Aa

"Nếu có dây xích, rọ mõm... thì được nuôi chứ có ai cấm đâu!"

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 16/09/2017 - 21:00

Câu chuyện tranh cãi cấm nuôi chó mèo ở chung cư đến nay vẫn chưa có hồi kết bởi trên thực tế pháp luật không cấm. Câu chuyện cấm ở đây là ban quản trị đưa ra quy định dựa trên cơ sở ý kiến của số đông cư dân trong tòa nhà.

Chỉ cấm nuôi gia súc, gia cầm

Trao đổi với Reatimes, Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định rằng, trong bộ Luật Nhà ở năm 2014 chỉ có quy định cấm hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư chứ không có quy định cấm nuôi chó, mèo.

Luật sư Tùng lý giải, theo định nghĩa từ trước đến nay, gia súc gia cầm dùng để chỉ nhiều loài động vật được nuôi dưới hình thức kinh doanh, sản xuất thực phẩm, hàng hóa. Còn chó mèo là thú nuôi mà trong luật thì không cấm nuôi thú nuôi. Nếu các chung cư quyết định cấm mà không đưa ra quy định cụ thể, chi tiết thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do của cư dân.

Pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó kể cả việc nuôi chó ở nhà chung cư.

Pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó kể cả việc nuôi chó ở nhà chung cư.

“Căn cứ theo đó thì rõ ràng, chuyện nuôi một con chó hay một con mèo không vì mục đích trên thì không thể cấm, cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu nói cấm thì chỉ ở góc độ thả rông, gây ảnh hưởng thì mới bị phạt.

 Điều đó có nghĩa là bất kì ở nhà dân hay nhà chung cư nào, bất kì ai cũng có quyền nuôi chó mèo nhưng không được thả rông, không để chó đi lang thang trong tòa nhà làm mất vệ sinh nơi công cộng. Bên cạnh đó, phải đảm bảo được quy định đưa chó đi tiêm phòng, cho ra ngoài phải có người giám sát, dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm… Nếu đảm bảo các điều kiện đó thì cư dân được nuôi chứ có ai cấm nuôi đâu”,  ông Tùng khẳng định.

luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Ảnh: NVCC)

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Ảnh: NVCC)

Cũng theo ông Tùng: “Xem xét một cách toàn diện thì nếu tất cả những cư dân trong tòa chung cư đó đã có một quy chế nội quy chung thì cũng nên tuân thủ theo, nếu nội quy đó không vi phạm pháp luật. Như vậy, ai cũng có quyền sở hữu thú nuôi nhưng quan trọng là tuân thủ đảm bảo đúng quy định chung nếu chúng ta đang sống trong một cộng đồng”.

Trước đó vào giữa tháng 2/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư số 02 về quản lý và sử dụng chung cư. Trong đó, có nhắc đến quy định cấm nuôi gia súc gia cầm trong chung cư. Theo đó, nhiều chung cư ngầm hiểu rằng đó là cấm nuôi chó mèo. Sau đó, đại diện Bộ đã lên tiếng rằng thông tư đó chỉ mang tính chất để các hội nghị nhà chung cư tham khảo đưa vào nội quy nhà chung cư.

Cho đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản lại khẳng định: “Trong quy chế quản lý nhà chung cư hiện nay không đề cập đến vấn đề đó. Việc cấm nuôi chó, phòng dịch bệnh hay không là việc của chính quyền, việc của thú y. Tóm lại điều khoản liên quan đến cấm nuôi chó mèo đó đã bỏ rồi”.

Không cấm nhưng nên hạn chế

Trao đổi xoay quanh câu chuyện cấm nuôi chó mèo ở chung cư, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Quản lý và Bảo trì Tòa nhà Việt Nam cho hay, từ trước đến nay, việc nuôi gia súc, gia cầm ở những khu công cộng đều bị cấm vì sẽ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Ở nước ngoài, khi đã sinh sống trong một cộng đồng đông người có nhiều thành phần khác nhau thì họ cũng hạn chế thú nuôi. Bởi vật nuôi nào cũng đều gây ra ô nhiễm tiếng ồn và mùi hôi ở những không gian chung. Tuy nhiên, cũng có một số nơi đồng ý cho nuôi thì luôn có yêu cầu quy định về việc phải có thiết bị bảo vệ đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

“Thực ra việc cấm nuôi chó không phải một biện pháp chế tài, nó là sở thích của mỗi người nên khi đưa vào luật thì cũng có sự thay đổi, bất cập trong quy định cấm này cũng có thể xảy ra. Là đơn vị trực tiếp thi hành các quy định trong nhà chung cư, tôi cho rằng nên hạn chế nuôi chó.

Còn trong điều kiện được phép nuôi thì nên tạo ra những nguyên tắc riêng của từng khu vực, mà việc này do ban quản trị tòa nhà tự quyết. Tôi nghĩ là nên trao quyền đó cho ban quản trị tòa nhà sẽ hợp lý hơn, ban quản trị sẽ lấy ý kiến đa số của cư dân sinh sống ở đó rồi đưa ra quyết định”, ông Hùng cho hay.

ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Quản lý và Bảo trì Tòa nhà Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Quản lý và Bảo trì Tòa nhà Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Trên cương vị là đơn vị quản lý tòa nhà, ông Hùng cho biết thực tế nhiều năm qua, ngoài việc căn cứ vào thông tư nhà nước ban hành, trong quá trình quản lý các đơn vị quản lý cũng hạn chế việc nuôi chó, nhưng hạn chế cũng phải có sự thông qua của ban quản trị.

Khi ban quản lý tòa nhà đã đồng ý cho hộ nuôi chó thì chủ nuôi phải ký vào một cam kết. Trong cam kết đó phải có các điều kiện như khi đưa vật nuôi ra ra ngoài hoặc vào thang máy thì phải có các biện pháp bảo vệ. Nếu như xảy ra chuyện vật nuôi làm hại người xung quanh, ví dụ chó cắn người thì chủ nuôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ngoài ra cũng hạn chế người nuôi cho chó ra ngoài những lúc người qua lại đông đi học, đi làm, những lúc thang máy hoạt động liên tục.

Khi được hỏi nếu trong trường hợp cư dân của tòa nhà bị chó cắn thì trách nhiệm thuộc về ban quản lý không, vì họ đã đồng ý cho các hộ nuôi chó. Ông Hùng trả lời rõ ràng: “Nếu xảy ra trường hợp đó, ban quản trị sẽ giao quyền cho các đơn vị quản lý vận hành xử phạt, căn cứ vào nghị định, căn cứ vào quy chế quản lý tòa nhà lập biên bản xử phạt các chủ nuôi chó”.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng cũng đồng quan điểm cho rằng, luật dân sự đã quy định rõ chủ vật nuôi phải bồi thường thay vật nuôi, không liên quan gì đến ban quản lý trong tòa nhà. Nếu đã được ban hành thành luật thì trong trường hợp để thả chó chạy rông ở ngoài đường, ở không gian công cộng thì lúc này ban quản lý tòa nhà không được phép phạt mà sẽ do người của cơ quan hành chính nhà nước xử phạt. Căn cứ theo quy định tại Nghị định 167, có thể bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Trong trường hợp gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác mức phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top