Aa

Nén cao ốc trong nội đô, hạ tầng "oằn mình" gánh chịu

Thứ Tư, 30/08/2017 - 02:35

Theo chuyên gia, lâu nay, việc cấp phép ồ ạt chung cư, nhà cao tầng trong nội đô gây ùn tắc nghiêm trọng. Nguyên nhân xuất phát từ việc cấp phép XD không tính toán tới nhu cầu về hạ tầng giao thông.

Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã chuyển cho Sở GTVT góp ý về những vấn đề liên quan đến giao thông trước khi phê duyệt các dự án cao ốc. Đây được coi là một trong những giải pháp mới, nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của các cao ốc đến giao thông đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh giá tác động về giao thông trước khi triển khai các dự án cao ốc, khu đô thị tại nội đô các thành phố là cần thiết.

Cao ốc khiến giao thông ngày càng tồi tệ

Ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều 26/8, trên đường Lê Văn Lương kéo dài, dù là ngày cuối tuần nhưng đường vẫn ken đặc người, xe. Tuyến đường rộng đến 6 làn xe vẫn không đủ cho các phương tiện đi lại. Nhiều xe máy và cả ô tô phải lấn vào làn đường BRT hay đi lên vỉa hè. Nguyên nhân của tình trạng này là do dòng người đổ ra từ các khu đô thị (KĐT), chung cư hai bên đường quá lớn.

Nhiều cao ốc mọc lên khiến giao thông phải chạy theo khu đô thị, chung cư cao tầng - Ảnh: Tạ Tôn

Nhiều cao ốc mọc lên khiến giao thông phải chạy theo khu đô thị, chung cư cao tầng - Ảnh: Tạ Tôn

Tìm hiểu của PV, năm 2010, nhằm giảm tải sức ép giao thông cho đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) về Hà Đông, TP Hà Nội thông xe tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu) theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Khi đó, tuyến đường này được xem là kiểu mẫu, huyết mạch cho trục phía Tây Nam Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ sau 7 năm đi vào khai thác, người dân bắt đầu khiếp sợ mỗi lần di chuyển qua đây, bởi có đến 35 - 40 dự án cao ốc, KĐT mới án ngữ 2 bên tuyến đường.

"Lâu nay, việc cấp phép ồ ạt chung cư, nhà cao tầng trong nội đô gây ùn tắc nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề. Nguyên nhân xuất phát từ việc cấp phép xây dựng không tính toán tới nhu cầu về hạ tầng giao thông. Đáng ra, chúng ta phải có cái nhìn tổng thể, đã quy hoạch khu dân cư phải đảm bảo cuộc sống của người dân ở đó, vì người dân đến không chỉ mỗi nhu cầu ở, mà phải tính đến nhu cầu sinh hoạt khác, trong đó nhu cầu về giao thông”.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh
(Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

Chị Nguyễn Phương Anh, nhân viên kinh doanh của một công ty BĐS ở Dương Nội chia sẻ, từ ngày có tuyến buýt nhanh BRT đường Tố Hữu, Lê Văn Lương càng thêm lộn xộn do ô tô, xe máy đua nhau lấn làn, trong khi CSGT rất ít khi xử phạt. “Đường hay ùn tắc khiến giá nhà, đất các dự án KĐT mới ở đây giảm giá thảm hại so với trước. Như một số tòa chung cư ở Dương Nội, trước đây xếp hàng mua giá gần 30 triệu đồng/m2, giờ chưa đến 20 triệu đồng/m2 cũng chẳng ai dám mua”.

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: Khu vực đường Lê Văn Lương xây quá nhiều nhà cao tầng nên mới xảy ra ùn tắc như hiện nay. Nếu có quy định khi triển khai các dự án cao ốc tại các đô thị phải có đánh giá tác động về giao thông thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông.

Tương tự, trên trục đường Trần Phú, trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, đếm sơ sơ cũng có hàng chục khu nhà từ 17 đến hơn 30 tầng mọc lên như: Tòa nhà Fodacon, Sông Đà, Big C Hồ Gươm Plaza, chung cư SUD, Hattoco... Các khu nhà cao tầng này chỉ cách nhau vài trăm mét khiến tuyến đường quá tải nghiêm trọng.

Tại TP HCM, tình trạng kẹt xe cũng ngày càng trầm trọng do cao ốc, trung tâm thương mại ùn ùn mọc lên như nấm. Ghi nhận của PV, đường Nguyễn Hữu Cảnh, (quận Bình Thạnh), Tôn Đức Thắng (quận 1)... như một quần thể các siêu dự án bất động sản về căn hộ, biệt thự, trung tâm thương mại. Điều này khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh là trục chính vào trung tâm Q.1 quá tải nghiêm trọng.

Gần đây, hàng loạt các dự án nhà chọc trời khác cũng thi nhau mọc lên ở các khu đắc địa ra - vào sân bay Tân Sơn Nhất như dự án căn hộ Novaland, quận Tân Phú bao gồm 6 tháp căn hộ cao 25 tầng; đường Hồng Hà, quận Tân Bình có 3 tháp căn hộ cao 20 tầng cũng của dự án này. Hay căn hộ cao cấp Léman Luxury Apartments vươn mình 24 tầng cao giữa trung tâm quận 3, có hai mặt tiền đường Trương Định và Nguyễn Đình Chiểu cũng là những điểm giao thông khá tồi tệ, ùn tắc liên miên.

Giao thông chạy theo đô thị, chung cư cao tầng

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc xây chung cư, cao ốc ở Hà Nội lâu nay chưa phải xin ý kiến Sở GTVT. Lý do vì trong thủ tục hành chính không yêu cầu lấy ý kiến và do sợ kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của nhà đầu tư.

“Trong quy hoạch đã thể hiện rõ, cơ quan thụ lý hồ sơ dự án nếu thấy cần thiết, UBND TP sẽ yêu cầu phải có thỏa thuận của Sở GTVT”, ông Viện nói và cho biết, khi đặt ra quy hoạch đã tính khả năng đảm bảo cho giao thông. Tất nhiên, khi tính toán quy hoạch với khả năng thực tế cũng vênh nhau.

Tương tự, Sở GTVT TP HCM cho biết, tại những dự án xây cao ốc, Sở GTVT không được tham gia góp ý về quy hoạch. Tuy nhiên, gần đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chuyển cho Sở GTVT góp ý về các dự án xây dựng cao ốc, khu dân cư. Sở GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư thuê tư vấn đánh giá tác động về giao thông và sau đó cùng Nhà nước mở rộng đường.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, quản lý đô thị trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố, không phải của riêng ngành nào. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn thiếu sự phối hợp giữa các ngành. Để làm tốt quy hoạch, UBND các tỉnh phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. “Do thiếu sự chỉ đạo tổng thể, dẫn đến việc ông làm nhà cứ việc làm nhà, ông giao thông lo đuổi theo làm đường, điều này rất bất cập”, TS. Liêm nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, trước khi cấp phép xây dựng các công trình cao tầng trong nội đô cần có đánh giá tác động về giao thông của Sở GTVT. Đồng thời, trong quy hoạch phải tính đến yếu tố tổng thể, cần sự tính toán của nhiều bộ, ngành liên quan.

“Mới đây, tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm về việc các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác đang tồn tại tình trạng phổ biến là duyệt cấp dự án xây dựng các khu nhà ở cao tầng trên các khu đất đắc địa.

Ví dụ tại Hà Nội, các trục đường như: Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương... cao ốc đang mọc lên như nấm, tạo ra nhiều điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng”, ông Nhưỡng nói và cho biết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm đó và cho rằng, Chính phủ cũng nhận thức những tồn tại, bất cập này và đã giao nhiệm vụ cho các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, GTVT phối hợp với các địa phương rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, nhất là các thành phố lớn, đề xuất giải pháp chấn chỉnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top