Ngắm nhìn bên trong Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam
Chủ Nhật, 21/06/2020 - 13:30
Nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam khai trương vào ngày 19/6 sau 3 năm xây dựng hoàn thành. Bảo tàng có trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản. Trong số đó, trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam khai trương vào sáng 19/6 nhân kỷ niệm 95 ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Bảo tàng được đặt bên trong tòa nhà Hội nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ - TP. Hà Nội.
Bảo tàng được xây dựng theo đề án do Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện, bao gồm 03 dự án thành phần là: Dự án Trưng bày Bảo tàng, Dự án Sưu tầm hiện vật và tài liệu, Dự án Tuyển dụng và đào tạo Nhân sự bảo tàng.
Trước đó, ngày 28/7/2017, Thủ tướng ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, thuộc hệ thống bảo tàng Quốc gia.
Trong lần khai trương này, bảo tàng đã sưu tầm được trên 20.000 hiện vật, tài liệu. Trong đó, có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày.
Nội dung trưng bày tại Bảo tàng bao gồm 5 phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Hệ thống loa phát thanh ở vĩ tuyến 17 có thể truyền xa 10km, công suất 500W, là một trong hàng nghìn kỷ vật được trưng bày trong bảo tàng.
Bộ trang thiết bị tác nghiệp của các nhà bào thời điểm trước gồm máy ảnh cơ, máy đánh chữ, bình nước...
Chị Nguyễn Thu Hiền - Di sản viên của bảo tàng cho biết: "Bảo tàng Báo chí Việt Nam là một trong những bảo tàng về lĩnh vực báo chí, nằm trong hệ thống bảo tàng Quốc gia, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là bảo tàng chuyên ngành về báo chí. Tôi rất vinh dự khi được công tác ở đây".
Bạn Vũ Thị Bích (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) rất vui và ngưỡng mộ khi được chiêm ngưỡng các kỷ vật lịch sử của báo chí. "Em cảm thấy khâm phục khi đến đây được biết về lịch sử báo chí nước nhà. Bảo tàng báo chí cho em học hỏi được rất nhiều điều về lĩnh vực mà em đang theo học tại trường, em sẽ tiếp bước các thế hệ cha anh để là một cây bút sắc sảo về báo chí", bạn Bích tâm sự.
Nhiều tài liệu độc đáo, quý hiếm được trưng bày, phản ánh những sự kiện nổi bật của báo chí Việt Nam. Trong đó, có nguyên bản chiếc máy in Việt Lập dùng để in tờ báo Việt Nam độc lập, được nhập về nước ta vào năm 1966.
Hình ảnh lá cờ Tổ Quốc thiêng liêng được chuyển về trưng bày tại Bảo tàng sau lễ thượng cờ ở quần đảo Trường Sa.
Hơn 20.000 hiện vật quý hiếm được tập hợp và bảo quản...
Tờ báo Gia Định
Với thiết kế độc đáo trên diện tích 1.500 m2, bảo tàng trưng bày 95% hiện vật gốc, phần còn lại là phục chế.
Các không gian được trưng bày và bố trí theo nhiều cách khác nhau như trưng bày các giải pháp đồ họa trên đai vách; hiện vật; tư liệu gốc hay phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay… để phục vụ tối đa nhu cầu tìm hiểu của công chúng khi đến với bảo tàng.
Kệ kim cương thu hút sự chú ý với các tờ báo của Hiệp hội Báo chí Thế giới và Việt Nam.
Tiếp cận với xu hướng xây dựng bảo tàng hiện đại, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng triển khai theo hướng trưng bày ảo. Hệ thống công nghệ màn hình tại khu vực trưng bày của báo điện tử sẽ công chiếu 26 bộ phim giới thiệu về lịch sử báo chí và các nhà báo tiêu biểu của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.