Aa

Nam Từ Liêm: Bị lấn chiếm nghiêm trọng, hồ Ngòi Cầu Trại ngập trong phế thải

Thứ Bảy, 15/08/2020 - 07:50

Hồ Ngòi Cầu Trại bị lấn chiếm đã lâu khiến người dân sống quanh khu vực này vô cùng bức xúc. Thế nhưng cho đến nay việc xử lý tình trạng lấn chiếm tại đây vẫn còn bị “bỏ ngỏ”.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

"Lá phổi xanh" nay còn đâu

Được biết, hồ Ngòi Cầu Trại thuộc khu vực giáp ranh giữa phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và phường Mộ Lao (quận Hà Đông). Nhiều năm qua, khu vực lòng hồ Ngòi Cầu Trại bị một số người dân lấn chiếm để sử dụng trái phép làm chỗ trồng rau, nuôi gà vịt, dựng lán trại ở, kinh doanh ăn uống, rửa xe. Hiện tại, diện tích san lấp lấn chiếm mặt hồ đã lên đến cả nghìn m2. Điều này làm phá vỡ cảnh quan chung của khu đô thị, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây mất an ninh trật tự khu vực.

Ven hồ Ngòi Cầu Trại bỗng mọc lên nhiều hàng, quán tạm bợ

Khảo sát của phóng viên ngày 13/8 tại khu vực hồ Ngòi Cầu Trại cho thấy mặt hồ Ngòi Cầu Trại có nhiều chỗ được đổ đất san phẳng; thậm chí có chỗ còn tạo thành đường đi giữa lòng hồ, nối hai bên bờ hồ. Trên các khu đất này, một dãy nhà trọ lụp xụp với khoảng 20 phòng, nhiều chuồng gà, chuồng vịt, cửa hàng sửa chữa xe máy, hàng bán nước… ngang nhiên tồn tại.

Một góc hồ Ngòi Cầu Trại bị lấn chiếm và xả rác vô tội vạ

Bà N.T.T, sinh sống tại phường Mộ Lao bức xúc: Những năm gần đây, vấn đề trật tự đô thị khu vực hồ Ngòi rất phức tạp, hàng chục hàng quán kinh doanh trái phép đã nuốt trọn phần vỉa hè quanh hồ để tạo thêm diện tích kinh doanh. Một số đối tượng đã cải tạo, san lấp vươn ra hồ, thu hẹp mặt nước. Người dân phường Mỗ Lao đã nhiều lần kiến nghị tới cấp chính quyền cơ sở nhưng chưa được quan tâm, giải quyết triệt để.

Hiện toàn bộ diện tích khu vực hồ Ngòi nằm trong quy hoạch dự án Ngòi - Cầu Trại đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1485/QĐ-UBND ngày 28/3/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực Ngòi - Cầu trại tỷ lệ 1/500. Vì vậy, việc giữ nguyên hiện trạng khu vực hồ Ngòi để chuẩn bị cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án là điều cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Lòng hồ bị người dân đổ đất đá, xi măng tự kè lại để lấn chiếm

Ngày 06/9/2018, UBND phường Mộ Lao đã tổ chức hội nghị để làm rõ và giải quyết vấn đề nêu trên. Dự hội nghị có các thành phần: Thường trực UBND, Ban Địa chính xây dựng, Công an, Tổ trưởng các tổ dân phố 12, 14 phường Mộ Lao. Đại diện các đơn vị, phòng chuyên môn quận Hà Đông, Công an quận, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị. Cán bộ Địa chính xây dựng - Đại diện UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).

Tại hội nghị, cán bộ địa chính hai phường đã kiểm tra hồ sơ đối chiếu với hiện trạng, thực địa về ranh giới, mốc giới 364 giữa hai phường Mộ Lao và Trung Văn; Công an phường Mộ Lao báo cáo tình trạng vi phạm trật tự công cộng khu vực giáp ranh giữa hai phường trên cơ sở phản ánh của người dân là có thật. Toàn bộ các hành vi bày bán hàng quán, đổ đất lấn chiếm hồ Ngòi Cầu Trại xảy ra trên địa giới hành chính phường Trung Văn nên rất khó khăn cho UBND phường, Công an phường Mộ Lao khi tổ chức kiểm tra, xử lý.

"Lá phổi xanh" ngập ngụa trong rác thải sinh hoạt

Hai năm sau hội nghị, việc lấn chiếm hồ Ngòi Cầu Trại vẫn còn đó, không có việc xử lý các hàng quán, công trình sai phạm lấn chiếm lòng hồ. Không những vậy, rác thải sinh hoạt từ dãy nhà trọ được đổ thẳng xuống hồ đã dồn ứ lại thành đống, nước chuyển màu đen bốc mùi hôi hết sức phản cảm và gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

Báo động xâm hại ao, hồ

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng CECR, giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Hiện số hồ còn lại khoảng 112, tổng diện tích mặt nước năm 2015 gần 7 triệu m2, giảm 72.500m2 so với năm 2010.

Giáo sư Trần Quốc Vượng với những nghiên cứu lịch sử của mình đã từng kết luận: “Thăng Long - Hà Nội là một thành phố sông - hồ”. Nói cách khác, sông - hồ là một trong những yếu tố đặc trưng của Hà Nội, mang lại cho thành phố bản sắc không phải thành phố nào cũng có được.

Không ít ao, hồ tại Hà Nội bị xâm hại để xây dựng công trình 

Chiếm 17% diện tích nội thành, các sông, mương và hồ ở Hà Nội nối với nhau thành chuỗi, tạo nên một hệ thống nhất. Hệ thống này đều có cấu trúc, hình thái không gian gắn liền với cấu trúc đô thị, nằm đan xen trong các khu phố cũ, khu chung cư cũ, khu đô thị mới…Hệ thống cảnh quan mặt nước trong đô thị đã trở thành bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong tổng thể đô thị và thể hiện văn hoá, lối sống người Hà Nội thời kỳ mới.

Bên cạnh hệ thống sông, ngòi, kênh mương của Hà Nội như: Sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Đà, sông Đáy… và những con sông thoát nước như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Lừ…hiện nay ở Hà Nội tồn tại một lượng hồ, ao tương đối lớn, có kích thước khác nhau và phân bố rộng rãi khắp địa bàn.

Giữa hồ Ngòi Cầu Trại bỗng "mọc" lên đoạn đường nối giữa hai bờ.

Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến năm 2016, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa. Cụ thể như ở các khu vực mới phát triển là Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông… tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị san lấp để phục vụ xây dựng hoặc trở thành những bãi rác tự phát.

Ao hồ không chỉ có vai trò điều hòa không khí, tạo cảnh quan đô thị mà còn là điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước. Trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền mà còn là trách nhiệm của chính những cộng đồng dân cư sinh sống quanh các ao hồ. Họ cần phải thấy được rõ quyền lợi và cả lợi ích của mình từ việc bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top