Là một điều rất quan trọng cho con người. Trong xã hội hiện đại, mỗi ngày mỗi giờ mỗi giây, con người được tiếp xúc với vô vàn những thông tin, tiêu cực và tích cực. Đặc biệt là thời gian gần đây, sự phổ biến của điện thoại thông minh smartphone đã làm bùng nổ các hoạt động trên mạng xã hội. Mỗi trang thông tin cá nhân bỗng nhiên thành ra như một tờ báo. Truyền thông xã hội ra đời với sự tham gia của rất, rất nhiều người. Chỉ cần trong tay có một cái smartphone, kết nối mạng internet, là bất cứ người nào cũng trở thành “người đưa tin”, “nhà báo” trên trang cá nhân của mình. Tung thông tin về các sự kiện ra cho cả thế giới biết. Và thế là hàng ngày hàng giờ, một biển thông tin, sự kiện, bình luận - “comment” bùng nổ liên tục. Thông tin ào ạt như lớp sóng biển, sóng nọ liên tục đè sóng kia, lớp lớp không ngừng nghỉ…
Vấn đề đặt ra, những núi thông tin kia đổ xuống đầu người tiếp nhận- người dùng mạng xã hội, sẽ đưa lại những hiệu ứng gì? Dĩ nhiên là người đưa tin, đồng thời cũng là những người tiếp nhận thông tin sẽ phải có phản ứng trước những tin tức về các sự kiện và kèm theo những bình luận chủ quan, khách quan của cộng đồng mạng. Người ta sẽ có phản ứng như thế nào, khi mà có cảm giác rằng trên mạng xã hội, tiêu biểu là Facebook, hiện nay có quá nhiều những thông tin tiêu cực. Thông tin về những vụ án mạng kinh hoàng, liên tiếp xảy ra khiến cho như muốn mất lòng tin về con người.
Thông tin về những vụ tai nạn giao thông khiến cho chúng ta cảm thấy bất an khi lưu thông trên đường. Thông tin về dịch bệnh hoành hành, thậm chí khiến cho con người ta lo âu đến hoảng loạn. Thông tin về những vụ tham nhũng ngàn tỷ liên tiếp được phanh phui, khiến cho ta mất lòng tin vào sự thừa hành công vụ của các quan chức. Nó thậm chí khiến cho xã hội hình thành một cái tâm lý, nhìn vào bất cứ hành động nào của các quan chức chính quyền cũng nghi ngờ, họ liệu có chấm mút gì ở đây không? Tất cả những điều đó nó vô hình, truyền cho người tiếp nhận thông tin một trường năng lượng tiêu cực, nó khiến cho người ta nảy sinh những cảm xúc chán nản, u uất, thấy cuộc sống sao mà nặng nề đen tối đến vậy.
Nhưng rõ ràng cuộc sống không chỉ có những điều nặng nề đen tối u ám mà các Facebooker hay khai thác. Mà không chỉ các Facebooker đâu, hiện có rất nhiều cơ quan truyền thông chính thống cũng đang bị sa đà quá nhiều vào các tin giật gân kiểu “cướp - giết - hiếp”, để câu view. Những kiểu thông tin như vậy rõ ràng là đã truyền cho xã hội một trường năng lượng tiêu cực!
Thật may mắn, trong những ngày đầu xuân năm mới khi bầu trời cả nước đang u ám vì khí lạnh và bệnh dịch, qua mạng xã hội chúng ta được chứng kiến những hành động anh hùng quả cảm từ những con người thiện lương. Thiện lương từ trong bản chất, căn cốt xương tủy. Những hành động cua họ đã truyền cho cả nước một trường năng lượng tích cực, khiến cho chúng ta có niềm tin hơn vào cuộc sống: rằng xã hội luôn hiện diện những con người tốt. Xung quanh ta, sự tốt đẹp vẫn luôn là chủ đạo, cái thiện vẫn luôn thắng cái ác.
Đó là hành động của ba người đàn ông mà nước Việt cần phải nhớ và vinh danh tên tuổi họ: anh Phạm Văn Phó, nhân viên một nhà hàng trong Quảng Ngãi tại bờ biển, thấy người đuối nước vội lao ra biển cứu. Tiếc là anh không cứu được mà bản thân lại bị sóng cuốn thiệt mạng.
Anh Trần Văn Tròn ở Quảng Nam, nhìn thấy 4 em nhỏ bị sóng cuốn ra xa, đã lao xuống cứu kịp thời được ba em. Anh chỉ tiếc là không có thêm người hỗ trợ lúc đó thì có thể đã cứu được cả em kia. Tại Hà Nội, anh Nguyễn Ngọc Mạnh, thấy mọi người hô hoán về em bé sắp rơi từ tầng cao, anh đã không một giây lưỡng lự, lao lên mái tôn tìm cách đón cháu bé…
Cả ba anh Phạm Văn Phó, Trần Văn Tròn, Nguyễn Ngọc Mạnh khi lao vào cứu người, họ có suy nghĩ gì không? Dĩ nhiên là có. Nhưng trong đầu họ lúc đó chỉ bùng lên một suy nghĩ là: Làm thế nào để cứu bọn trẻ thoát nạn thôi. Suy nghĩ ấy chỉ có thể bùng lên tức khắc từ những con người mà bản chất họ thiện lương. Họ là người tốt từ trong căn cốt xương tủy, chứ không phải cố làm điều tốt. Họ hành động tức thời như một bản năng. Thấy người khác bị hoạn nạn là ra tay giúp đỡ, như một lẽ tự nhiên mà thôi. Họ có thể thành công. Họ có thể không thành công. Thậm chí phải hy sinh cả tính mạng mình như anh Phạm Văn Phó.
Thế nhưng những hành động của họ đã thực sự gây xúc động mạnh cho nhân dân cả nước. Họ đã truyền cho mọi người một luồng năng lượng tích cực, mạnh mẽ. Họ khiến cho chúng ta tin yêu hơn vào cuộc đời, khiến cho dù vẫn đang phải sống trong khó khăn. Ta bỗng thấy bầu trời sắp nắng ấm, dịch bệnh sắp lùi xa. Trong ta nhân lên niềm tin rằng, rốt cuộc mọi sự vẫn phải đi theo lẽ thông thường của cuộc đời: cái tốt đẹp luôn nhiều hơn cái xấu xa, cái thiện lương luôn thắng cái ác độc. Có như thế xã hội mới ngày một tốt đẹp lên. Đất nước mới ngày một tiến về phía văn minh sáng rỡ. Và cuộc đời mỗi chúng ta mới mỗi ngày thêm đáng sống.
Cảm ơn những người đàn ông nước Việt: Phạm Văn Phó, Trần Văn Tròn, Nguyễn Ngọc Mạnh. Các anh đã truyền một nguồn năng lượng tích cực cho mọi người trên đất nước này.