Chủ trương thanh tra nhằm mục đích minh bạch hóa, tránh làm thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời làm cho thị trường phát triển minh bạch hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thanh tra và đưa ra quyết định thu hồi dự án nếu không có đủ cơ sở pháp lý, không dựa trên sự công bằng và thượng tôn pháp luật ắt sẽ gây ra “cú sốc” lớn cho doanh nghiệp và kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.
Doanh nghiệp hoang mang
Đầu tư cả nghìn tỷ đồng, đặt cả số phận của doanh nghiệp vào dự án nhưng nhiều doanh nghiệp địa ốc đang phải nhận “cú sốc” bị thu hồi, đình chỉ sau khi cơ quan chức năng thanh tra và phát hiện ra sai phạm trong quá trình mua bán, chuyển nhượng đất đai. Vấn đề đặt ra, khi mảnh đất đã “qua tay” nhiều chủ, giá trị đã ngang hàng với giá thị trường, doanh nghiệp cuối cùng có được miếng đất thông qua mua bán hợp pháp hay được giao, thuê đất lại là đối tượng phải gánh chịu mọi thiệt thòi khi miếng đất ấy bị thanh tra và có sai phạm.
Cuối năm 2018, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng đình chỉ hoạt động xây dựng tại dự án Charmington Iris ở 76 Tôn Thất Thuyết, P.16, quận 4 TP.HCM, đồng thời thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp cho dự án theo quy định. Lý do của việc thu hồi này, theo UBND TP.HCM là Công ty TNHH Đầu tư Sabeco (Sabeco HP) báo cáo không chính xác về tài sản sử dụng trên đất của khu đất và ý kiến của UBND quận 4 là đất trống, trong khi thực tế vẫn còn 14 hộ dân đang cư ngụ. Quyết định thu hồi dự án có vốn đầu tư hơn 1400 tỷ đồng đã khiến cho doanh nghiệp và những người mua nhà tại dự án “đứng ngồi không yên”.
Đại diện Sabeco HP khẳng định doanh nghiệp này đã thực hiện đúng pháp luật, tuân thủ các thủ tục hành chính do Nhà nước quy định, đã được cấp giấy phép xây dựng và đang được xây dựng theo giấy phép. Ngày 13/3/2018, Công ty Sabeco HP cũng đã hoàn tất toàn bộ nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất) cho dự án theo công văn xác nhận của Chi Cục thuế quận 4 số 973/CV-CCT ngày 15/3/2018. Hiện dự án đã triển khai thi công xong phần móng, chuẩn bị đóng nắp hầm vào ngày 25/1 tới. Do đó nếu bị thu hồi, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn. "Mong muốn của Sabeco HP là được tiếp tục triển khai dự án", bà Nguyễn Thị Phước, tổng giám đốc công ty Sabeco HP cho biết.
Một dự án khác cũng đã từng rơi vào tầm ngắm thu hồi, khiến chủ đầu tư đứng trước nguy cơ phá sản đó là dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Tháng 6/2011, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng 4.896m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.
Giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất này (số 8 Lê Duẩn) được phê duyệt ở mức hơn 621,7 tỷ đồng. Đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn được TP xác định hơn 3,5 triệu/m2/năm. Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue cũng đã nộp số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước hơn 700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 11/12 vừa qua, UBND TP.HCM ban hành quyết định về việc thu hồi khu “đất vàng” này do UBND TP.HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất, khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó. Công ty CP đầu tư Lavenue cho biết, ước tính đến nay đã chi xấp xỉ 1.500 tỷ đồng để thực hiện dự án, trong đó có 624 tỷ nộp tiền sử dụng đất, gần 150 tỷ thuê tư vấn nước ngoài và 687 tỷ tiền lãi vay. Lavenue cho rằng, nếu dự án bị thu hồi, công ty sẽ phá sản, cán bộ nhân viên sẽ mất việc làm.
Đó là những minh chứng điển hình trong rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc thu hồi dự án khác đang khiến dư luận hoang mang trong thời gian gần đây. Nhiều thương vụ chuyển nhượng tài sản nhà nước đã được xác định là thiếu căn cứ pháp lý, trái thẩm quyền, không đúng quy trình, thủ tục, hoặc do có tham nhũng, tiêu cực, chẳng hạn như thương vụ bán đất của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (TP.HCM), bán sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), bán Cảng Quy Nhơn…, do đó Nhà nước muốn thu hồi lại tài sản đã bán.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thu hồi lại dự án đã mua bán chuyển nhượng là vấn đề phức tạp, doanh nghiệp có thể bị đẩy vào thế khó, đồng thời gây ra những hệ lụy khó lường. “Nếu như các dự án đó mới chuyển giao lần đầu thì giải quyết đơn giản nhưng đã mua đi bán lại, chuyển nhượng từ một số chủ đầu tư thì sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh ở đó. Hầu hết những dự án này đều liên quan đến mua bán đất công của nhà nước, dính dáng đến những vụ án khác nhau. Bây giờ, khi mở ra xem lại mới thấy các dự án đó có gây thiệt hại cho nhà nước và đất đai được chuyển nhượng mua bán không theo quy luật thị trường. Đối tượng chịu thiệt không ai khác chính là người mua (chủ đầu tư) sau cùng. Nhất là khi chủ đầu tư đã bỏ nhiều công sức, tiền của để triển khai dự án, còn người dân cũng thậm chí phải đi vay ngân hàng để đặt cọc tiền nhà cho chủ đầu tư. Cho nên, việc dự án bị bỗng nhiên bị dừng lại, bị thu hồi ắt sẽ gây tâm lý hoang mang cho doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp cũng đứng trước nguy cơ mất trắng”, chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Trịnh cho biết.
Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh, đây là một cuộc tranh chấp pháp lý phức tạp có nhiều vấn đề đặt ra và chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp. “Rõ ràng công tác thanh tra, kiểm tra mà phát hiện ra sai phạm ở giai đoạn trước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp nhận dự án sau cùng. Việc xử lý hậu quả chắc chắn sẽ rất nan giải. Thiệt hại cho xã hội cũng rất lớn, kể cả người dân cũng sẽ ảnh hưởng”, đại biểu Xuyền cho hay.
Không thể thanh tra, xử lý theo kiểu “ném đá dò đường”
Các chuyên gia cho rằng, việc thanh tra và phát hiện ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai là điều nên làm và phải làm nhằm đảm bảo tính minh bạch trên thị trường, đồng thời chống tham nhũng đất đai, tránh việc làm thất thoát tài sản nhà nước. Tuy nhiên, việc thanh tra cũng như thu hồi những tài sản đã bán nhưng có sai phạm phải được tiến hành dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng, cân nhắc giữa lợi ích kinh tế của nhà nước và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp chứ không thể làm theo kiểu “ném đá dò đường”, “túng quá hóa quẩn” khiến cho “trăm dâu đổ đầu doanh nghiệp”. Việc thanh tra phải làm cho mọi thứ tốt lên chứ không phải là gây ra hệ lụy, sau đó mới đi tìm giải pháp.
Theo Đại biểu quốc hội Bùi Văn Xuyền, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi quyết định xử lý sai phạm phải đảm bảo trên cơ sở lợi ích chung, dựa trên quyền lợi của tổ chức, cá nhân có liên quan để tránh gây hậu quả. Còn nếu chỉ vì cái lợi trước mắt mà phá vỡ nguyên tắc thượng tôn pháp luật thì cái mất về lâu dài sẽ rất lớn. Theo đó, các kết luận thanh tra phải đúng pháp luật và phải đảm bảo có đủ căn cứ pháp lý: “Nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm, ai sai phạm thì xử lý người đó, đảm bảo kỷ cương pháp luật nhưng phải linh hoạt tùy theo từng vụ việc cụ thể mà tìm ra phương án xử lý tối ưu nhất để tránh gây thiệt hại cho xã hội, giải quyết được hậu quả của nó và đặc biệt là không gây cú sốc quá lớn cho doanh nghiệp khi dự án bị thu hồi”.
Bên cạnh đó, ông Xuyền cho rằng, khi sai phạm của dự án không liên quan đến chủ đầu tư hiện tại, việc mua bán chuyển nhượng dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chứng nhận hợp pháp, thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục hoặc trong trường hợp kết luận thanh tra không có đủ cơ sở pháp lý, doanh nghiệp có thể khiếu kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng thừa nhận, việc thu hồi cũng còn nhiều vấn đề phức tạp và phải xem xét. “Quan trọng nhất là việc mua bán mảnh đất đó có hợp pháp hay không. Nếu là mua bán bất hợp pháp thì hoàn toàn có cơ sở pháp lý để thu hồi. Tòa án sẽ là người quyết định ai là người phạm tội, ai phải trả tiền cho ai. Mảnh đất đã qua bao nhiêu chủ mua bán rồi thì vấn đề quan trọng là giải quyết thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp và xã hội. Đó là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Nếu quá trình “hồi tố” được tiếp tục, chắc chắn danh sách doanh nghiệp rơi vào "tầm ngắm" sẽ còn kéo dài. Theo một chuyên gia kinh tế, vấn đề mà Nhà nước đang gặp phải là việc khắc phục hậu quả các sai phạm. Việc thu hồi tài sản chỉ diễn ra dễ dàng hơn khi bên bán (đại diện cho nhà nước) và bên mua ( doanh nghiệp tư nhân) tự nguyện hủy bỏ hợp đồng sai khi có kết luận của cơ quan thanh tra. Nhưng ít có bên mua nào chấp nhận chịu thiệt trong mối quan hệ dân sự như thế, trừ khi chịu sức ép rất lớn. Bởi ngoài lý do kinh tế, khi hủy hợp đồng đã ký kết, uy tín của doanh nghiệp sẽ bị tổn hại. Thoái lui đồng nghĩa với việc thừa nhận doanh nghiệp làm sai hay có những hoạt động kinh doanh mập mờ, thiếu minh bạch. Khi đó, việc xử lý vấn đề liên quan đến tài sản nhà nước sẽ phải do tòa án quyết định. Quá trình này không đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ chắc chắn thu hồi lại tài sản đã bán.
Theo vị chuyên gia này, khi tham gia vào hoạt động kinh tế, Nhà nước phải tham gia cuộc chơi như các chủ thể kinh tế khác, đó là tuân theo nguyên tắc thuận mua vừa bán và được bình đẳng về quyền lợi trước pháp luật. Quyết định kinh doanh trong nền kinh tế thị trường luôn hàm chứa rủi ro, bên bán không thể “đòi lại” tài sản khi thấy mình bị "hớ" hoặc do giá trị tài sản đó tăng lên chóng mặt sau khi chuyển nhượng. Chính vì thế, có thể trong một số trường hợp, Nhà nước cần chấp nhận phần “thiệt” về mình.