Cùng dự cuộc gặp mặt tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo một số hiệp hội, doanh nghiệp.
Gần 1.000 nữ doanh nhân tham dự cuộc gặp mặt được truyền trực tuyến tới các điểm cầu tại 28 tỉnh, thành phố.
Theo các ý kiến tại cuộc gặp mặt, sau 7 năm thành lập, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và phát triển. Số lượng hội viên tăng 400%, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 lên 21% năm 2011 và đến nay đạt tỉ lệ 25% (cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân). Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong nhóm 10 quốc gia đứng đầu về tỉ lệ này.
Các đại biểu khẳng định, chính sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước với những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp và sự nỗ lực vượt bậc của chính đội ngũ nữ doanh nhân đã góp phần tạo nên sự thành công và những kết quả nổi bật của các nữ doanh nhân, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo.
Các ý kiến đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch, triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chuyển hướng phù hợp, kịp thời trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Theo các đại biểu, trải qua hơn 2 năm đại dịch đầy khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng, phục hồi và phát triển, đang khởi sắc tích cực trên các lĩnh vực với khí thế mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, lòng tin của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp được củng cố.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp nói chung và những nữ doanh nhân nói riêng chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nỗ lực ứng biến trước khó khăn, thách thức, vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào công tác phòng chống dịch…
Các đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên quyết, kiên trì các nguyên tắc, giải pháp mở cửa xã hội và kinh tế, nêu một số kiến nghị liên quan tới thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ về đất đai, xúc tiến thương mại, quan tâm đến đời sống của lực lượng lao động nữ…
Nữ doanh nhân có cơ hội ngày càng lớn để đóng góp nhiều hơn nữa
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phụ nữ Việt Nam có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử của quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Với tinh thần đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đội ngũ doanh nhân nữ nói riêng nhằm đưa đội ngũ doanh nhân phát triển hùng hậu, vững mạnh toàn diện, phát huy sức sáng tạo, thế mạnh, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, trao quyền điều hành kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, nâng cao quyền năng phát triển kinh tế của phụ nữ, nâng cao vị thế lãnh đạo của nữ giới và bình đẳng giới là một động lực, một trong những phương thức hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất lao động của xã hội, hướng tới nền kinh tế phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững và hiệu quả hơn.
Trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam là đoàn kết, năng động, sáng tạo tiếp tục được khẳng định. Đặc biệt, đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ làm tròn thiên chức người mẹ, người vợ đảm đang trong gia đình, mà còn giỏi giang trong lãnh đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã góp phần tạo ra các giá trị của cải vật chất, nguồn thu nhập quan trọng cho kinh tế đất nước và nguồn thu cho mỗi gia đình, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thực hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta trân trọng và đánh giá cao sự nỗ lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần phấn đấu vươn lên của các nữ doanh nhân, vượt qua nhiều khó khăn, rào cản và cả những định kiến xã hội để gặt hái được những kết quả, thành công, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đạt được trong gần 8 năm hoạt động.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng cho việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề và vai trò của cộng đồng nữ doanh nhân, của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng với các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định tình hình, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể tập trung khắc phục những vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đội ngũ nữ doanh nhân phát triển.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nữ, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, các cấp, các ngành về các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng đề nghị Hiệp hội đẩy mạnh vai trò tạo cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước; hỗ trợ tăng cường trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo…
Theo Thủ tướng, giải phóng phụ nữ cũng là giải phóng xã hội, giải phóng nguồn lực. So với các đồng nghiệp nam, các nữ doanh nhân có những thiệt thòi nhưng cũng có những thế mạnh riêng như sự mềm dẻo, uyển chuyển, lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ, hiền hòa và đức tính hy sinh cao cả, cần được phát huy hơn nữa trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, với những xu thế mới như phát triển bền vững, toàn diện, bao trùm, nhân văn, xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số..., các nữ doanh nhân Việt Nam có cơ hội ngày càng lớn để đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, cho cộng đồng, đất nước và thế giới, trên con đường hướng tới văn minh, thịnh vượng, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ, tập trung tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, trong đó có những kiến nghị cụ thể tại buổi gặp mặt, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và hỗ trợ nhiều hơn nữa để các nữ doanh nhân góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.