Hấp lực với quỹ ngoại
Giữa tháng 5/2022, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những cuộc gặp gỡ với các quỹ đầu tư, điển hình là Warburg Pincus và KKR.
Được biết, Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ ba ở châu Á của Warburg Pincus (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Kể từ năm 2013, Quỹ đã đầu tư gần 2 tỷ USD để giúp xây dựng và phát triển các công ty hàng đầu Việt Nam, liên doanh với Vingroup, VinaCapital, Techcombank, Becamex, MoMo…
Ông Chip Kaye, Tổng giám đốc Warburg Pincus quan tâm tới chính sách giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam, kế hoạch mở rộng đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam…
Theo ông, có 4 vấn đề mà các nhà đầu tư luôn quan tâm là: khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp nội địa; việc ổn định kinh tế vĩ mô; hạ tầng; khả năng đối thoại, trao đổi với các cơ quan chức năng.
Các yếu tố cần cân nhắc cho cơ hội M&A năm 20233
- Các thương vụ lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính có thể thay đổi cục diện của thị trường M&A khi chúng được ký kết vào năm 2023.
- Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn có thể mang lại luồng sinh khí mới cho thị trường M&A.
- Các xu hướng lớn tiếp tục là xanh và tầng lớp trung lưu mới nổi sẽ mang lại nhiều khoản đầu tư hơn vào lĩnh vực năng lượng.
Trong khi đó, Kolhberg Kravis Robert (KKR) sau khi đã thực hiện hàng loạt thương vụ đầu tư khủng tại thị trường Việt Nam như đầu tư vào Masan, Vingroup, EQuest Education Group, KiotViet… Quỹ cũng mong muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, chuyển đổi số, lương thực, hàng tiêu dùng, công nghệ…
Tổng Giám đốc KKR, ông Joseph Bae cho rằng, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn với các nhà đầu tư. Với chính sách tạo thuận lợi của Chính phủ, vị trí địa lý quan trọng, dân số trẻ và năng động, Việt Nam là điểm đến của nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên thế giới và khu vực.
Ở thị trường trong nước, quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, chi nhánh của VinaCapital đang có kế hoạch ra mắt quỹ đầu tư thứ hai vào năm 2023. Với quy mô khoảng 100 triệu USD, quỹ VinaCapital Ventures II sẽ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn Series A+, Seris B và tiền IPO. VinaCapital có thể rót tối đa 10 triệu USD cho từng vòng đầu tư.
Theo ông Hoàng Đức Trung, Phó giám đốc điều hành VinaCapital Ventures, Quỹ sẽ tập trung tìm kiếm các công ty công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao tại Việt Nam, liên quan đến các lĩnh vực như tiêu dùng, tài chính, y tế, nông nghiệp và du lịch. Quỹ cũng tìm kiếm các cơ hội trong lĩnh vực mới như chất thải thực phẩm và các giải pháp an toàn thực phẩm, blockchain, kết cấu hạ tầng xe điện.
Kỳ vọng làn sóng hợp nhất các công ty công nghệ
Hiện thị trường M&A toàn cầu đang kỳ vọng vào làn sóng hợp nhất giữa các công ty công nghệ tư nhân có thể tăng lên vào năm 2023. Điều này có thể đặc biệt đúng đối với những công ty khởi nghiệp phải thay đổi kế hoạch IPO của họ.
Một khảo sát gần đây của EY (Ernst & Young - hãng dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp đa quốc gia có trụ sở tại Anh) cho thấy, 72% CEO công nghệ được hỏi có kế hoạch theo đuổi M&A trong 12 tháng tới, so với 59% CEO trả lời trên tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề.
Các công ty này có khả năng nhìn ra những chiến lược rút lui thay thế và việc định giá giảm sẽ khiến việc sáp nhập trong thị trường này trở nên hấp dẫn hơn.
Cũng có một số ý kiến nhận định, lĩnh vực fintech có thể đạt mức cao hơn vào năm 2023. Đây là lĩnh vực đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về định giá và tốc độ tăng nhanh trong một năm qua. Những yếu tố này có thể làm cho fintech trở thành lĩnh vực chính cho các vụ sáp nhập và giao dịch lớn.
Cũng có suy đoán rằng, thị trường có thể chứng kiến sự gia tăng hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng, sau những vấn đề toàn cầu mà lĩnh vực này phải đối mặt trong năm qua. Các nhà sản xuất năng lượng lớn hơn có thể thực hiện một động thái để theo đuổi thỏa thuận với các công ty năng lượng tái tạo như là một phần của những nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng các nguồn năng lượng thay thế.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng có thể tham gia vào hoạt động M&A mạnh mẽ vào năm tới, PWC dự đoán triển vọng cho các thương vụ M&A dịch vụ y tế vào năm 2023. Nguyên nhân một phần là do khối lượng giao dịch tăng lên và lượng tiền mặt lớn của các công ty trong ngành.
Riêng ở thị trường Việt Nam, theo dự báo, tới năm 2030, Việt Nam sẽ là một trong 5 nền kinh tế phát triển nhanh nhất, với hơn 250 tỷ USD giá trị được tạo ra trong 8 năm tới. Đại điện VinaCapital đánh giá, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng đó.
Theo ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ trong thị trường M&A ngày nay. “Khi nhu cầu chuyển đổi số ngày càng tăng, chúng tôi dự báo, sẽ có nhiều cơ hội M&A hơn trong lĩnh vực phần mềm, dịch vụ đám mây, bảo mật công nghệ thông tin và các công nghệ hỗ trợ cơ sở hạ tầng khác”, ông Masataka “Sam” Yoshida nói.
Thực tế, Việt Nam đang chứng kiến quá trình chuyển đổi số diễn ra khắp cả nước với tỷ lệ thâm nhập của smartphone lên tới 73,5% và Internet là 73,2%.
Đại diện VinaCapital cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, tầng lớp trung lưu đang bùng nổ với mức tiêu dùng hàng năm tăng trưởng 8 - 10%, GDP đầu người đạt khoảng 3.600 USD. Việt Nam có tiềm năng trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, truyền thông, bán lẻ và vận tải.
Dự báo, hệ sinh thái đầu tư Đông Nam Á sẽ phát triển các thương vụ có giá trị lên tới 70 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và 60% đều tập trung vào công nghệ. Khảo sát của Bain chỉ ra, Việt Nam và Indonesia là hai điểm đến thu hút tới 90% nhà đầu tư vào Đông Nam Á.
Phương án dự phòng
Không ai đoán trước được tương lai và sẽ có những yếu tố mới không ai lường trước được xuất hiện vào năm 2023. Dẫu vậy, để đón nhận làn sóng mới, ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group cho rằng, các công ty kế toán, kiểm toán cần nâng chuẩn của mình lên, sử dụng hệ thống báo cáo, báo cáo tài chính quốc tế và hệ thống kế toán theo kiểu Mỹ như ESAS, ASRS để đáp ứng xu thế hội nhập.
Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế chuyển tiền giữa nước ngoài và Việt Nam thuận lợi cho các công ty hoạt động, kinh doanh ở nước ngoài, quan tâm đúng mực vấn đề Visa đối với du khách và người nước ngoài.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải chú ý giảm thiểu rủi ro cho đối tác tài chính của mình. Có thể có những cấu trúc theo kiểu gọi vốn và một nửa là vốn chủ sở hữu, tức là cổ phần và một nửa đó là vốn nợ.
Ngoài ra, còn có các phương pháp phi tài chính để giảm rủi ro cho các nhà đầu tư. Ví dụ như quản trị tốt hơn, quản lý rủi ro mạnh hơn, đa dạng hóa về rủi ro, đảm bảo tính minh bạch trong cung cấp thông tin, tính trách nhiệm và tăng cường tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp được nhận đầu tư. Đó là những biện pháp phi tài chính, nhưng giúp cho các công ty có thể tăng cường xác suất của mình trong việc thu hút vốn đầu tư.
Đã qua rồi thời lãi suất rất thấp. Trong bối cảnh hiện nay, vay tiền đắt hơn đáng kể do lãi suất tăng đột biến. Mặc dù chi phí vay nợ cao, khiến việc mua lại trở nên khó khăn hơn, nhưng các công ty cổ phần tư nhân có một lượng tiền mặt dự trữ rất lớn. Họ sẽ tìm cách sử dụng tiền mặt của mình khi việc định giá trở nên hấp dẫn hơn. Sự kết hợp của các yếu tố này có khả năng thúc đẩy hoạt động M&A trong năm tới.
Một điều chắc chắn là thẩm định sẽ tiếp tục là ưu tiên cao đối với người mua khi họ xem xét kỹ hơn bao giờ hết các mục tiêu của mình. Trong đó, phát triển bền vững và trách nhiệm môi trường, văn hóa và quản trị (ESG) của doanh nghiệp là vấn đề mà nhà đầu tư ngày càng chú trọng trong khẩu vị đầu tư của mình.
Điều quan trọng hơn đối với người mua là tìm hiểu sâu về mọi khía cạnh của mục tiêu. Điều này có nghĩa là các mục tiêu bán cổ phần sẽ cần phải được chuẩn bị từ đầu, với tài chính và hoạt động sẵn sàng đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng hơn.
Trước những bất ổn của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023. Các hoạt động xử lý gian lận gần đây, lãi suất tăng và đồng tiền suy yếu khiến nền kinh tế đối mặt với những thách thức hơn trong năm tới. Những yếu tố như vậy luôn khiến các nhà đầu tư thận trọng mỗi khi xem xét một quyết định M&A.