Aa

“Nếu thiết kế đô thị không khéo, tính cách con người sẽ bị bẻ gãy”

Thứ Ba, 20/03/2018 - 06:01

Đó là nhận định của nhà báo Trần Đăng Tuấn trong toạ đàm "Không gian sống dưới góc nhìn văn hoá". Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, môi trường và tư duy tổ chức cuộc sống đô thị được coi là đất, nếu đất tốt thì văn hóa cộng đồng, văn hóa ứng xử mới sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc.

Tại lễ phát động Cuộc thi Nơi tôi sống - Tọa đàm: "Không gian sống dưới góc nhìn văn hóa", nhà báo Trần Đăng Tuấn đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về cuộc sống đô thị hiện đại. Reatimes xin trích đăng bài chia sẻ của nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ tại Tọa đàm Không gian sống từ góc nhìn văn hóa.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ tại Tọa đàm Không gian sống từ góc nhìn văn hóa.

Khi đọc thông tin về cuộc thi Nơi tôi sống, thoảng lên trong tâm trí tôi một chút suy nghĩ. Bởi nếu thoáng qua, sẽ thấy nội dung cuộc thi rất nhẹ nhàng, anh viết về chỗ anh sống, anh hình dung nơi anh sống như thế nào, anh chụp lại một vài khung cảnh sinh hoạt cộng đồng như thế. Chúng ta hoàn toàn có thể nhận được nhiều hình ảnh đẹp và bài viết hiền hoà. Nhưng thực sự đô thị của chúng ta có đẹp và hiền hoà như vậy không?

Nhìn xung quanh, ai cũng thấy thành phố đang thay đổi với tốc độ chóng mặt và ngày càng hiện đại. Thử hình dung xem, cuộc sống của thế hệ sau này sẽ biến đổi thế nào? Phải chăng đô thị hóa là quá trình bắt buộc con người phải trải qua, là một quá trình bất khả thi.

Chúng ta nỉ non một chút về văn hóa làng rồi nó cũng mất. Chúng ta buồn về không gian cảnh vật bị xâm phạm rồi nó cũng mất. Chúng ta chấp nhận rồi con cháu của chúng ta cũng chấp nhận. Và tất cả đều chấp nhận...

Cuộc sống đô thị mà chúng ta mong muốn có rõ ràng hay không? Hay chỉ đơn giản làm sao có nhiều cây hơn, có nhiều chỗ chơi cho trẻ con hơn? Cái đó đều đúng nhưng đã phải là tất cả cuộc sống? Sự phát triển của một đô thị không đơn thuần là như vậy. 

Đặt chân nhiều lần đến vùng đất Tây Bắc, tôi ngẫm thấy, ai lên nơi này cũng đều thốt lên: “Ôi miền núi rừng này đẹp quá, ước gì mình được sống ở đây”. Và khi tôi đưa những đứa trẻ ở Tây Bắc và bố mẹ của chúng về Hà Nội, những người dân tộc lần đầu xuống phố cũng bị choáng ngợp trước sắc màu hoa lệ.

Nhưng thử nghĩ xem, nếu người Tây Bắc về sống ở những chung cư cao tầng của Hà Nội thì cuộc sống của họ sẽ như thế nào? Nếu những người Thủ đô lên Tây Bắc ngắm nhìn phong cảnh lãng mạn, từ cảnh Mã Pí Lèng đến Ô Quy Hồ, thấy sương mờ bao phủ và sống ở đấy thì mọi thứ sẽ ra sao?

Một nơi chốn không đơn thuần chỉ là khung cảnh đẹp, là tận hưởng không gian xanh, quan trọng hơn cả, ở nơi đó, con người ta phải được phát huy toàn bộ năng lực của mình và cảm nhận cuộc sống một cách tốt nhất. Sự phức tạp của đô thị, của nơi chốn chính là nằm ở đó. Đây cũng là lý do vì sao trong tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Sơn thường viết về một nhân vật trung tâm chất chứa bên trong nỗi bi kịch: “nhà quê mà phải ở tỉnh”.

Nếu thiết kế một đô thị không khéo thì nếp sống ở đô thị, từ kiến trúc đến cách tổ chức cuộc sống sẽ bẻ gãy tính cách của con người, bắt con người phải kháng cự, sống một cách khổ sở hoặc cam chịu. Nếu một đô thị được tổ chức tốt và hợp quy luật, nó sẽ thúc đẩy con người cọ xát các giá trị khác nhau, giữ được những giá trị tốt cũ và hình thành giá trị mới.

Tôi chứng kiến nhiều khu chung cư, nhà rất đẹp, sảnh rất rộng nhưng cứ đến chiều chiều lại thấy các bà, các chị ở nông thôn lên bế con, bế cháu hay "hiệp hội" các ô sin. Tôi đi về nhà mà như đi qua một sàn diễn thời trang. Một sự trộn lẫn khủng khiếp về văn hóa. Chúng ta cần sự cọ xát để họ dần tiếp nhận một nếp sống văn minh, hiện đại.

Một đô thị đáng sống là nơi con người được phát huy hết thế mạnh, năng lực của mình và cảm thấy bình yên, thanh thản. Để làm được điều đó, trước hết, liên quan đến vấn đề về tư duy xây dựng đô thị của các cấp quản lý. Nhà không đơn thuần chỉ là khối bê tông xây lên để ở, và không thích có thể đập đi làm lại. Nhìn lại xem, chúng ta đang đối mặt với một đô thị như thế nào? Một chung cư được quảng cáo có rất nhiều không gian nhưng khi hoàn thành, thay vì 24 tầng như thiết kế ban đầu lại thành 25 tầng, trẻ con bị lấn át không gian vui chơi và nhường chỗ lại cho cuộc chiến tranh giành của quán xá. Ra đường thì chịu cảnh chen chúc, ùn tắc; về nhà lại chịu cảnh chui rúc trong không gian chật chội, tranh giành nhau không gian sinh hoạt chung... khiến cho con người dồn nén sự bức xúc rồi trở nên cáu kỉnh với nhau. Và vì thế, văn hoá cộng đồng cũng dần dần biến mất. 

Đừng nghĩ rằng, chỉ cần xây lên những ngôi nhà đẹp là chúng ta có một đô thị tốt, một đô thị đáng sống, trước tiên cần phải được tổ chức tốt, con người sống ở đó được tôn trọng và coi là trung tâm, môi trường sống trong lành được coi như đất, nếu đất tốt tươi, màu mỡ thì văn hoá cộng đồng, văn hoá ứng xử mới đâm chồi, nảy lộc và sinh sôi, tiếp tục ươm mầm cho những điều đẹp đẽ.  

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người … Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top