Các đồng chí: Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT; Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ TN&MT chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của văn phòng ĐKĐĐ trong hệ thống các cơ quan quản lý đất đai là rất quan trọng.
Đây là tổ chức dịch vụ công trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đưa quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tham gia vào thị trường bất động sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, đây cũng là cơ quan thiết lập, quản lý hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai để Nhà nước đạt được mục tiêu “nắm chắc”, “quản chặt” đất đai.
Để hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động của hệ thống văn phòng ĐKĐĐ trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) thì việc đánh giá hoạt động cũng như tồn tại, vướng mắc, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống văn phòng ĐKĐĐ là rất cần thiết.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang nhấn mạnh: Hoạt động của văn phòng ĐKĐĐ đã góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, thúc đẩy cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình hoạt động của các văn phòng ĐKĐĐ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Hội nghị văn phòng ĐKĐĐ năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao kiến thức nghiệp vụ trong quản lý hoạt động của văn phòng ĐKĐĐ, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về đất đai hiện nay.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ TN&MT trong quá trình tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của văn phòng ĐKĐĐ và một số nội dung liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, đến nay, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập văn phòng ĐKĐĐ trực thuộc Sở TN&TM với 678 chi nhánh trên phạm vi 705 đơn vị hành chính cấp huyện.
Hệ thống văn phòng ĐKĐĐ của cả nước hiện có khoảng 16,7 nghìn người (trung bình mỗi tỉnh có khoảng 290 người). Trong đó, số người trong biên chế là khoảng 7,5 nghìn người (chiếm 44,9%); cán bộ hợp đồng gần 9,2 nghìn người (chiếm 55,1%); số cán bộ có trình độ từ đại học trở lên gần 15,2 nghìn người (chiếm 90,7%).
Theo báo cáo của 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các tỉnh Cao Bằng, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ chưa có số liệu báo cáo), số lượng thủ tục hành chính đã được giải quyết (đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu, đăng ký biến động, cung cấp thông tin đất đai) trong 4 năm 2019 - 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 là gần 24,04 triệu hồ sơ.
Hiện nay, cả nước đã hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, tỷ lệ đạt khoảng 76% diện tích tự nhiên, tương đương khoảng 25,24 triệu ha. Đây là công cụ kỹ thuật đầu vào, là cơ sở cho các văn phòng ĐKĐĐ thực hiện nghiệp vụ ngày càng thuận lợi và chính xác hơn. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai.
Bên cạnh đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận”, tính đến hết tháng 11/2023 đã phát sinh 33.180 hồ sơ…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận, thảo luận, đóng góp ý kiến, chỉ rõ kết quả đạt được cũng như hạn chế, yếu kém còn tồn tại, làm rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong hoạt động của văn phòng ĐKĐĐ. Qua đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của văn phòng ĐKĐĐ, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về đất đai.