Không ít người cho rằng, ẩn phía sau những thảm cỏ xanh mướt, mượt như nhung của mỗi sân golf là những nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Cụ thể, để duy trì cảnh quan sân golf sẽ cần sử dụng một lượng lớn phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và hàng loạt các loại hóa chất khác.
Nhưng ít người biết rằng, một trong những nội dung bắt buộc khi tiến hành xây dựng sân golf là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Việc lập báo cáo ĐTM là cơ sở để doanh nghiệp biết rõ hơn về hiện trạng chất lượng môi trường của dự án, từ đó có giải pháp nhằm đạt các tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Hơn nữa, kết quả giám sát chất lượng môi trường sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý đánh giá về công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Điều đó cho thấy, báo cáo ĐTM là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án sân golf. Đây là một yêu cầu không thể thiếu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình quyết định đầu tư và phê duyệt dự án. Nếu như ngay từ đầu, báo cáo ĐTM của sân golf không được duyệt thì dự án cũng không thể triển khai xây dựng.
Trên thực tế, kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiều lần tại các sân golf lớn cũng cho thấy, các thông số như chất lượng nước thải, tồn dư của các loại hóa chất trong đất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong đất và chất lượng nước của sân golf đều phù hợp với tiêu chuẩn môi trường.
Là một người chơi golf và trên cương vị Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Sagen, ông Trần Hữu Ủy cho hay: “Trước hết cần phải khẳng định một điều là không có hoạt động sản xuất kinh doanh nào là không tác động đến môi trường. Vấn đề cần quan tâm ở đây là mức độ tác động như thế nào? Khả năng hồi phục của môi trường ra sao và sự ảnh hưởng bất lợi so với hiệu quả đem lại (Trade - off) thế nào?”.
Theo ông Trần Hữu Ủy, hoạt động đầu tư và kinh doanh sân golf đầu tiên là tạo mặt bằng xây dựng sân golf. Để tạo ra mặt bằng này thường phải tiến hành chặt bỏ dọn sạch cây cối. Tuy nhiên, sau khi san lấp mặt bằng chủ đầu tư phải phủ xanh toàn bộ khu đất bằng cỏ (trên các đường golf) và cây xanh để tạo cảnh quan vừa kết hợp che chắn giữa các đường golf và các khu công cộng.
Thứ hai, quá trình thi công sân golf cũng tạo ra bụi bặm, rác thải, nước thải, tiếng ồn... ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Giải pháp khắc phục là thực hiện các biện pháp che chắn, tưới nước giảm bụi, thu gom rác thải, để hạn chế ảnh hưởng.
Cuối cùng là trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh sân golf cần phải sử dụng các loại phân bón thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, nước tưới để bảo vệ duy trì phát triển cỏ và cây xanh trên sân golf. Ô nhiễm môi trường trong giai đoạn này là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất vì nó diễn ra lâu dài cùng với quá trình hoạt động của sân golf.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì lượng phân bón và thuốc trừ sâu trên một đơn vị diện tích sân golf đều thấp hơn nhiều so với trồng lúa. Bên cạnh đó, các loại phân bón thuốc trừ sâu sử dụng trên sân golf được chế tạo theo công nghệ tiên tiến đảm bảo phân hủy nhanh để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người chơi golf.
Hơn nữa, thiết kế sân golf với bề mặt được trồng phủ một lớp cỏ dày đặc bên dưới là một lớp cát dày từ 15 - 20cm cho phép lọc các tạp chất trước khi đưa nước về hồ chứa để bơm tưới lại cho cỏ. Những năm trước, nhiều cộng đồng dân cư thường thải nước trở về hồ, sông, suối. Tuy nhiên, sân golf ngày nay đang được xem như là nơi xử lý nước thải có hiệu quả cao.
Các sân golf thường được thiết kế gồm một mạng lưới hồ và đầm với thảm thực vật bản địa dày đặc để hấp thu chất dinh dưỡng và giữ lại bất kì chất gây ô nhiễm nào trong nước chảy xuống từ sân golf. Bằng cách xử lý thông qua hệ thống các vùng hồ đầm như vậy, nước cuối cùng sẽ được cải thiện về chất lượng đáng kể, cho phép được sử dụng để tưới cho cây cỏ. Điều này cũng thiết lập một sự cân bằng, tạo những hệ sinh thái cho một số loại chim, cá, côn trùng và lưỡng cư.
Ông Ủy đặc biệt nhấn mạnh: “Các quốc gia phát triển như Mỹ có hàng ngàn sân golf; các quốc gia thuộc Đông Nam Á như Thái lan có hơn 260 sân golf đang hoạt động, Malaysia có hơn 200 sân golf. Nếu nói sân golf tác động xấu, hủy diệt môi trường thì chắc chắn chính phủ và người dân các quốc gia trên đã không cho phép xây dựng nhiều sân golf đến như vậy”.
Một sân golf tiêu chuẩn trung bình khoảng 60ha. Để tạo ra mặt bằng này thường phải tiến hành chặt bỏ dọn sạch cây cối. Đối với các khu đất rừng hoặc trồng cây công nghiệp số lượng cây cối bị chặt bỏ khá lớn. Tuy nhiên, sau khi san lấp mặt bằng chủ đầu tư phải phủ xanh toàn bộ khu đất bằng cỏ (trên các đường golf) và cây xanh để tạo cảnh quan vừa kết hợp che chắn giữa các đường golf và các khu công cộng. Theo đó, giá trị cảnh quan mà các sân golf tạo ra thường cao hơn nhiều so với hiện trạng các khu đất trước khi được đầu tư. |