Đất nông nghiệp được đền bù cao nhất lên tới 35 lần giá nhà nước
Cụ thể, theo quyết định vừa được UBND TP.HCM ban hành, áp dụng từ 25/8, đất ở tuỳ quận huyện có hệ số điều chỉnh gấp 2 - 15 lần so với giá nhà nước. Khu vực có hệ số cao nhất, tối đa 15 lần, là huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, TP. Thủ Đức.
Với hệ số điều chỉnh này, đất mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1, hệ số 4 - 5 lần) giá nhà nước (giai đoạn 2020 - 2024) là 66 triệu đồng/m² sẽ được xây dựng giá thương lượng bồi thường 264 - 330 triệu đồng/m². Tương tự, đất mặt tiền đường Phạm Hùng (huyện Nhà Bè, hệ số 8 - 15 lần) giá nhà nước 3 triệu đồng/m² sẽ được xây dựng giá bồi thường ở mức 24 - 45 triệu đồng/m².
Đất nông nghiệp tại TP.HCM có hệ số cao 5 - 35 lần giá nhà nước, nơi có hệ số cao nhất, tối đa 35 lần gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11. Hệ số điều chỉnh giá đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của đất thương mại, dịch vụ tính bằng 80% giá đất ở liền kề; đất nghĩa trang, nghĩa địa, giáo dục, y tế, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian tính bằng 60% giá đất ở liền kề. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp tình bằng 60% giá đất ở liền kề.
Vị trí đất ở và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì bồi thường theo vị trí. Trong quá trình thực hiện, tùy điều kiện cụ thể của dự án, UBND TP. Thủ Đức và quận, huyện sẽ rà soát mục đích sử dụng đất, vị trí, tuyến đường với các dự án đã được UBND TP phê duyệt trong khoảng thời gian không quá 1 năm tại địa phương để cân đối với hệ số điều chỉnh để đưa hệ số cụ thể vào phương án bồi thường, hỗ trợ lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi.
Gỡ khó cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng
Bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án luôn là vấn đề khó khăn của TP.HCM từ trước tới nay. Trong thời gian qua, việc định giá đất theo khung giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật trên thị trường, dẫn đến khâu giải phóng mặt bằng, giao đất cho dự án gặp vướng mắc, làm phát sinh vụ việc người dân không đồng tình, khiếu kiện kéo dài. Điều này khiến nhiều dự án chậm tiến độ, ngưng trệ, gây lãng phí lớn nguồn lực đất đai.
Có thể kể đến dự án Khu đô thị Tây Bắc huyện Củ Chi, TP.HCM được thành phố xác định đây là khu đô thị mới hiện đại, sinh thái, phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo môi trường sống tốt. Thành phố đã tiến hành lập và phê duyệt 11 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trong toàn bộ khu đô thị Tây Bắc; tập trung kêu gọi đầu tư, thực hiện nhiều giải pháp, từ cơ chế chính sách, các giải pháp quản lý. Tuy nhiên, đến nay khu đô thị này vẫn chưa triển khai được theo quy hoạch được duyệt. Nguyên nhân là do việc đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu trong ranh giới quy hoạch khu đô thị chưa thực hiện được, dẫn đến tình trạng bức xúc, khiếu kiện. Đặc biệt là khu vực tập trung các hộ dân đã sinh sống từ trước dọc theo quốc lộ 22, với tổng diện tích khoảng 1.674,2ha. Quy hoạch "treo" kéo dài nhiều năm nay đã ảnh hưởng không ít đến đời sống người dân cũng như công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn huyện. Quyền lợi chính đáng về đất đai, nhà cửa của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Không những vậy nguồn lực đất đai bị lãng phí lớn.
Ngay trên địa bàn TP. Thủ Đức cũng còn nhiều dự án "đắp chiếu" trong nhiều năm qua vì vướng mặt bằng. Đó là chùm 3 dự án giao thông là cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Long Đại với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, đáng ra phải hoàn thành cách đây 2 - 3 năm nhưng giờ vẫn chưa biết khi nào mới xong. Việc chưa thống nhất giá bồi thường giải phóng mặt bằng với người dân có đất bị thu hồi khiến việc bàn giao mặt bằng chậm tiến độ và các dự án phải "đắp chiếu" thời gian dài. Thực trạng trên cũng là khó khăn chung của các dự án hạ tầng trên địa bàn TP.HCM cũng như cả nước.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã, hệ số điều chỉnh giá đất do thành phố ban hành nhằm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. So với năm 2021, hệ số năm nay được đánh giá cụ thể và sát thực tế hơn; hệ số điều chỉnh giá đất ở đô thị cao hơn những năm trước. Quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho một dự án, các cơ quan chức năng phải định giá đất cụ thể cho khu vực chuẩn bị giải phóng mặt bằng để xây dựng dự thảo phương án bồi thường. Sau đó, dự thảo phương án này được đưa ra lấy ý kiến của người dân và tiếp thu điều chỉnh cho phù hợp. Từ nay, các địa phương sẽ sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất này để xây dựng dự thảo phương án bồi thường, đưa ra lấy ý kiến của người dân, không phải thẩm định giá cho từng dự án cụ thể. Áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất này sẽ rút ngắn được thời gian lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các dự án./.