Aa

Nên cho doanh nghiệp lỗ chào bán chứng khoán

Thứ Sáu, 09/11/2018 - 06:01

Việc nâng cao các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, đặc biệt là các điều kiện về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp một mặt nâng cao chất lượng hàng hóa nhưng mặt khác lại không theo sát sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho nhu cầu minh bạch của doanh nghiệp vì không phải cứ doanh nghiệp lỗ là doanh nghiệp không hiệu quả.

Thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi về điều kiện chào bán và phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Ảnh: Thành Hoa.

Thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi về điều kiện chào bán và phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Ảnh: Thành Hoa.

Phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp chào bán minh bạch

“Doanh nghiệp không đủ điều kiện, thua lỗ nhưng vẫn nên được phép chào bán chứng khoán để đảm bảo điều kiện tiếp cận vốn”, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhấn mạnh ý này tại hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật kinh doanh chứng khoán (sửa đổi) diễn ra tại Hà Nội hôm 7/11.

Theo đó, ông Bằng nói rằng cần phải cải cách mạnh mẽ điều khoản nói trên vì Chính phủ hiện muốn mở rộng và nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch, thay vì kiểm soát. Ông dẫn ra thực tế nhiều doanh nghiệp lỗ trên báo cáo tài chính song có hiệu quả kinh doanh tốt, được thị trường đánh giá và định giá rất cao, do vậy không nên siết doanh nghiệp bằng các điều kiện thông thường.

Đồng quan điểm với ông Bằng, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán đã có văn bản gửi UBCKNN góp ý về điều kiện chào bán. Hiệp hội cho rằng các điều kiện về hiệu quả doanh nghiệp chào bán một mặt có tác dụng tích cực là nâng cao chất lượng hàng hóa chào bán ra nhưng mặt khác lại gây khó khăn cho nhu cầu công khai, minh bạch để tối đa hóa hiệu quả của doanh nghiệp.

“Có những trường hợp doanh nghiệp không có lãi nhưng vẫn là đối tượng quan tâm của đông đảo nhà đầu tư do những lợi thế tiềm ẩn của doanh nghiệp. Với những trường hợp này, việc được chào bán công khai sẽ tăng tính cạnh tranh để doanh nghiệp có thể có được hiệu quả cao nhất trong chào bán”, hiệp hội nhận xét.

Như vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán đều cho rằng đã đến lúc không nên đo đếm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bằng các công cụ lãi, lỗ đơn thuần. Trước sức phát triển quá đa dạng của thị trường, phải mở rộng thước đo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bằng cách tính khác như: doanh thu, dòng tiền, khách hàng hay định giá doanh nghiệp.

Theo dự thảo Luật hiện hành, ngoài những điều kiện về vốn điều lệ tại thời điểm chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên (gấn ba so với trước), doanh nghiệp phải có kết quả kinh doanh hai năm liên tục liền trước năm chào bán là có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế đến năm đăng ký chào bán.

Siết thị trường nhưng không được gây khó cho doanh nghiệp

Cũng liên quan đến điều kiện chào bán chứng khoán, rất nhiều ý kiến từ hiệp hội và các công ty chứng khoán không đồng tình với quy định: "Tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành phải được chào bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành. Trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành là 100 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ này là 15% vốn điều lệ, còn trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ bán ra tối thiểu cho cổ đông nhỏ lẻ phải là 10% vốn điều lệ".

Công ty chứng khoán VN Direct cho rằng các điều kiện trên là không hợp lý vì việc ước tính số lượng nhà đầu tư tham gia mua cổ phần đáp ứng trước khi lập phương án tăng vốn điều lệ là rất khó khăn và thiếu căn cứ rõ ràng. Hơn nữa, việc yêu cầu cổ đông phải cam kết nắm giữ cổ phiều trong thời hạn tối thiểu ít nhất 1 năm cũng nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp..

Ông Vũ Bằng e ngại rằng quy định trên khiến cho nhiều đợt phát hành chứng khoán huy động vốn của doanh nghiệp sẽ bị hủy, trong khi vì điều kiện nhỏ hủy việc lớn của doanh nghiệp là đi ngược lại tiêu chí “dùng thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng” mà Chính phủ hướng tới.

Hiệp hội Chứng khoán thì không đồng tình với điều kiện chào bán riêng lẻ cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi với việc hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong khi dự thảo Luật lại không quy định thế nào là nhà đầu tư chiến lược. Hiện nay khái niệm “nhà đầu tư chiến lược chỉ có trong Nghị định 126/2017 của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp”. Hiệp hội cho rằng so sánh với điều kiện của nhà đầu tư chiến lược trong cổ phần hóa DNNN thì dự thảo hiện nay chỉ quy định điều kiện hạn chế chuyển nhượng đối với với nhà đầu tư chiến lược của công ty đại chúng.

So sánh với nhà đầu tư chuyên nghiệp thì đối tượng doanh nghiệp mà không phải là nhà đầu tư tài chính hoàn toàn có thể là nhà đầu tư chiến lược trong phát hành riêng lẻ và ngược lại. Nếu quy định như dự thảo thì các nhà đầu tư sẽ không có động cơ để trở thành nhà đầu tư chiến lược để vị hạn chế chuyển nhượng 3 năm, thay vì 1 năm như nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Do vậy, cần có định nghĩa thế nào là nhà đầu tư chiến lược tại Luật chứng khoán hoặc chỉ có quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp để không có sự khác biệt về hạn chế chuyển nhượng giữa các đối tượng phát hành riêng lẻ, hiệp hội chứng khoán gợi ý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top