Aa

Nâng cao năng lực và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ

Thứ Bảy, 19/08/2023 - 06:10

ThS. Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ CSTT, NHNN cho biết, tại Việt Nam, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã không ngừng quan tâm cải cách hành chính và cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế.

Trao đổi tại Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) nhằm từng bước chuyển dịch từ cơ chế điều hành khối lượng sang điều hành giá tại Việt Nam” tổ chức ngày 17/8, đại diện nhóm nghiên cứu, ThS. Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ CSTT, NHNN cho biết, tại Việt Nam, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã không ngừng quan tâm cải cách hành chính và cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế.

Công cụ CSTT ngày càng phát huy hiệu quả 

Với trọng tâm là củng cố hệ thống tài chính - ngân hàng nhằm phát triển kinh tế bền vững theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đảm bảo các cân đối vĩ mô lớn trong nền kinh tế, theo đó, NHNN cũng đã ban hành các Chương trình hành động, Chiến lược cụ thể để cơ cấu lại hệ thống tài chính - ngân hàng một cách mạnh mẽ và đến nay đã đạt được những kết quả rất tích cực. Hoạt động điều hành CSTT của NHNN đã có những thay đổi cả về kỹ thuật điều hành cũng như định hướng điều hành.

Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, khi điều hành CSTT của NHNN chuyển dịch sang cơ chế CSTT kết hợp điều hành theo giá và điều hành theo lượng thì việc điều hành CSTT đã có sự chủ động, linh hoạt hơn và về cơ bản đã đạt được các mục tiêu CSTT đặt ra trong từng thời kỳ. Các công cụ CSTT ngày càng được hoàn thiện và phát huy hiệu quả trong điều hành của NHNN. Tuy nhiên, do điều hành CSTT vẫn phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu như, vừa kiểm soát lạm phát, vừa bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô... nên một số thời điểm đã gây khó khăn cho NHNN trong việc đưa ra các quyết định chính sách để hạn chế các xung đột giữa các mục tiêu.

Chẳng hạn trong bối cảnh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, NHNN vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải phấn đấu giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm 0,5 - 1%/năm trong giai đoạn 2022 - 2023); trong khi đó, rủi ro lạm phát có nguy cơ tăng cao khi giá nguyên, nhiên, vật liệu của thế giới ở mức cao, áp lực phục hồi nền kinh tế, độ trễ của các gói kích thích kinh tế, xu hướng thắt chặt CSTT của nhiều quốc gia...

Toàn cảnh Hội thảo.

Ngoài ra, việc điều hành của NHNN chịu tác động nhiều chiều của các yếu tố như: thách thức từ những biến động phức tạp, khó lường của tài chính toàn cầu, CSTT của NHTW các nước, việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý, chính sách đầu tư công... đã gây áp lực lớn và phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành của NHNN.

Chuyển dần từ điều hành theo khối lượng sang điều hành theo giá

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN cho biết, tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã định hướng CSTT giai đoạn tới phải phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định hệ thống, tăng cường tính minh bạch, công khai, nhà nước can thiệp bằng công cụ thị trường và chỉ khi cần thiết nhằm tăng dần tính độc lập, chủ động, trách nhiệm giải trình về mục tiêu điều hành CSTT, kiểm soát lạm phát ở mức độ phù hợp từng thời kỳ hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Như vậy, định hướng đã cho thấy rõ việc cần thiết phải đổi mới khung khổ CSTT theo hướng chuyển dần từ điều hành theo khối lượng sang điều hành theo giá, sử dụng công cụ gián tiếp tiến tới dỡ bỏ các biện pháp hành chính về lãi suất khi có điều kiện.

Trong thời gian tới, khi kinh tế thế giới hậu đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đối mặt với nhiều rủi ro trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, thương mại giữa các nước lớn leo thang, thế giới đối mặt với kỷ nguyên lạm phát mới… Thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế bất ổn theo sự luân chuyển của dòng vốn trong xu thế phân cực mạnh mẽ trên thế giới và điều hành CSTT của các NHTW phải liên tục thay đổi trạng thái để ứng phó với diễn biến kinh tế vĩ mô khó lường.

Ở trong nước, dù kinh tế Việt Nam vẫn có những lợi thế tích cực như dự kiến tiếp tục nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh trên thế giới nhưng, độ mở của nền kinh tế ở mức cao, khiến nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro từ diễn biến phức tạp của kinh tế và thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu. Mặt khác, nhu cầu vốn tiếp tục gia tăng nhanh chóng, xu hướng tiết kiệm và tiêu dùng thay đổi phần nào thay đổi cơ cấu hoạt động của hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, nền kinh tế sẽ bước vào kỷ nguyên phát triển và ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ trên mọi mặt… Theo nhóm nghiên cứu, bối cảnh này cho thấy sẽ có những thay đổi lớn trong cấu trúc thị trường tài chính, tiền tệ, tác động lên số nhận tiền và vòng quay tiền tệ. Từ đó tác động lên hiệu ứng truyền tải CSTT cũng như hiệu quả của CSTT trong việc thực hiện mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát.

Vì vậy, bà Bình cho biết, theo khuyến nghị của IMF các điều kiện để NHNN có thể áp dụng để chuyển đổi từ điều hành từ lượng sang giá đó là thị trường tiền tệ cần hoạt động hiệu quả, thông suốt và truyền dẫn lãi suất đến nền kinh tế. NHNN cần được đạt mức độ độc lập nhất định trong điều hành và quyết định các vấn đề liên quan đến CSTT để theo đuổi mục tiêu lạm phát và giảm áp lực thực hiện các mục tiêu khác; NHNN có khả năng dự báo cầu thanh khoản thị trường tiền tệ để đáp ứng kịp thời, giúp giữ ổn định thị trường theo mục tiêu đặt ra.

Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp hoàn thiện các công cụ CSTT của NHNN thời gian tới. Cụ thể, xác định lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở là lãi suất chính sách; thiết lập hành lang cho lãi suất liên ngân hàng; Xây dựng mô hình dự báo lãi suất chính sách trên cơ sở mô hình kinh tế vĩ mô theo quý; Điều hành công cụ lãi suất theo cơ chế hành lang lãi suất; điều hành công cụ tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ khác; điều hành công cụ tái cấp vốn nhằm hỗ trợ vốn với thời hạn ngắn...

Ngoài ra, để nâng cao tính thị trường của các công cụ CSTT, nhóm nghiên cứu đề xuất cần từng bước nới lỏng và tiến tới bỏ trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay; nới lỏng việc áp dụng và tiến tới bỏ biện pháp thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top