Aa

Nâng khả năng chống chịu của đô thị

Thứ Sáu, 17/03/2023 - 13:00

Không chỉ đóng góp hơn 70% Tổng sản phẩm trong nước (GDP), khu vực đô thị còn là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và là nơi tập trung đông dân cư, công trình quan trọng, có giá trị.

Vì vậy, khi thiên tai cực đoan xảy ra, mức độ thiệt hại tại khu vực đô thị thường rất lớn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao khả năng chống chịu, ứng phó hiệu quả với các hiểm họa thiên tai và biến đổi khí hậu cho khu vực đô thị là hết sức cần thiết.

Thành phố Hà Nội tập trung phát triển hệ thống đô thị xanh, bền vững, bảo đảm tính kết nối để thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Đô thị phát triển chưa bền vững

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Việt Nam đã hưởng thụ thành quả của quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh thời gian qua. Diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng cùng sự tăng trưởng về chất lượng cuộc sống và kinh tế đô thị. Đô thị hóa đã tạo ra khu vực đô thị với không gian kinh tế được mở rộng, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hạ tầng phát triển thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Tăng trưởng kinh tế đô thị bình quân ở mức 12 - 15%/năm, gấp 1,2 - 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực đô thị thấp hơn gần 3 lần khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, bên cạnh mặt tích cực trong phát triển đô thị, Việt Nam đang phải đối mặt với những hệ lụy từ sự phát triển nhanh, chưa bảo đảm bền vững. Những hạn chế của việc phát triển đô thị hiện nay là: Đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; hệ thống đô thị phân bố và phát triển thiếu cân đối, thiếu sự liên kết, chưa phát huy tốt vai trò động lực, dẫn dắt trong phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng...

Đặc biệt, về điều kiện tự nhiên, Việt Nam hiện thuộc nhóm 10 nước chịu nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét... và cũng là những nước dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước lịch sử liên tục tăng lên trong mấy năm gần đây. Cụ thể như mực nước đỉnh triều ở thành phố Cần Thơ năm 2022 đạt 2,27m, cao hơn các đỉnh triều cũ xảy ra năm 2019 là 2,25m và năm 2018 là 2,23m. Tại miền Trung, đợt lũ lớn trái mùa xảy ra vào tháng 4/2022 đã gây thiệt hại nặng nề cho các đô thị. Tại Thủ đô Hà Nội, trong những năm gần đây, các trận mưa với lưu lượng lớn liên tục xảy ra, gây úng ngập nặng tại nhiều khu vực, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Lực lượng chức năng xử lý úng ngập tại đường Đàm Quang Trung (quận Long Biên). (Ảnh: Nguyễn Quang)

Xây dựng khung khả năng chống chịu

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Việt Nam đã xác định quan điểm và định hướng phát triển đô thị bền vững, xây dựng các đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, định hướng phát triển hệ thống đô thị bền vững, bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh...

Để nâng cao “sức đề kháng” khu vực đô thị, ông Vũ Cảnh Toàn (Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội - ISET) cho rằng, cần thiết xây dựng khung khả năng chống chịu cho đô thị. Đây cũng là giải pháp được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng. Trong đó, cần xác định các hiểm họa thiên tai liên quan đến khí hậu ở hiện tại và trong tương lai, đánh giá tác động, thiệt hại do các hiểm họa này gây ra, từ đó xác định các nguồn lực, năng lực và thể chế để ứng phó, giải quyết các hạn chế chính. Khung khả năng chống chịu của đô thị được cấu trúc xung quanh 4 nhóm lĩnh vực quan trọng, gồm: Sức khỏe và phúc lợi; kinh tế và xã hội; cơ sở hạ tầng và môi trường; lãnh đạo và chiến lược. Việc đánh giá dựa trên 50 chỉ số gắn với các yếu tố thúc đẩy, như chỉ số “kế hoạch ứng phó khẩn cấp”, “sử dụng tối ưu cơ sở hạ tầng thiết yếu”...

Trong khi đó, GS.TS.KTS. Đỗ Hậu (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) đưa ra giải pháp sử dụng bộ công cụ hạ tầng xanh nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại khu vực đô thị. Bộ công cụ hạ tầng xanh gồm các dòng kênh, mương mở phủ thảm thực vật, dùng để thoát nước; cảnh quan hấp thụ nước là những vùng trũng thấp có cây cỏ, có thể làm giảm tốc độ và khối lượng dòng chảy tràn về; hố cây thấm nước; vỉa hè, lòng đường thấm nước; hồ ao lưu giữ nước; bể lưu giữ nước tạm thời và lưu trữ tiêu giảm...

Nhằm xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho hay, Chính phủ đã xác định tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đây là công cụ có vai trò nền tảng để tổ chức không gian, mô hình phát triển đô thị hiệu quả, hướng đến tối ưu hóa nguồn lực đất đai, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. Đồng thời, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp thoát nước, chống ngập úng trong đô thị; chú trọng bảo đảm các không gian xanh, không gian công cộng...

"Các nhóm nhiệm vụ này sẽ do địa phương thực hiện nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa, số lượng đô thị, chất lượng đô thị, cây xanh, giao thông và nhà ở đô thị. Các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xây dựng chương trình tổng thể quốc gia cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị", Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top