Aa

“Nên trao quyền tự chủ cao hơn cho bộ máy quản lý đặc khu kinh tế"

Thứ Năm, 31/08/2017 - 06:00

Theo Luật sư Trương Anh Tú, để tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư thì Nhà nước cần phải trao quyền tự chủ cao hơn nữa cho bộ máy quản lý đặc khu kinh tế, giảm bớt chồng chéo và các thủ tục hành chính rườm rà.

Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế so với nhu cầu phát triển. Thời điểm này rất cần một mô hình mới với những ưu thế vượt trội để hút vốn đầu tư. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình đặc khu kinh tế sẽ là cú hích mới, đem đến những đột phá. Vậy cần có một cơ chế như thế nào để đáp ứng được những đột phá này? Dưới góc nhìn pháp lý, PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú xoay quanh vấn đề nêu trên.

PV: Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được xây dựng. Theo luật sư, khi Luật này được ban hành, sẽ mang đến những kỳ vọng gì cho việc phát triển các đặc khu kinh tế trong bối cảnh hiện nay?

Luật sư Trương Anh Tú: Muốn xây dựng thành công các khu hành chính - kinh tế đặc biệt, trước hết phải có cơ chế đặc biệt, mang tính đột phá để thu hút được các nguồn lực, phát huy được lợi thế và tiềm năng của những địa phương này.

Việc xây dựng Luật về đặc khu kinh tế mở ra kỳ vọng, khi luật này có hiệu lực sẽ mở ra một sân chơi mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi vì, Nhà nước đã có thời gian dài nghiên cứu mô hình các đặc khu kinh tế trên thế giới, từ đó chắt lọc các tinh hoa để áp dụng vào đặc khu của Việt Nam và chắc chắn một điều rằng, với cơ chế mới này sẽ thu hút rất lớn các nhà đầu tư vào đặc khu. 

PV: Có ý kiến cho rằng, chính sách chuyển dịch đất đai được xây dựng từ Luật Đất đai 2013 vẫn là chiếc áo quá chật cho sự phát triển của các đặc khu kinh tế. Quan điểm của luật sư như thế nào về nhận định này?

Luật sư Trương Anh Tú: Để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhà nước cũng đã nghiên cứu rất nhiều mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới về sở hữu BĐS. Theo Luật đất đai hiện hành thì đối với các dự án có vốn đầu tư lớn đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời gian dài thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm.

Tuy nhiên, với thời gian như vậy vẫn chưa thực sự thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư. Cho nên, Quốc hội đang xem xét, ban hành Luật đơn vị hành chính đặc biệt, trong đó đã kéo dài thời gian giao đất, cho thuê đất lên tới 99 năm như các đặc khu kinh tế trên thế giới đang áp dụng. Đây cũng là một ưu đãi đặc biệt cho đặc khu kinh tế ở Việt Nam.

Theo tôi, cần phải có một sự ưu tiên đột phá về chính sách đất đai đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào đặc khu kinh tế chứ không thể bó hẹp trong Luật đất đai 2013, mô hình đặc khu kinh tế là phải khác biệt so với các vùng khác, cả về cơ chế và chính sách tài chính cũng khác, cho nên chính sách về đất đai cũng phải tạo ra được nhiều ưu đãi, ví dụ như: miễn, giảm thuế thuê đất...

Ngoài ra, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thì việc chuyển quyền sở hữu cho các nhà đầu tư là việc nên làm. Việc chuyển nhượng đất có thể đem bán, cho thuê, thế chấp hoặc các dạng chuyển nhượng khác để lấy tiền như các loại tài sản phi vật chất khác.

Thời điểm ban đầu giá quyền sử dụng đất được xác định bởi chính quyền của đặc khu kinh tế, nhưng sau một thời gian, nó được xác định thông qua cơ chế thị trường, đấu thầu và bán đấu giá. Nhà nước không can thiệp vào giá chuyển nhượng mà chỉ điều tiết thông qua thuế giá trị gia tăng của việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

Luật sư Trương Anh Tú.Luật sư Trương Anh Tú

PV: Các chính sách pháp luật về thuế, tài chính, tiền tệ, hải quan và xuất nhập khẩu được coi là vấn đề khá quan trọng trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đặc khu kinh tế. Chính sách này cần sự cải thiện như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Luật sư Trương Anh Tú: Các chính sách ưu đãi của nhà nước đưa ra là rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đặc khu kinh tế. Đối với các đặc khu mà nằm giáp biên giới thì công tác quản lý nhà nước về hải quan và kiểm tra biên giới cần nới lỏng để mở rộng tự do giao thương.

Tuy nhiên, hàng hóa xuất nhập khẩu từ đặc khu vào nội địa cần phải được kiểm tra chặt chẽ, ngăn chặn việc buôn lậu hàng hóa vào nội địa. Người mang hàng hoá vào các đặc khu kinh tế bắt buộc phải khai báo hải quan và phải có giấy phép nhập hàng vào đặc khu. Đối với hàng nhập khẩu cho nhu cầu tiêu dùng tại đặc khu, máy móc thiết bị, nguyên liệu linh kiện… dùng cho sản xuất đều được miễn thuế nhập khẩu và thuế công thương nghiệp với một số lượng nhất định.

Về chính sách thuế xuất, nhập khẩu áp dụng cho các doanh nghiệp trong đặc khu kinh tế có sự thay đổi theo thời gian, được điều chỉnh theo sự biến động của tình hình đầu tư.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không phải nộp thuế xuất nhập khẩu đối với các thiết bị sản xuất, nguyên liệu, phụ tùng thay thế, linh kiện, phương tiện giao thông và hàng hoá văn phòng phẩm, những vật dụng được nhập khẩu cho nhu cầu bản thân; các mặt hàng xuất khẩu do doanh nghiệp sản xuất ra trừ các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu; các mặt hàng tiêu dùng, ngoài những mặt hàng chịu sự kiểm soát của nhà nước như thuốc lá, rượu …, được giảm thuế một nửa.

Đối với thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới việc sau khi đầu tư tại nước sở tại và thu được một số lợi nhuận thì số lợi nhuận đó có thể được chuyển nguyên vẹn về nước họ hay không.

Với thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài 0% tại đặc khu kinh tế đã bảo vệ được quyền lợi, và mức độ yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài và đó thực sự là một khuyến khích cho họ đầu tư.

PV: Theo ông, có nên giao quyền tự chủ cho chính quyền địa phương đối với sự phát triển của các đặc khu kinh tế?

Luật sư Trương Anh Tú: Để tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư thì Nhà nước cần phải trao quyền tự chủ cao hơn nữa cho bộ máy quản lý đặc khu kinh tế, chính quyền đặc khu phải được giao quyền quản lý ở cấp đặc khu và phải được Chính phủ giao quyền thuộc về thẩm quyền của Chính phủ. Tức là đặc khu kinh tế phải có những quyền mà các nơi khác, vùng khác không có.

Tổ chức bộ máy phải có tính chủ động, cần phải tinh gọn, xử lý nhanh nhất các yêu cầu của nhà đầu tư.

Hiện nay, một trong những vấn đề làm giảm hiệu quả phát triển các khu kinh tế thời gian vừa qua là mô hình ban quản lý, chúng ta rất kỳ vọng hoạt động theo cơ chế một cửa tại chỗ, nhưng quy định đó hiện nay mới chỉ dừng lại ở cấp nghị định, trong khi đó luật chuyên ngành lại có giá trị pháp lý cao hơn, gây ra sự xung đột, chồng chéo dẫn đến làm giảm hiệu quả làm việc của các đặc khu kinh tế.

PV: Trong thời gian tới, theo luật sư, các đặc khu hành chính kinh tế của Việt Nam sẽ có độ mở đến đâu?

Luật sư Trương Anh Tú: Tùy thuộc vào tình hình kinh tế - chính trị của đất nước mà mức độ “mở” có thể sẽ khác nhau so với mô hình các đặc khu khác trên thế giới.

Theo quan điểm của Chính phủ Việt Nam, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một khu vực có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với địa hạt hành chính bên ngoài; có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi trong giao thương, dịch vụ trong nước và quốc tế; có cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi cạnh tranh quốc tế, có cơ chế quản lý và hành chính riêng biệt và hiện đại; có môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi.

Tuy nhiên, độ mở về cơ chế, chính sách kinh tế và hành chính của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam cần được nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện, khả năng phát triển, đặc điểm về chính trị, luật pháp, chế độ kinh tế - xã hội của Việt Nam và nhất thiết phải cạnh tranh được với các mô hình của các quốc gia trong khu vực và quốc tế. 

Xin cảm ơn luật sư!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top