Thông tư số 01/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2018.
Các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh được chia thành 4 nhóm (24 chỉ tiêu), trong đó:
Nhóm kinh tế gồm 5 chỉ tiêu nhằm đánh giá hiệu quả tăng trưởng kinh tế về sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.
Nhóm môi trường gồm 10 chỉ tiêu nhằm đánh giá về chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị, mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, xả thải, phát thải khí nhà kính trong phát triển đô thị.
Nhóm xã hội gồm 4 chỉ tiêu nhằm đánh giá về hiệu quả nâng cao chất lượng và điều kiện sống của người dân đô thị.
Nhóm thể chế gồm 5 chỉ tiêu nhằm đánh giá về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị đối với công tác xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.
Đây là cơ sở để các đô thị đề xuất hoạt động ưu tiên xây dựng đô thị tăng trưởng xanh; rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị.
Trong 24 chỉ tiêu mà các địa phương cần báo cáo định kỳ về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, công trình xanh đóng góp trực tiếp cho 2 chỉ tiêu.
Chỉ tiêu 0104: Tỷ lệ đầu tư dự án mới thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
Chỉ tiêu 0105: Tỷ lệ công trình xây dựng nghiệm thu được cấp chứng chỉ công trình xanh
Hơn thế nữa, khi công trình xanh được phát triển rộng rãi hơn sẽ đóng góp tích cực vào hàng loạt các chỉ tiêu khác.
Ngoài ra, các chương trình, khóa đào tạo về công trình xanh, phát triển đô thị bền vững của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) cũng có thể đóng góp cho chỉ tiêu 0404 (tỷ lệ cán bộ quản lý đô thị các cấp đã được đào tạo bồi dưỡng về tăng trưởng xanh) và chỉ tiêu 0405 (các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu).