Aa

Nền kinh tế chia sẻ tạo cơ hội cho phong trào kinh doanh mới

Thứ Ba, 27/08/2019 - 13:30

Nền kinh tế chia sẻ là khái niệm mới ở nước ta, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia nó sẽ đem lại hiệu quả đáng kể cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 999/QĐ – TTG ngày 12/8/2019 về phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Vấn đề này là khá mới mẻ đối với kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đối với các nước phát triển thì họ đã thực hiện từ lâu và thu lại những kết quả đáng khích lệ.

Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, PV đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

PV: Theo ông, Việt Nam sẽ đạt được những lợi ích gì khi thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Theo nghiên cứu của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) thì chỉ riêng 5 lĩnh vực là du lịch, vận tải, tài chính, nhân lực và dịch vụ video trực tuyến ca nhạc, khi ứng dụng mô hình này làm tăng doanh thu toàn cầu từ 15 tỷ USD năm 2014 và dự báo lên 335 tỷ USD năm 2025.

Trên thế giới hiện đang có đang nhiều thành công về nền kinh tế chia sẻ, có thể lấy ví dụ ở Trung Quốc, theo trang tin ECNS của nước này thì quy mô của nền kinh tế chia sẻ đạt mức 152,8 tỷ Đô la trong năm 2015. Tại Mỹ, tổng giá trị các công ty tham gia mô hình này đạt 463,9 tỷ Đô la, chiếm hơn 3% GDP.

Ở Việt Nam thì sao? Kinh tế chia sẻ mới xuất hiện một vài năm gần đây. Theo khảo sát, thì cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình này và 76% người cho biết sẵn sàng sử dụng các sản phẩm của nền kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ sẽ tạo cơ hội cho 1 phong trào kinh doanh mới, mở ra cơ hội dựa trên nền tảng số ứng dụng công nghệ 4.0.

Thị trường sẽ cạnh tranh hơn, các loại hình dịch vụ sẽ đa dạng hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư cho người lao động, tăng thu nhập, tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất những tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường , giảm các chi phí giao dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kinh doanh chia sẻ sẽ thúc đẩy hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở Việt Nam. Mặt khác, nó cũng tạo ra cơ hội cho việc cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số và cải cách thể chế nhằm phát triển ngành kinh tế số trong thời đại công nghiệp 4.0.

Một số ví dụ cụ thể ở Việt Nam khi thực hiện kinh tế chia sẻ cho ta thấy: Theo số liệu của Grant Thomton năm 2016, dịch vụ AIR B&B (chia sẻ phòng lưu trú) chỉ có 6.500 căn hộ thì tới năm 2017, nguồn cung đã tăng lên 16.000 căn, gấp 2,5 lần, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Mô hình này kéo theo hàng loạt các start up cho dịch vụ cho thuê phòng trực tuyến tại Việt Nam.

PV: Thưa ông, ngoài những lợi ích mà nền kinh tế chia sẻ mang lại thì nó có tồn tại những mặt trái nào không? Nếu có thì đó là gì?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Kinh tế chia sẻ đã tận dụng lợi thế của công nghệ để tiếp cận với số lượng lớn khách hàng và kéo chi phí xuống thấp hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về những mặt trái của nền kinh tế chia sẻ, đó là muốn xây dựng nền kinh tế chia sẻ, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy, sòng phẳng, cùng trên một con thuyền, cùng gắn kết và có lòng tin lẫn nhau, chỉ cần một mắt xích không thực hiện đúng vai trò của mình thì toàn bộ hệ thống có thể bị sụp đổ.

Tuy nhiên, các chuyên gia và học giả trong nước cũng cho rằng, mô hình này sẽ gặp phải những rào cản khi thực hiện ở Việt Nam. Nguyên nhân lớn nhất là do con người. Đó là chưa có nhiều người có tư duy chia sẻ mà vẫn vì lợi ích cá nhân và cục bộ nhiều hơn, chưa lo lợi ích lâu dài. Các doanh nghiệp cho đến nay đều chưa được trang bị kiến thức cơ bản về nền kinh tế đặc thù để nhận thức một cách tự giác theo tư duy tiên tiến đó, nếu xuất phát từ tính cấu kết cộng đồng yếu và kỷ luật thị trường kém bền vững, sẽ làm cho sự phát triển kinh tế chia sẻ ở nước ta khó phát triển nhanh và bền vững.

Nền kinh tế chia sẻ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đất nước nhưng nó cần phải được đi đúng hướng.

PV: Thưa ông, để thúc đẩy được mô hình kinh tế chia sẻ, chúng ta cần phải thực hiện những gì để đạt được hiệu quả tốt nhất?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Chúng ta phải giải quyết vấn đề văn hóa, pháp luật và kỷ cương trước khi phát triển mạnh mẽ mô hình này ở nước ta. Cần khen thưởng thích đáng và xử phạt nghiêm minh, đó là giải pháp chính để hoạt động kinh tế chia sẻ đi vào nề nếp. Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ có giao nhiệm vụ cho Bộ Công thương Việt Nam: “Cần nghiên cứu phát triển mô hình kinh tế chia sẻ nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Hiểu rộng ra về sự chỉ đạo này cho ta thấy, kinh tế chia sẻ không chỉ là sử dụng công nghệ 4.0 để tận dụng những tiềm năng nhàn rỗi một cách hiệu quả hơn những tài sản đang dư thừa một cách tương đối để tăng thêm doanh thu, lợi nhuận cho các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp và cho ngân sách Nhà nước.

Kinh tế chia sẻ còn nhằm thúc đẩy sản xuất và kích thích tiêu dùng một cách tiết kiệm, hiệu quả. Nhận thức đầy đủ về nền kinh tế chia sẻ từ người dân đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các cơ quan quản lý Nhà nước để có những hành động thiết thực đem lại hiệu quả cho từng thành viên trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ ở thị trường nội địa Việt Nam là hết sức cần thiết.

Nhiều chuyên gia nhận xét, trong hàng chục năm nay, trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối tiêu thụ, việc chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị đó còn bất hợp lý, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm; người sản xuất làm ra của cải vật chất, hầu hết được thụ hưởng một tỷ trọng lợi nhuận nhỏ và thiệt thòi, nhóm trung gian thương lái xuất khẩu và bán lẻ hưởng phần lớn những lợi nhuận trong chuỗi giá trị. Điều mà ở Thái Lan, Hàn Quốc và một số nước khác lại đang làm ngược lại chúng ta.

Ví dụ ở Thái Lan, người trồng mía được hưởng 70% lợi nhuận sau thuế, còn các khâu lưu thông phân phối, xuất khẩu hưởng 30%. Thực tế ở Việt Nam đang phân phối ngược lại theo tỷ lệ 30% cho người sản xuất nông nghiệp, còn khoảng 70% thuộc về khâu phân phối lưu thông bán lẻ và xuất khẩu trên thị trường. Người sản xuất vừa thiếu thông tin thị trường, vừa hay bị ép cấp, ép giá, thua thiệt đủ bề mà chưa có giải pháp nào tháo gỡ được.

Các chuyên gia có những đề xuất như sau: “Cần phân phối lại lợi nhuận của chuỗi giá trị đang bị phân phối bất hợp lý đó, hoặc phải luật hóa việc phân phối lợi nhuận trong ngành sản xuất và phân phối những sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam, sao cho trước hết người sản xuất có lợi nhuận hợp lý, từ đó mới có thể thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng xã hội.” Tình trạng nay trồng mai bỏ, nay nuôi con này, mai nuôi con khác trong sản phẩm nông nghiệp ở nước ta đã diễn ra trong nhiều năm là một biểu hiện của ngành kinh tế chưa được chia sẻ một cách đúng mức, điều đó sẽ dẫn tới việc kìm hãm sản xuất phát triển, ách tắc lưu thông phân phối ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Như vậy mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho ngành Công thương sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đất nước chúng ra đang hướng tới một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phát triển các ngành kinh tế, trong đó có sự phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn do sự tác động của kinh tế chia sẻ , chắc chắn trong thời gian tới và những năm tiếp theo, mô hình này sẽ được khẳng định và tạo lập một môi trường kinh doanh sản xuất bình đẳng, công khai, minh bạch, có sự quản lý của Nhà nước ở tất cả các ngành kinh tế trong cả nước trong năm 2019 và những năm tiếp theo góp phần vào nhiệm vụ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top