thường tồn tại rất nhiều rủi ro”.
“Ngoài ra, người mua cũng cần tìm những mảnh đất thổ cư đã được cấp sổ đỏ để tránh gặp phải rủi ro. Hiện nay, pháp luật quy định việc mua nhà, đất cần được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, việc mua bán bằng các hợp đồng viết tay không có giá trị pháp lý. Người mua sẽ không thể dựa vào hợp đồng viết tay để làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng, do vậy sẽ rơi vào thế yếu khi tranh chấp xảy ra.
Do đó, tất cả các hợp đồng và thỏa thuận liên quan đến việc mua đất cần được công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý, giao dịch mua bán được pháp luật công nhận và bảo hộ. Đây chính là căn cứ pháp lý khi có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra các bên liên quan đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, Luật sư Đạt nhận định.
Với những kinh nghiệm này, hy vọng các khách hàng khi tìm hiểu mua đất sẽ chuẩn bị cho mình lượng thông tin cần thiết để tìm mua được các bất động sản "sạch".