Aa

"Ngắc ngoải" chợ truyền thống kiểu mới: Cách nào thay áo mới cho chợ truyền thống?

Chủ Nhật, 10/02/2019 - 23:30

Khi các TTTM ở tầng trên ế ẩm, không thu hút được cả đối tác bán cũng như khách hàng, cũng dễ hiểu khi các khu chợ truyền thống kiểu mới nằm dưới hầm bị mất giá theo. Nhưng rõ ràng, đây không phải là nguyên nhân chính khiến các khu chợ rơi vào tình trạng “ngắc ngoải”.

Bàn về câu chuyện những khu chợ truyền thống kiểu mới rơi vào cảnh hoang vắng, có nhiều nguyên nhân được đưa ra. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là mô hình chợ mới không tiện lợi. Trước đây, người dân thoải mái đi xe vào tận nơi mua bán, còn giờ họ phải gửi xe, xuống hầm mua đồ, rồi cầm vác, bất tiện hơn hẳn. Cùng với đó là mức phí và điều kiện cho kinh doanh tại khu vực chuyển đổi khắt khe hơn, khiến số lượng người bán trong chợ không phong phú, đa dạng như trước, làm mất sự hấp dẫn đối với khách hàng. Tình trạng này gây ảnh hưởng tiêu cực dây chuyền: Khi ít chủng loại hàng hóa thì khách vắng, mà khách đã vắng thì khó thu hút tiểu thương vào đầu tư buôn bán, vòng luẩn quẩn như thế khiến hoạt động của chợ truyền thống kiểu mới đã khó lại càng khó hơn.

Chị Thu Anh (Lê Duẩn, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, đi vào chợ luôn có cảm giác cứ như đi siêu thị vậy. Gửi xe rồi đi bộ vào chỗ bán hàng. Nhưng các mặt hàng ở chợ chuyển đổi lại rất hạn chế, không phong phú như siêu thị và chất lượng cũng không thể sánh ngang. Chưa kể, nếu so ngay với chợ đó trước đây thì mức độ đa dạng cũng giảm đi quá nhiều, làm mất hẳn sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, một điểm trừ đáng kể khác của mô hình chợ truyền thống “kiểu mới” là không gian quá bí bách, khó thở, đặc quánh mùi hàng hóa, mang tới cảm giác rất bức bí, khó chịu do bị “nhét” xuống dưới tầng hầm”.

Anh Đỗ Xuân Ngà (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi ở khu đô thị Mê Linh, hàng tuần đến chợ phiên ở chợ Hạ để mua thực phẩm cho cả tuần. Giá cả chợ này rẻ hơn ở khu đô thị. Con gà trống có cựa tôi chỉ mua có 75.000/kg, chỗ khác phải 100.000đ/kg. Nếu mua thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày thì tôi vào chợ cóc, đại lý tạp hóa, còn nếu mua những món khác đặc biệt hơn thì tôi chọn vào siêu thị, đảm bảo hơn”.

Bà Nguyễn Thị Từ ở thôn Hạ Lôi (Mê Linh) cũng cho hay: “Cứ đến chợ phiên thì đi lấy hàng (vừng, lạc…) bán, mỗi hôm kiếm 1 tí. Hôm thì vài ba nghìn, hôm không nghìn nào, nhưng hôm nhiều cũng được 6 - 7 chục. Tôi đi chợ từ thuở bé, không làm ruộng. Trước tôi đi chợ bán đắt hàng lắm, bây giờ già rồi thì khó bán hơn”.

Các chợ truyền thống bị lép vế trước sự lấn át của các kênh phân phối hàng hóa hiện đại

Các chợ truyền thống bị lép vế trước sự lấn át của các kênh phân phối hàng hóa hiện đại

Tâm lý phổ biến nói trên của người tiêu dùng càng khiến mô hình chợ truyền thống “kiểu mới” gặp khó, bởi mô hình này rơi vào “khúc lai tạp ở giữa”, vừa không tiện lợi như chợ cóc lại vừa chẳng chất lượng như siêu thị. Hiện giờ, bài toán khó nhất dành cho các nhà quản lý là làm sao có thể tạo ra đặc trưng riêng cho chợ truyền thống “kiểu mới”, để từ đó thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Và chắc chắn những tấm panô quảng cáo “khuyến mãi 50%, 30% các mặt hàng” một cách chung chung như hiện nay, hay miễn phí gửi xe cho khách vào chợ không phải là giải pháp

Có lẽ chưa bao giờ, câu hỏi “sống hay là chết?” lại trở nên cấp bách như bây giờ với những tiểu thương đang bám trụ từng ki-ốt để mưu sinh tại các ngôi chợ chuyển đổi. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, khôn khéo của các ngành chức năng, e rằng không chỉ các tiểu thương gặp khó, mà thậm chí cái hồn của những ngôi chợ truyền thống nổi tiếng thuở nào cũng sẽ trôi vào dĩ vãng.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, hiện chúng ta đang cọi trong quá vào ngành bán lẻ dẫn đến sự lệch pha giữa chợ và siêu thị. Chợ gặp các vấn đề nan giải từ cấp thoát nước đến vệ sinh môi trường, chứng nhận thực phẩm, ngay cả hạ tầng mái che cũng thô sơ, dây dợ lằng nhằng... trong khi chợ chiếm đến 80% bán lẻ. Quan tâm siêu thị là tốt nhưng cũng phải quan tâm đến những chỗ truyền thống, chỗ bán doanh số nhiều. Hiện tại, nhiều nước họ lại quan tâm nhiều đến chợ, dân thích đến chợ vì rau hoa quả tươi, là nơi giao lưu văn hóa trong khi đó nếu vào siêu thị lại bị chiết khấu 10%, giá cả cao hơn chợ, gửi xe cộ phức tạp.

Ông Phú cho biết: “Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2030, siêu thị chiếm 40% như vậy chợ cửa hàng bán lẻ vẫn chiếm đến 60% và có những chợ sẽ vĩnh viễn theo dòng văn hóa lịch sử như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (TP.HCM), chợ Cồn (Đà Nẵng), chợ Đầm (Nha Trang) sống hàng trăm năm với đất nước. Tuy nhiên, hiện nay cũng có nhiều chợ xây hiện đại lại bỏ hoang lãng phí, trong khi mục đích xây dựng là để di dời chợ cũ đến nhưng đặt vị trí không đúng, thu lệ phí cao nên dân không vào buôn bán. Có thể nói ý tưởng xây dựng cải tạo mới là tốt nhưng cách thức thực hiện lại không đem lại hiệu quả”.

KTS. Trần Huy Ánh, Hội KTS Việt Nam cho hay: “Chợ truyền thống thống từ xa xưa đã luôn được bố trí tại các địa điểm giao thông thuận tiện để thu hút khách hàng, thuận tiện cho mua bán. Trong thời kinh tế thị trường đang ở thời mở cửa thì những nhà đầu tư ngắn hạn và với tầm nhìn tủn mủn thì người ta thấy những cái lợi có ngay, nên thay vì làm cho cái chợ trở nên tốt hơn, người ta nhìn thấy những bất động sản béo bở. Vì thế, rất nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội đã bị biến mất, trở thành những “tổ hợp” mà không biết nên gọi nó là cái gì, thương mại thì không hoạt động mà hỗn hợp nhà ở thì rất bất tiện. Chính vì cách đầu tư ngắn hạn đó mà những nhà đầu tư đã thất bại”.

Theo ông Ánh, hiện chợ truyền thống đang kẹt ở giữa những sự thèm muốn của các nhà đầu tư nhưng lại hờ hững với việc đầu tư thực sự nên nhiều chợ hoạt động cầm chừng, cũng may là thành phố đã nhận ra chuyện đó và cũng đã dừng lại những dự án không bài bản đó để tiếp tục duy trì chợ dân sinh. Nhưng những chợ được giữ lại cũng đang đứng trước thách thức không biết là nên hiện đại hóa bằng cách nào hay vẫn để xuống cấp như hiện tại, trong khi nhu cầu mua bán của người dân vẫn diễn ra hàng ngày, chất lượng chợ xuống cấp do mất vệ sinh và nguy cơ cháy nổ rất cao. Một mô hình mới đang là câu hỏi khó cho những người hoạch định chính sách, những nhà thiết kế vốn chưa được nghiên cứu bài bản. Do vậy, các kiến trúc sư cũng như các chuyên gia nước ngoài đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề này.

Với cách cải tạo chợ không dựa vào nguồn ngân sách thì phải dựa vào các giải pháp tình thế như vậy, nhưng nếu những cách tiếp cận có tính nhân văn, chú ý thật sâu sát đến nhu cầu mua bán của người dân cũng như sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu hay các kiến trúc sư thì có thể cải thiện được không gian chợ với chi phí thấp mà vẫn duy trì được hoạt động, không bị gián đoạn, nhưng có thể nâng cấp từng bước một, chuyển đổi mô hình thương mại phù hợp với những điều kiện kinh doanh cũng như sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân không ngừng nâng cao.

Chợ không chỉ là nơi mua bán mà khi nghiên cứu nó phải để ý đến nhiều vấn đề như giao thông, làm thế nào để đi đến an toàn, tăng cường việc đi bộ, tránh xung đột giữa giao thông cơ giới với đi bộ hay xe đạp ngay trong chợ…

Mỗi khu chợ đều gắn với nơi chốn của một khu dân cư có tính văn hóa, cộng đồng. Chợ, ngoài chức năng phát triển kinh tế dân sinh thì cũng phải là địa điểm trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng thu hút được lối sống mới trong đô thị trong quá trình đô thị hóa, có văn minh thương mại và văn hóa ứng xử trong sinh sống và kinh doanh, tạo nên một nét văn hóa kẻ chợ trong thế kỷ 21.

An Yên

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top