Aa

Năm 2030, Hà Nội đủ điều kiện dừng hoạt động của xe máy trong nội đô

Thứ Sáu, 23/06/2017 - 03:12

“Với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải công cộng khối lượng lớn, như đường sắt đô thị, các tuyến đường BRT, nâng cao chất lượng vận tải khách công cộng,... thành phố sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, từ đó tổ chức được việc dừng hoạt động của xe máy lưu thông vào nội đô”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nói.

Xung quanh việc Hà Nội dự tính cấm xe máy đi vào nội thành vào năm 2030, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, bất cứ đô thị nào cũng phải có chính sách cụ thể để quản lý phương tiện giao thông cho phù hợp với điều kiện hạ tầng. Tốc độ gia tăng phương tiện gần đây quá nhanh so với tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội ngày càng phức tạp. Do đó, việc thực hiện giải pháp tăng cường quản lý phương tiện là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của thành phố.

Theo ông Viện, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT đã cùng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) nghiên cứu và xây dựng Đề án quản lý phương tiện giao thông.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Một trong những mục tiêu chính của đề án là tập trung quản lý, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường; trong đó có đề ra lộ trình đến năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy tại khu vực nội đô.

Cụ thể: Từ năm 2017 - 2020, sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy; đồng thời điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đề xuất tiến hành thu hồi, tiêu hủy.

Từ 2025 - 2029, thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm của Thành phố.

Năm 2030, sẽ dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành.

“Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân bằng cách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng GTVT và các phương thức vận tải công cộng, như đường sắt đô thị, xe buýt, xe buýt nhanh BRT... Đến năm 2030, vận tải công cộng sẽ đáp ứng 55% tỷ trọng vận chuyển. Cùng với đó, Thành phố sẽ mở rộng không gian đi bộ, khuyến khích sử dụng phương tiện phi cơ giới. Lộ trình này cũng khá dài, đủ để người dân làm quen, thích ứng với việc từ bỏ xe máy. Tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân”, Giám đốc Sở GTVT nói.

Cảnh ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội.

Cảnh ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trước lo ngại về việc nếu cấm xe máy người dân sẽ đi lại bằng gì? ông Viện cho biết, hiện vận tải khách công cộng trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng được 14-15% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, theo quy hoạch, đến năm 2030, loại hình này sẽ đáp ứng được 50-55%, đặc biệt tại khu vực nội thành mạng lưới xe buýt sẽ bao phủ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân để tương ứng với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Ngoài ra, Hà Nội đang triển khai đồng bộ một số giải pháp như tập trung xây dựng theo quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư tuyến các tuyến buýt nhanh BRT theo quy hoạch; xây dựng đề án mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng xe buýt tạo điều kiện để người dân tiếp cận với xe buýt thuận tiện hơn; phát triển mạng lưới điểm đỗ, các điểm giao thông tĩnh để phục vụ kết nối giao thông cá nhân với phương tiện giao thông công cộng…

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 5 triệu xe máy, gần 500.000 ô tô các loại, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 11 nghìn xe đạp điện và xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10 - 15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2016 là 10,2% đối với ô tô và 6,7% đối với xe máy, trong khi đó, tốc độ tăng trưởng bình quân chiều dài đường bộ là 30,5%. Sự phát triển nhanh phương tiện giao thông đã tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng giao thông làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top