Tại buổi họp báo mới đây về kết quả phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Nga năm 2024, Đại sứ Nga tại Việt Nam - ông G.S. Bezdetko đã nhận được câu hỏi liên quan đến khả năng Nga tham gia tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trả lời câu hỏi, Đại sứ Bezdetko khẳng định rằng ngành hạt nhân của Nga là một trong những lĩnh vực phát triển vượt bậc và được đánh giá cao trên thế giới.
Hiện nay, Nga đang dẫn đầu toàn cầu về số lượng cơ sở hạt nhân, thể hiện năng lực vượt trội trong lĩnh vực này. Do đó, Liên bang Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong phát triển công nghệ hạt nhân, đặc biệt là năng lượng hạt nhân.
Ông Bezdetko nhấn mạnh, Nga có đủ các điều kiện về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và tài chính để hỗ trợ Việt Nam. Trong nhiều năm qua, khoảng 300 nhân sự Việt Nam đã được cử sang Nga để đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực điện hạt nhân, tạo nền tảng nhân lực vững chắc cho sự hợp tác lâu dài giữa hai nước.
"Nếu Việt Nam đưa ra quyết định kêu gọi hoặc tạo điều kiện hợp tác, chúng tôi luôn sẵn lòng đón nhận và đáp ứng", Đại sứ khẳng định.
Đại sứ cũng nhấn mạnh những thành tựu đạt được trong quan hệ hợp tác Việt - Nga đã minh chứng cho tinh thần chung giữa hai quốc gia trong việc thúc đẩy Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là cơ sở quan trọng để tăng cường hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.
Gần đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng.
Quyết định này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cấp thiết, trong bối cảnh nhu cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai.
Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân không chỉ góp phần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Đây cũng là bước đi quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo Thỏa thuận Paris tại COP26.
Hơn thế nữa, việc triển khai dự án điện hạt nhân còn mở ra cơ hội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia, đồng thời đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.