Doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng không chuyển giá thì xử lý thế nào?
Tại Hội thảo, đại diện Tập đoàn Masan cho biết, có một hoạt động mũi nhọn mà Masan đầu tư là nông nghiệp và Nhà nước đang có chính sách ưu đãi vào lĩnh vực này.
"Tuy nhiên, chúng tôi hoạt động theo mô hình Tập đoàn, quản lý tập trung. Sau đó, phân bổ nguồn vốn xuống cho các công ty con. Thực tế, các công ty con không đủ uy tín để vay vốn nên công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn. Công ty mẹ đứng ra ký hợp đồng tín dụng và phân bổ cho công ty con. Mà bản thân đầu ra của nông nghiệp thực chất không ổn định, được mùa rớt giá là chuyện rất bình thường.
Với Nghị định 20, như đề xuất được trao đổi hôm nay tôi thấy, các chuyên gia chỉ đề xuất miễn trừ cho doanh nghiệp cùng thuế suất, khi công ty mẹ huy động vốn cho công ty con hoạt động, nhưng công ty con đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, vậy là đã có khác biệt giữa công ty mẹ và công ty con. Với trường hợp như vậy thì sao?", đại diện Masan đặt câu hỏi.
Đại diện Tập đoàn này cũng khẳng định, vốn đó là vốn vay của công ty mẹ. Do đó, Khoản 3, điều 8 của Nghị định 20 là bất hợp lý. Nghị định 20 nếu áp dụng thì hầu hết chi phí lãi vay của công ty mẹ vay để đầu tư nông nghiệp đã bị loại bỏ. "Tôi cho rằng không nên nói các doanh nghiệp có cùng thuế suất mới được miễn trừ, cần xem xét bản chất khoản vay có từ bên thứ 3 không và chi phí đó có hợp lý hay không, mang lại doanh thu hay không?", đại diện Masan đặt vấn đề và nhận định, Nghị định 20 không được nằm ngoài Luật về thuế thu nhập doanh nghiệp mà phải nằm trong sự điều khiển của Luật này.
"Sau đấy, nên quy định nếu nằm trong phạm vi, mới bị điều chỉnh theo Nghị định 20. Nếu không nằm trong phạm vi đó, tại sao lại áp dụng? Nếu chúng tôi có giao dịch liên kết nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào chuyển giá thì sao lại áp dụng?
Nghị định 20 nói cơ quan thuế có trách nhiệm xác định giá giao dịch liên kết và không công nhận các yếu tố làm ảnh hưởng nghĩa vụ thuế. Nếu chúng tôi không có yếu tố làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế thì tại sao lại áp đặt với Nghị định 20. Đó là những ý kiến mà chúng tôi mong sẽ được kiến nghị lên các cấp trên", đại diện Masan kiến nghị.
Nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn
Trước câu hỏi doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi quy định của Nghị định 20 chưa, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân cho biết, những bất cập của Nghị định ảnh hưởng đến rất nhiều đến doanh nghiệp trong nước.
Trên thị trường bất động sản, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội thì ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp làm nhà ở thương mại.
Đối với các doanh nghiệp nhà ở xã hội, sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10% vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Ở góc độ ngân hàng, họ sẽ hạn chế các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Với các cổ đông, họ bị hạn chế do vốn liên kết. Vậy, có nên chăng cần sửa đổi là đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nên có những quy định riêng?
"Thứ hai, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm. Vì vậy, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này. Chưa kể, một dự án cũng được tính vào quy định này. Khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án.
Chúng ta rất mừng là Chính phủ đã khuyến khích các startup. Nhiều hộ gia đình, cá thể đã chuyển sang mô hình startup. Nhưng việc áp dụng Nghị định 20 sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp khó khăn. Các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn", ông Tuấn phân tích.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Tuấn mong muốn các hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội tư vấn Thuế, Hội Luật gia và các chuyên gia có kiến nghị tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, làm thế nào nhanh chóng sửa đổi và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018.
"Chúng tôi mong có sự thay đổi cho năm 2018 để các doanh nghiệp thật sự sống được, tồn tại được và hợp tác được với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt có quy định, chính sách riêng cho những dự án nhà ở xã hội", Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân kiến nghị.
Tại sao rất nhiều người "giỏi" trong lĩnh vực thuế mà vẫn đặt ra Nghị định như thế này?
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nêu 3 ý kiến:
Thứ nhất, Nghị định 20 là trái với quy định của luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Bãi bỏ theo quy định của luật thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật?
Thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng.
Thứ ba, nói về tính hợp lý, như đã phân tích hạn chế như thế nào, áp dụng ra sao bởi cần phải tính đến tính hợp pháp, tính hợp lý.
"Tôi đặt câu hỏi, tại sao rất nhiều người giỏi trong lĩnh vực thuế mà vẫn đặt ra Nghị định như thế này?", ông Phúc nhấn mạnh.
Về cách làm, ông Phúc cho rằng, Nghị định phải dừng lại, hoặc Chính phủ tự mình sửa hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan có quyền yêu cầu Chính phủ hoặc một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội như Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Ngân sách... cần ngồi lại để bàn, gỡ cho doanh nghiệp.
"Trong trường hợp ban hành văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có chính sách giải quyết, bồi thường", nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nêu ý kiến./.