Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là một trong những khu vực dễ bị tổn thương, chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhiều loại hình thiên tai, hiện tượng khí hậu và thời tiết cực đoan diễn ra với quy mô, tần suất và mức độ ngày càng lớn. Số liệu 2015 cho thấy, trong tổng số 90 cơn bão toàn cầu, 344 thảm họa thiên tai thì có đến gần 50% số đó xuất hiện ở các quốc gia và vũng lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH do có bờ biển dài. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có khoảng 10 - 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, TP.HCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích thành phố.
Theo các chuyên gia, hiện tượng BĐKH là sự phản biện trung thực, khách quan nhất đối với hoạt động kinh tế - xã hội của con người, là sự cảnh báo cấp thiết để đánh giá nghiêm túc và có trách nhiệm về những tác động của tiến trình phát triển đô thị đối với môi trường, tự nhiên…
Trong khi đó, việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng thường tập trung vào vùng đồi núi hoặc ven biển, những địa điểm dễ chịu tác động của thiên tai nhất, nếu phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, không có giải pháp thích ứng với tự nhiên, thì hậu quả ắt khôn lường.
Phố núi ngập, phố đảo cũng ngập: Lời cảnh tỉnh kịp thời của “mẹ thiên nhiên”
Hai thiên đường nghỉ dưỡng Phú Quốc, Đà Lạt vừa trải qua một đợt ngập lịch sử, tất cả chìm sâu trong biển nước, hậu quả nặng nề, người dân lo sợ, khách du lịch hoang mang. Ít ai ngờ đến, một hòn đảo bốn bề là biển lại có thể ngập do nước không thoát được xuống biển, một phố núi với độ cao 1.500m so với mặt nước biển cũng bị ngập sâu.
Theo nhận định của KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội), nên nhìn nhận đây là một tín hiệu đáng mừng bởi “mẹ thiên nhiên đã kịp thời đưa ra câu trả lời, cảnh tỉnh cho sự phát triển nóng, ồ ạt, với tốc độ bê tông hóa quá nhanh ở những khu du lịch, để các nhà đầu tư, nhà quy hoạch kịp thời nhìn nhận lại”.
KTS Trần Huy Ánh cho rằng, những địa phương có tiềm năng du lịch ở ven biển hay trên núi, vốn là những vùng thiên nhiên hiền hòa và có những nét đặc trưng bản địa, nhưng sự phát triển tùy tiện, quy hoạch thiếu tầm nhìn sẽ dần loại bỏ những nét đặc sắc cơ bản, làm mất đi những giá trị thiên nhiên, đời sống văn hóa hữu hình vốn có, trong khi, đó mới là yếu tố cốt lõi thu hút khách du lịch:
“Chúng ta đang nhập khẩu những mô hình nghỉ dưỡng khách sạn, biệt thự… quy mô lớn, nhỏ… muôn vàn các loại sản phẩm làm ra nhằm mục đích thu lợi nhuận mà bất chấp tất cả những giá trị còn lại. Đó là giá trị về văn hóa, thiên nhiên và giá trị định cư. Và đương nhiên, tác động vào thiên nhiên như thế nào thì sẽ phải nhận lại như thế. Việc phát triển tùy tiện, hỗn loạn ắt sẽ triệt tiêu lẫn nhau, triệt tiêu những giá trị mà bản chất khách du lịch muốn khai thác. Bởi khi phát triển các dự án, áp đặt lên khu vực đó một mục tiêu khác là làm sao bán được bất động sản đó, thì nó vô tình triệt tiêu đi những giá trị vốn có của khu vực đó, chỉ còn trơ ra những bất động sản vô hồn”.
Vị KTS này nhấn mạnh, bản chất của du lịch là một ngành kinh tế khai thác tài nguyên thiên nhiên, văn hóa một cách tinh tế, từ đó mới tạo ra giá trị kinh tế chứ không phải bằng cách ứng xử thô bạo với thiên nhiên: “Muốn khai thác những tiềm năng của thiên nhiên, văn hóa một cách tinh tế nhằm phát triển bền vững, lâu dài thì phải chú trọng đầu tư bài bản vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian văn hóa chứ không thể chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, là xây xong, bán được là xong. Nếu chỉ cắm đầu vào làm bất động sản du lịch kiếm lời thì bản chất là đang hủy hoại chính cuộc đầu tư đó. Nó là một quá trình tự triệt tiêu lẫn nhau bởi thành công nằm ở khâu khai thác giá trị của bất động sản đó sau này chứ không phải nằm ở khâu bỏ vốn đầu tư rồi bán”.
Đồng quan điểm, KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định: “Ở các nước khi xây dựng dự án phải đi kèm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Báo cáo này được cơ quan chức năng thuê một bên thứ ba độc lập tính toán chi phí giao thông, nâng cấp hạ tầng, xử lý môi trường, ảnh hưởng không gian sống ở địa phương tăng thêm bao nhiêu vì dự án. Trước khi cấp phép, chính quyền sẽ bàn bạc với chủ đầu tư về khoản đóng góp ngân sách phù hợp dựa trên kết luận của báo cáo.
Nhưng hiện tại, đa số các địa điểm du lịch ở Việt Nam đang bị tác động lớn của các nhà kinh doanh địa ốc để phát triển theo hướng tư duy mét vuông, tức là cứ nhắm vào những chỗ nào có thắng cảnh để xây dựng các nhà cao tầng với mật độ dày. Tình trạng này đang đi rất sai về quản lý, phát triển, vì nhà càng nhiều, thắng cảnh càng trở nên xấu đi, thậm chí đánh mất luôn giá trị tự nhiên và giá trị môi trường vốn có”.
Sự phát triển bất động sản quá nóng gây ra lo ngại sự cân đối về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội bị gác sang một bên.
KTS Trần Huy Ánh
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch quốc tế đang có dấu hiệu sụt giảm, trong tháng 6 còn giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Dù chỉ mang tính chất cục bộ nhưng dấu hiệu này cũng cho thấy chất lượng thực tế của ngành du lịch, đồng thời cũng dấy lên lo ngại đối với các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Tình trạng hễ cứ mưa là ngập tại các đô thị phát triển du lịch sẽ còn kéo dài nếu không có những biện pháp kịp thời thích ứng.
“Chúng ta đang thiếu kịch bản, chiến lược thoát nước bài bản, có kiểm soát. Các khu đô thị sẽ phải đối mặt với vấn đề ngập úng lâu dài. Chuyện khi nào ngập chỉ là vấn đề thời gian bởi khí hậu ngày càng khó khăn, khắc nghiệt hơn. Vấn đề ở đây là tầm nhìn và khả năng thích ứng. Tầm nhìn ở những mức độ khác nhau để từ đó chủ động đưa ra phương án đối phó khác nhau. Song thích ứng cũng quan trọng, khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, việc thích ứng tốt sẽ giúp biến khó khăn thành lợi thế. Đó là tư duy tiếp cận của thế kỷ 21, vừa có tầm nhìn, vừa có thích ứng. Rất tiếc là ở Việt Nam hiện chưa có”, KTS Trần Huy Ánh nêu quan điểm.
Chính quyền phải đủ năng lực quản lý
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, câu chuyện phát triển bền vững ở những địa phương có tốc độ phát triển đặc thù như Phú Quốc hay những thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng khác đều phải có bộ máy chính quyền đủ năng lực quản lý và kiểm soát.
“Với tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển “nóng” bởi nhiều dự án lớn, nhưng mô hình quản lý hành chính của Phú Quốc mới chỉ là cấp huyện.
Điều này có thể dẫn tới chính quyền không có đủ cơ quan chuyên môn giám sát việc quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn. Việc quản lý yếu kém dẫn đến các dự án có thể gây ra những hệ quả như trận lụt lịch sử vừa qua”, TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chia sẻ với báo chí.
KTS Trần Huy Ánh cũng cho rằng, bộ máy quản trị của Phú Quốc đang quá sức, không hình dung ra được những thách thức phải đối mặt và tận dụng, phát huy những tiềm năng vốn có:
“Phú Quốc là địa phương có tiềm năng rất lớn, với diện tích bằng đảo quốc Singapore và gần như là hòn đảo duy nhất ở Đông Nam Á có lượng nước ngọt dồi dào. Nhưng trong khi Singapore đã trở thành một cường quốc thì Phú Quốc vẫn chỉ là một huyện đảo. Du lịch Việt Nam mới chỉ loanh quanh ở ao làng, thô sơ, nên nhìn nhận lại những giá trị có thể đạt được và những giá trị mất đi để có một định hướng xây dựng một chiến lược phát triển bền vững”.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Kiên Giang sáng 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, phát triển Phú Quốc cần lưu ý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm chất lượng môi trường và quan tâm đến lợi ích của người dân nhất là sinh kế.
Thủ tướng cho rằng thu hút những nhà đầu tư lớn, đúng nghĩa là giàu kinh nghiệm, có thực lực về tài chính, có lợi ích lâu dài ở Phú Quốc, không đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật, không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản, phát triển tốc độ nhanh vừa qua.
Biến đổi khí hậu là điều không thể tránh khỏi nhưng vấn đề đặt ra là phát triển đô thị du lịch phải ứng phó và thích nghi như thế nào và đương nhiên, tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn ắt sẽ dẫn đến hậu quả dài hạn. Giải quyết bài toán này vẫn là câu chuyện cần có sự chung tay giữa chính quyền, nhà quy hoạch, doanh nghiệp và cả người dân, làm sao để các dự án du lịch nghỉ dưỡng phát huy được hiệu quả, tiềm năng và giảm thiểu tối đa những tác động xấu đến môi trường. Phát triển bền vững là yếu tố bắt buộc phải nghĩ đến thay vì chỉ chú trọng lợi ích trước mắt, phát triển chộp giật, thiếu kiểm soát như hiện nay./.