Aa

“Nếu đặt nhà ở không khéo là phá hoại môi trường sống”

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 27/09/2018 - 06:46

Đây là nhận định của PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện đô thị xanh Việt Nam tại Hội thảo chuyên sâu Tuần lễ Kiến trúc Xanh với chủ đề “Giá trị nhà ở Xanh” tổ chức sáng 26/9 tại Hà Nội.

Nằm trong chương trình Tuần lễ Kiến trúc xanh 2018, hội thảo với chủ đề “Giá trị nhà ở Xanh” có sự góp mặt của các đại diện cơ quan quản lý, hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực công trình xanh. Tại hội thảo, các chuyên gia cùng bàn riêng về nhà ở xanh, nguồn lực phát triển nhà ở xanh, những rào cản và đưa ra giải pháp thúc đẩy công trình xanh nói chung và nhà ở xanh nói riêng.

Nhà ở xanh mang nhiều giá trị

Phát triển công trình xanh đang là một xu hướng tiên tiến đã và đang được thúc đẩy phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhà ở xanh tại Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Song hiện nay vẫn tồn tại nhiều yếu tố hạn chế và cản trở, trong đó thách thức lớn nhất chính là nhận thức lợi ích từ các bên tham gia. Điều này khiến cho các công trình nhà ở xanh hiện nay còn vắng bóng và nhiều công trình nhà ở được xây dựng nhưng không đạt được những giá trị đáng lẽ ra có được.

PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện đô thị xanh Việt Nam cho hay: “Rào cản lớn nhất là tỷ lệ đến 80% là nhận thức thiếu chính xác về công trình xanh, đặc biệt là về chi phí đầu tư ban đầu. Đa phần, các chủ đầu tư đều ngộ nhận chi phí phát sinh khi xây dựng nhà ở xanh từ 20 - 30%. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với quan niệm “xây dựng nhà ở xanh rất tốn kém”, theo nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế thì chi phí gia tăng khi thực hiện nhà ở xanh so với công trình thông thường chỉ dao động từ 0,4% - 12,5% tổng chi phí đầu tư. Riêng tại Việt Nam, dựa trên khảo sát chi phí gia tăng trung bình chỉ là 1,8 - 2%”.

PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện đô thị xanh Việt Nam

PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện đô thị xanh Việt Nam

Theo phân tích của PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, giá trị công trình xanh trong đó có nhà ở xanh luôn được nhìn từ 3 góc độ cư dân, nhà đầu tư và kiến trúc - đô thị. Cụ thể, nhà ở thế hiện lối sống văn hóa và là tài sản tích lũy qua nhiều thế hệ của các chủ gia đình. Nhà ở là nơi lui về tái tạo sức lao động. Khi người lao động được sống trong ngôi nhà xanh, sức khỏe được đảm bảo thì chắc chắn năng suất lao động tăng, đồng nghĩ với thu nhập của người dân tăng 5%. Bên cạnh đó, người dân sống trong ngôi nhà xanh cảm thấy dễ chịu, thoải mái, tiện lợi, an toàn sức khỏe.

Đối với chủ đầu tư, công trình xanh đem lại lợi ích kinh tế. Theo ước tính, ở Việt Nam nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc truyền thống thì chi phí đầu tư cho nhà ở xanh chỉ bằng hoặc thấp hơn chi phí đầu tư cho công trình xây dựng thông thường. Cụ thể, chi phí đầu tư công trình xanh có thể cao hơn công trình bình thường 15% về chi phí đầu tư vật liệu xây dựng và kiếng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó, chỉ sau 4 - 5 năm vận hành nhà ở xanh, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư. Từ năm thứ 5 trở đi và lâu dài về sau tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn nhưng chi phí vận hành sử dụng sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20 - 30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng.

Tiếp đó là công trình xanh đem lại lợi ích về ưu đãi thuế. Ở hầu hết các nước đã phát triển, các công trình xanh đặc biệt là nhà ở xanh đều thực hiện chính sách ưu đãi giảm thuế để khuyến khích việc thiết kế và xây dựng theo hướng hiệu quả năng lượng. Nhìn từ góc độ giá trị kiến trúc – đô thị, nhà ở xanh giúp chống lại hiện tượng “đảo nhiệt” trong đô thị, giúp tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là phát triển sử dụng năng lượng tái tạo. Hơn nữa, công trình nhà ở xanh sẽ là từng tế bào đóng góp vào chất lượng của một đô thị xanh, góp phần giải quyết nhiều bài toán khó của đô thị về hạ tầng, giao thông, môi trường cũng như chất lượng cuộc sống.

PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh: “Trong quá trình phát triển, bất động sản nhà ở phát triển rất nhanh nhưng dường như lại có những tranh cãi do các góc nhìn khác nhau về kinh tế, quy hoạch, kiến trúc. Có thể nói, với bài toán quy hoạch đô thị hiện nay, nếu đặt nhà ở không khéo là phá hoại môi trường sống của chúng ta”.

Bà Nguyễn Thu Nhàn, đại diện IFC cũng đưa ra nhận định: “Thị trường bất động sản thời gian qua đã có những thay đổi về kiến trúc nhà ở xanh. Trong đó, có 92% m2 sàn nhà ở được thiết kế xanh. Có thể nói nhận thức và nhu cầu của người dân về nhà ở xanh ngày càng cao để đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm các chi phí hóa đơn thanh toán điện, nước vào mỗi tháng”.

21 đồ án quy hoạch, kiến trúc của các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên cả nước đã xuất sắc giành giải thưởng trong cuộc thi Kiến trúc Xanh Sinh viên.

21 đồ án quy hoạch, kiến trúc của các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên cả nước đã xuất sắc giành giải thưởng trong cuộc thi Kiến trúc Xanh Sinh viên.

Người dân tạo ra áp lực phát triển nhà ở xanh

Theo các chuyên gia, việc phát triển một dự án nhà ở xanh cần bắt đầu từ sự cân đối giá trị từ nhiều góc độ của các bên tham gia. Đó không chỉ là quan tâm lợi ích của chủ đầu tư mà còn là lợi ích của cư dân, cộng đồng đô thị. Làm sao để các dự án nhà ở được xây lên không chất tải lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội của đô thị, không trở thành nguyên nhân của các vấn đề tắc đường, ô nhiễm…

PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng: “Cần khẳng định rằng, công trình xanh không phải là công trình thông thường được thêm thắt các yếu tố xanh, trái lại đây là một hướng tư duy hoàn toàn khác, đòi hỏi nhận thức đúng đắn của các bên. Chi phí phụ trội trong xây dựng nhà ở xanh nên được nhìn nhận như một khoản đầu tư dài hạn và giúp chủ đầu tư rút ngắn thời gian hoàn vốn thông qua tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí vận hành, cải thiện sức khỏe và hiệu suất làm việc của người sử dụng”.

Ông

Ông Đinh Quang Anh, Phó Tổng giám đốc thiết kế CPG Hà Nội

Hội thảo cũng không bỏ qua những kinh nghiệm chia sẻ từ các doanh nghiệp tiên phong làm công trình xanh. Đáng chú ý là ông Đinh Quang Anh, Phó Tổng giám đốc thiết kế CPG Hà Nội đã chia sẻ những kinh nghiệm thiết kế xanh cho công đồng bền vững nhìn từ thành công dự án Ecopark Aqua Bay. Ông Quang Anh cho biết, lấy cảm hứng từ những nét đặc trưng bốn mùa của khí hậu miền Bắc, thiết kế xanh và bền vững đã được gửi trọn trong các căn hộ thông minh của phân khu Aqua Bay. Điều tạo nên thành công của dự án này, kiến trúc sư đã phải cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề lưu thông không khí, giảm thiểu tác động tiêu cực của ánh sáng mặt trời, đưa ra hướng đường, công trình, các không gian mở. Ngoài ra, kiến trúc sư còn nghiên cứu toàn diện trong các vấn đề kiểm soát nước mưa trong toàn đô thị, nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng tương thích.

Ở góc nhìn quản lý nhà nước, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, với gần 100 công trình xanh trong 10 năm phát triển qua thì có thể cho thấy số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn rất ít, và chậm phát triển so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ. Nhiều rào cản trong phát triển công trình xanh có thể kể đến như cơ chế ưu đãi, nguồn năng lực để thiết kế xây dựng công trình,…

Ông Thịnh nhận định: “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các dự án nói về xanh nhưng thực chất là gắn mác xanh cho công trình trong khi những tiêu chí về quy hoạch, vị trí, tiêu chí sử dụng năng lượng, sử dụng vật liệu xây dựng thì chưa đáp ứng được. Điều đó cho thấy rằng các đơn vị quản lý phải quản lý chặt chẽ hơn, các nhà đầu tư phải ý thức được trách nhiệm của mình. Ở đây vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là rất quan trọng trong việc liên kết, động viên, hướng dẫn các chủ đầu tư, hội viên đi theo xu hướng công trình xanh.

Ngoài ra, các đơn vị đào tạo, các trường cần có thêm các chương trình đào tạo kiến trúc sư, sinh viên để chung tay xây dựng phát triển công trình xanh hơn nữa. Đặc biệt, nếu người dân ưu tiên chọn nhà ở xanh thì chắc chắn sẽ là động lực, thậm chí tạo ra áp lực để các nhà đầu tư, xây dựng bất động sản phải phát triển phân khúc nhà ở xanh nhiều hơn”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top