Aa

Nâng cao nhận thức của người dân về an toàn, phòng chống cháy nổ là vấn đề cốt lõi

Thứ Bảy, 10/04/2021 - 06:30

Phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư, hiện chưa được quan tâm đúng mức.

Rất nhiều vụ cháy gây thiệt hại cho người và của thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn, nhưng vấn đề lối thoát an toàn vẫn bị xem nhẹ. Các chuyên gia nhận định, ngoài thực hiện tốt các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) thì việc nâng cao nhận thức của người dân về an toàn, phòng chống cháy nổ mới là vấn đề cốt lõi.

Nâng cao nhận thức của người dân về an toàn, phòng chống cháy nổ là vấn đề cốt lõi
Nhiều ý kiến cho rằng: Cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong công tác PCCC, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình cũng như những người xung quanh.

Từ nhiều năm nay, trên địa bàn các thành phố lớn thường xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đa phần những vụ cháy nổ đều xảy ra ở khu vực mặt bằng chật hẹp là kho hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong khu dân cư hoặc nhà dạng ống để ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ…

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC và đề cao trách nhiệm của toàn dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của của Nhà nước cũng như cá nhân, tổ chức… tháng 11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP - Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Phóng viên đã có ghi nhận ý kiến từ chính quyền một số địa phương liên quan đến việc thực hiện Nghị định 136 trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Liên quan đến việc đảm bảo PCCC tại các cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp nhà ở riêng lẻ, bà Nguyễn Thanh Lương - Chủ tịch UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa) chia sẻ: Tùy vào quy mô và tính chất mà cơ sở hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý của cấp nào thì cấp đó sẽ thực hiện. Về phía UBND phường, theo phân cấp tại Phụ lục III và IV Nghị định 136 về công tác phối hợp, phường Phương Liên đã thực hiện theo thẩm quyền được phân cấp tại Nghị định 136. Danh mục cơ sở do UBND phường quản lý được quy định rất rõ trong Nghị định 136, từ đó bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an và thực hiện phân cấp tối đa việc quản lý cho cấp cơ sở để nâng cao trách nhiệm, vai trò của chính quyền các cấp trong công tác phòng cháy và chữa cháy.

Ngoài ra, Chủ tịch phường Phương Liên cho biết: Đối với những hộ dân tự ý cơi nới, làm chuồng cọp gây ảnh hưởng đến công tác PCCC thì UBND phường phối hợp với Đội PCCC và cứu hộ cứu nạn của Công an quận Đống Đa, thường xuyên kiểm tra và rà soát đồng thời tuyên truyền. Thông thường, mỗi một hộ dân có công trình hay có nhà ở thường phải có hai lối thoát hiểm. Tuy nhiên cho đến hiện nay, rất nhiều gia đình chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất, đây cũng là một bất cập.

Vì thế, UBND phường Phương Liên thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị cho bản thân, gia đình, căn hộ của mình những phương tiện PCCC để tự phòng cho mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt là cần trang bị cho từng thành viên trong gia đình kỹ năng thoát nạn trong những tình huống khẩn cấp xảy ra.

Chia sẻ về những điểm nổi bật của Nghị định 136, ông Hồ Việt Phúc - Phó Chủ tịch phường Sài Đồng, quận Long Biên cho biết: Khi Nghị định 136 ban hành đã quy định rõ vấn đề phân cấp quản lý và chịu trách nhiệm. Về nhóm hộ gia đình kết hợp kinh doanh được phân cấp cho chính quyền nhận trách nhiệm. Đến nay, UBND phường Sài Đồng đã tiến hành nhận ban giao từ Công an quận Long Biên. Hiện nay, trên địa bàn phường có khoảng 300 hộ kinh doanh kết hợp nhà ở, chưa kể những cơ sở sản xuất thuần túy (phế liệu, may mặc…).

Bước đầu, trên cơ sở Nghị định và được tập huấn, phường Sài Đồng đã xây dựng kế hoạch và thành lập các Ban chỉ đạo, tổ cơ động gắn với PCCC tại khu dân cư. Kèm theo đó, phường tiến hành điều tra cơ bản những cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Không chỉ vậy, phường đã và đang tiến hành ký với các hộ nhà ở kết hợp kinh doanh cam kết đảm bảo an toàn PCCC và chịu trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề liên quan đến cháy nổ.

Ông Hồ Việt Phúc cũng đánh giá: Cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, khi ý thức của họ tốt hơn, họ sẽ tự giác chấp hành và tuân thủ các biện pháp nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình. Trước khi có Nghị định 136, phường Sài Đồng vẫn tuyên truyền cho người dân thường xuyên và hướng dẫn họ xử lý những tình huống thực tế, giảm thiệt hại tài sản cũng như con người. Để thói quen, quy định đi vào cuộc sống thì mới thực sự hiệu quả, chứ nếu chỉ xử phạt không thật sự hiệu quả và có tác dụng. Để đảm bảo an toàn PCCC, cần phải nâng cao ý thức người dân, cần phải cảnh giác, không được chủ quan. Do đó, cần phân tích cho người dân hiểu rõ nguy cơ cháy nổ, hướng dẫn họ những biện pháp phòng và xử lý khi cháy, nổ.

Tại phường Sài Đồng, hàng năm đều có kế hoạch tuyên truyền đến người dân thông qua Hội nghị chung, kèm Nghị quyết chuyên đề. Trên cơ sở đó, biên soạn một số nội dung chính cụ thể, hướng dẫn đến các tổ dân phố và đến tận tay người dân, hạn chế cháy nổ, thực hiện theo đúng quy định. Phối hợp với PCCC của quận, trực tiếp đến các khu dân cư, thực tế diễn tập - chọn phương án diễn tập khó nhất là PCCC trong ngõ nhỏ.

Phó Chủ tịch phường Sài Đồng cũng bày tỏ, quận Long Biên rất quan tâm vấn đề này và đã trang bị cho tất cả các phường dụng cụ PCCC tại chỗ và các máy bơm công suất cao cơ động, các họng nước… từ đó giúp công tác PCCC trên địa bàn đạt hiệu quả tốt hơn. Không chỉ vậy, phường Sài Đồng cũng tổ chức các đội xung kích về công tác PCCC trên 100% các tuyến phố.

Tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), theo thông tin từ ông Phạm Việt Cừ - Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa: UBND phường thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo công tác PCCC tại cơ sở và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Ngay từ đầu năm, phường đã xây dựng các kế hoạch để tuyên truyền, tập huấn về công tác PCCC cho các cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn PCCC, hàng năm chúng tôi đều phối hợp với Công an quận Đống Đa tuyên truyền, tập huấn tại các khu dân cư, tổ dân phố và phối hợp tổ chức các cuộc diễn tập về PCCC trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, UBND quận Đống Đa, để đảm bảo công tác PCCC hàng năm chúng tôi đã ký cam kết và phát tờ rơi đến các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh kết hợp với nhà ở gia đình. Năm 2021, chúng tôi in 10.000 quyển hướng dẫn về các nghiệp vụ cơ bản liên quan đến công tác PCCC phát đến các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đóng trên địa bàn. Trong 3 năm trở lại đây không có vụ cháy nào xảy ra trên địa bàn phường.

Trước những vụ cháy thương tâm gây thiệt hại lớn về người và của, người dân TP. Hà Nội cũng rất lo lắng về công tác đảm bảo an toàn PCCC.

Trao đổi với phóng viên, bác Dung - kinh doanh thực phẩm ở quận Hai Bà Trưng nói: Khi thấy cháy nổ ở nhiều nơi, chúng tôi cũng rất lo lắng. Với cơ sở nhỏ này của tôi, mỗi khi về, tôi đều kiểm tra hệ thống điện kỹ càng. Qua những vụ cháy gần đây, tôi sẽ cẩn thận hơn trong các công tác PCCC và tự sắm cho gia đình mình những bình chữa cháy mini cũng như cắt bớt chuồng cọp để mở lối thoát hiểm nếu có.

Bác Đăng Hùng - Kinh doanh văn phòng phẩm, tạp phẩm, quà lưu niệm quan ngại: Tôi nghĩ mỗi hộ kinh doanh đều phải có ý thức bảo vệ tài sản của mình, đặc biệt đối với tôi, kinh doanh những mặt hàng rất dễ bắt lửa. Trước khi đóng cửa hàng ra về thì cầu dao điện của cửa hàng luôn được tắt hết và kiểm tra kỹ những vật dụng có thể bắt cháy như hương, nhang chứ bây giờ để cháy ra thì coi như mất hết tài sản. Tôi luôn luôn ý thức tự bảo vệ và nhắc nhở mọi người về các công tác PCCC. Nhà tôi thì không có chuồng cọp hay cơi nới, nhưng trước khi ra khỏi nhà tôi luôn nhắc nhở vợ và con tắt bếp và khóa ga cẩn thận, gia đình tôi sử dụng hệ thống aptomat tự đống ngắt điện trong trường hợp chập, cháy điện.

Các chuyên giá đánh giá: Hầu như các công trình nhà ở được sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh không chú ý đến các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC: Không có lối thoát nạn, không được trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy, không bố trí đèn chiếu sáng sự cố… Vì vậy, đám cháy không được phát hiện sớm, không được chữa cháy kịp thời gây cháy lan và cháy lớn. Việc trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy là hết sức quan trọng. Song, hiện nay nếu hỏi đến công dụng của từng loại bình chữa cháy nhiều người cũng không rõ chứ chưa nói tới cách sử dụng. Thậm chí, số điện thoại khẩn cấp cần gọi khi xảy cháy nhiều người còn chưa nhớ. Do vậy, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của chủ sử dụng công trình. Ngoài cửa sổ, lỗ thoáng để thông khí, cần tính đến thiết kế lối thoát hiểm khi có sự cố. Tuy nhiên, thực tế ở các đô thị cũ là ngõ nhỏ, phố nhỏ, diện tích nhỏ, nhà đất liền kề san sát, phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận. Dù thế, người dân sinh sống trong điều kiện như vậy càng cần quan tâm đặc biệt đến việc thoát hiểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top