Thanh tra Bộ Xây dựng chú trọng công tác thanh tra quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong năm 2022

Thanh tra Bộ Xây dựng chú trọng công tác thanh tra quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong năm 2022

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Sáu, 12/11/2021 - 06:15
sapo

Tại hội nghị báo cáo kết quả công tác thanh tra 10 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm và dự kiến kế hoạch năm 2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Thanh tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thanh tra chuyên ngành năm 2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng.

Theo đó, kế hoạch dự kiến trong năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tổ chức thực hiện hai chuyên đề diện rộng. Trong đó, nội dung chuyên đề 1 về thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn tỉnh (thành phố); Nội dung chuyên đề 2 về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở.

nhà ở xã hội

Để có góc nhìn sâu sắc hơn về thực trạng dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Reatimes đã có cuộc trao đổi với Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn. 

PV: Thưa ông, hiện nay các Bộ, Ban, ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng đang rất quan tâm đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các Khu công nghiệp. Ông có thể cho biết tính cấp thiết của việc thanh tra, rà soát lại toàn bộ quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị… hiện nay?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Chủ trương phát triển nhà ở xã hội là chủ trương rất nhân văn của Chính phủ và Bộ Xây dựng để giúp cho người dân có thu nhập thấp, các công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà để ở, đảm bảo công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện, dịch bùng phát nhanh tại các khu nhà trọ chưa đảm bảo vệ sinh, có người lao động, công nhân sinh sống, vấn đề phát triển nhà ở cho các đối tượng này lại được quan tâm hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên quá trình triển khai còn nhiều khó khăn trong đó có công tác hoàn thiện thể chế, nguồn vốn…. Và một trong những nguyên nhân khiến phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn lớn là vấn đề về quỹ đất, kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được cho là tín hiệu mới gỡ khó cho bài toán này.

chánh thanh tra

Việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án, các quỹ đất tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị là cần thiết, trong đó, rà soát quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là tất yếu bởi câu chuyện này được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Việc rà soát có thể nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai.

Đồng thời, chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu, đi chệch hướng so với chủ trương nhân văn của Chính phủ, cũng như Bộ Xây dựng.

PV: Chưa bao giờ vấn đề phát triển nhà ở xã hội lại “nóng” như vậy! Thanh tra Bộ Xây dựng đã có những đề xuất, kiến nghị như thế nào trong hoàn thiện thể chế để khơi thông quỹ đất phát triển nhà ở xã hội? Theo ông, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thu hút các nhà đầu tư quan tâm cần có những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội là giải pháp cấp thiết, trong đó cần dành nguồn vốn đầu tư xây dựng và có sẵn quỹ đất. Đồng thời, tập trung sửa đổi Luật nhà ở, Đất đai, Kinh doanh bất động sản để thu hút đầu tư doanh nghiệp.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong phát triển loại hình này. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất với gói tín dụng 65.000 tỷ đồng.

Theo đó, trong gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội phục vụ các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; Cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định; Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ được triển khai theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành chỉ đạo “nóng” gửi UBND các tỉnh, thành phố về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Về chính sách dài hạn, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và các luật khác có liên quan, trong đó có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Cụ thể, trong quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; Giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp khác hoặc phối hợp với Tổng Liên đoàn đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân. Đối tượng, điều kiện được thuê nhà công nhân là công nhân hoặc doanh nghiệp trong khu công nghiệp; diện tích sử dụng tối thiểu khoảng 10m2/người. Miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng…

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, thực tế việc dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị sẽ mang lại hiệu quả kinh tế thấp khiến nhà đầu tư không mặn mà. Đồng thời, hạ tầng cơ sở chệnh lệch giữa người thu nhập thấp và người thu nhập cao cũng là vấn đề nhiều chuyên gia lo ngại. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Khi các nhà đầu tư tham gia việc xây nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã tự chủ động cân nhắc tính toán về hiệu quả kinh tế của chính doanh nghiệp, còn về phía các cơ quan, đơn vị quản lý của Nhà nước từ trung ương đến địa phương phải thực hiện việc dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội tại các dự án nêu trên đảm bảo đúng quy định tại Điều 5 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, quy định cụ thể đối với từng trường hợp.

Thứ nhất, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Thứ hai, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5ha tại các đô thị loại II và loại III thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thứ ba, đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: Xác định rõ vị trí, diện tích đất bố trí thay thế tại địa điểm khác trên phạm vi địa bàn; Điều chỉnh quy hoạch đối với quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội tại dự án theo quy định của pháp luật quy hoạch, pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan (nếu có); Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và xác định giá trị tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; số tiền thu được phải bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Thứ tư, đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đã lựa chọn chủ đầu tư trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, nhưng chưa bố trí quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội mà sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, dự án đó bị thu hồi theo quy định của pháp luật để giao cho chủ đầu tư khác thì chủ đầu tư dự án đó có trách nhiệm tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch để bố trí bổ sung quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. 

Thứ năm, trường hợp Nhà nước sử dụng quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi bàn giao quỹ đất này cho Nhà nước.

Khi chủ đầu tư bàn giao quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội cho Nhà nước thì số tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với quỹ đất 20% này (nếu có) sẽ được trừ vào nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) mà chủ đầu tư phải nộp của dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đó.

Đối với chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các khoản chi phí hợp lý khác theo quy định của pháp luật mà chủ đầu tư đã thực hiện đối với quỹ đất 20% phải bàn giao sẽ được ngân sách nhà nước hoàn trả theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Thứ sáu, trường hợp Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo dự án bằng nguồn vốn ngân sách trung ương thì việc bố trí quỹ đất thực hiện theo quy định như sau:

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương từ 50% tổng mức đầu tư của dự án trở lên thì UBND cấp tỉnh nơi có dự án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng để xem xét, quyết định việc lựa chọn quỹ đất để triển khai thực hiện dự án. 

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương dưới 50% tổng mức đầu tư của dự án thì UBND cấp tỉnh nơi có dự án xem xét, quyết định việc lựa chọn quỹ đất để triển khai thực hiện dự án.

bộ trưởng

PV: Với khối lượng công việc rất lớn theo kế hoạch thanh tra trên diện rộng vào năm 2022, hiện nay công tác tổ chức nhân sự của các đoàn thanh tra đang được Thanh tra Bộ Xây dựng triển khai như thế nào để đáp ứng công tác chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tập trung thu thập thông tin, tiến hành khảo sát theo định hướng của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 1899/TTCP-KHTH ngày 26/10/2021 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022 và chỉ đạo của Bộ trưởng, phối hợp với các cơ quan chức năng, xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022 của Ngành Xây dựng.

Dự kiến, Thanh tra hành chính (từ 02 đến 03 đoàn), Thanh tra chuyên ngành (từ 05 đến 08 đoàn) làm Công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do Bộ (ngành), tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư (từ 02 đến 03 đoàn); Công tác quản lý nhà nước về xây dựng của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ 02 đến 03 tỉnh) trong 07 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Sau khi kiểm tra, rà soát không trùng với Kế hoạch của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ, đối tượng thanh tra của 02 nội dung chuyên đề là chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo yêu cầu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thanh tra đột xuất có nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý Nhà nước và kiểm tra xác minh giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ (từ 04 đến 06 đoàn).

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện lịch tiếp công dân thường xuyên, định kỳ của Bộ trưởng, kiểm tra, rà soát, giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tế các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Hiện nay cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Xây dựng gồm 9 phòng được hình thành, hoạt động ổn định theo pháp Luật Thanh tra và đã phát huy được vai trò chuyên sâu trong công tác tham mưu thực hiện các lĩnh vực quản lý nhà nước được Bộ giao./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Giải quyết tình trạng chủ đầu tư chây ì quỹ bảo trì

Với kết quả của 18 cuộc thanh tra liên tiếp từ cuối năm 2020 đến nay về phí bảo trì tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu 12 chủ đầu tư phải trả lại hơn 338 tỷ đồng cho Ban quản trị nhà chung cư. Kế hoạch dự kiến năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai trên diện rộng thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn tỉnh (thành phố). Vậy vai trò của việc thanh tra thường xuyên kinh phí bảo trì là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Nhằm giải quyết tình trạng chủ đầu tư không chấp hành quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Bộ Xây dựng đã ban hành chỉ đạo nóng để chấn chỉnh, trong đó, yêu cầu các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, các tổ chức và cá nhân quan tâm, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về nhà ở, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó chú trọng đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì để góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội tại địa phương.

Để phủ kín và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành, Thanh tra Bộ Xây dựng luôn coi việc thanh tra thường xuyên rất quan trọng, tập trung vào một số vấn đề nổi cộm hiện nay như việc chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì, chiếm dụng diện tích sử dụng chung… gây khiếu kiện kéo dài, bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.

11/11/2021 17:04
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top