Trong những cơn sốt đất nền xảy ra khắp các tỉnh thành trên cả nước năm 2019, nhiều nhà đầu tư chỉ sau một đêm đã nắm trong tay hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng nhờ mua đi bán lại các nền đất. Những nhà đầu tư lướt sóng cũng chính là một trong những nguyên nhân chính yếu làm khuấy đảo thị trường, gây nên các cơn sốt đất.
Dù đứng đầu về khả năng nhanh nhạy, nghe ngóng thông tin và chớp thời cơ nhưng thực tế vẫn có không ít nhà đầu tư thiếu kiến thức bị mắc kẹt, thậm chí thua lỗ do không ra được hàng.
Trong thời kỳ thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ từ năm 2015 đến giữa năm 2018, các nhà đầu tư thường nắm chắc phần thắng khi tham gia lướt sóng với tỷ suất sinh lời cao. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường rơi vào trầm lắng nên số nhà đầu tư lướt sóng “ăn nên làm ra” không nhiều.
Chính sách rà soát pháp lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng cùng với việc phanh phui hàng loạt dự án sai phạm cũng khiến người mua có tâm lý e ngại, dè chừng, từ đó làm giới đầu tư lướt sóng thêm chật vật.
Lãnh đạo một công ty bất động sản tại TP.HCM nhận định, dân lướt sóng năm 2019 “cóng tay” không mua bán gì đáng kể. Nhiều tay buôn thậm chí bị lỗ vì chủ yếu sử dụng vốn vay. Một số chủ đầu tư trên thị trường hiện nay đã tung ra các chính sách để hạn chế khách hàng và môi giới mua với mục đích chỉ để lướt sóng.
Trên thị trường Hà Nội, nhà đầu tư lướt sóng vắng bóng từ đầu năm 2019. Đã từng kiếm được không ít lợi nhuận từ việc lướt sóng căn hộ, anh Tuấn chia sẻ, cuối năm 2019, anh phải chấp nhận bán cắt lỗ một căn hộ cao cấp. Dù cũng đã gặp không ít khó khăn khi mua đi bán lại nhưng đây là lần đầu sau gần chục năm trời anh phải bán lỗ.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản cũng cho thấy, đối với bất động sản Hà Nội, tình trạng đầu tư lướt sóng thu lãi nhanh giảm mạnh trong năm 2019. Lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc mua để cho thuê vì không hiệu quả bằng TP.HCM nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Trước đó, nhận định của một vị lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản được lan truyền trên thị trường cho rằng 90% người đầu tư vào chung cư trong 1-2 năm qua bán ra đều lỗ. Tuy nhiên, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam phản bác, việc lướt sóng chung cư để kiếm tiền chênh không hề dễ nhưng bà không đồng ý với thông tin cho rằng 90% nhà đầu tư đều bị lỗ.
Bà Dung cho hay, có 5/10 người bạn của bà đang thu về dòng tiền khá tốt từ việc đầu tư chung cư. Thay vì chọn căn hộ, nhà đầu tư lướt sóng có thể lựa chọn phân khúc đất nền hoặc đất thổ cư.
Nhận định về cơ hội cho các nhà đầu tư lướt sóng trong năm 2020, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn sẽ dễ bị sập bẫy trong năm 2020. Thị trường bất động sản năm nay sẽ đứng trước “đầu sóng ngọn gió”, thời ăn may đã hết, nhà đầu tư cần có chiến lược bài bản để đi đường dài.
Theo vị lãnh đạo công ty này, trong thời gian tới, thị trường sẽ không còn sóng để lướt và sẽ không thích hợp để mua bán liền tay như thời kỳ nóng sốt. Điều này ngược với giai đoạn thị trường có nhiều đợt nóng sốt và giá tăng mạnh như 2015 - 2018. Với những kịch bản ảm đạm cho năm 2020 như đã được dự báo, để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, không lướt sóng là cách phòng vệ tốt nhất.
Chung quan điểm, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cũng đưa ra nhận định, năm 2020, các nhà đầu tư cá nhân cần tránh tâm lý kỳ vọng tăng trưởng cao rồi đưa ra quyết định nhanh chóng. Hơn nữa, sự đổ vỡ của những loại hình bất động sản mới cùng sự nở rộ của hàng loạt dự án ma trong năm vừa qua khiến niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay nên có thể thị trường sẽ đi xuống.