Aa

Ngân hàng “ăn đong“

Thứ Tư, 10/03/2021 - 13:30

Đây là nghịch lý khó tin bởi các ngân hàng vẫn đang dồi dào thanh khoản, nhưng lại là thực tế đang diễn ra khi mọi nhà băng vừa cho vay vừa ngóng room tín dụng.

Quá khó cho xây dựng kế hoạch

Một loạt các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, VIB, OCB, MBBank, ACB, HDBank, Sacombank, SHB, MSB, Eximbank, PGBank, Vietbank… đã và đang rục rịch lên lịch đại hội đồng cổ đông thường niên 202. Dự kiến thời gian tổ chức kéo dài ít nhất đến hết tháng 6. Và một trong những nội dung mà bất kỳ doanh nghiệp hay ngân hàng nào khi đại hội thường niên, đều chú trọng trình cổ đông là kế hoạch kinh doanh năm.

Các chỉ tiêu được “xây” trong kế hoạch kinh doanh trình cổ đông, thông thường sẽ được các đơn vị “cân đong” sát với thực tế của năm qua, dự báo của năm mới và theo chiến lược, kế hoạch hoạt động của HĐQT và Ban điều hành đặt ra. Dĩ nhiên các kế hoạch kinh doanh luôn có biến số nhất định và do đó, các đơn vị sẽ được quyền điều chỉnh chỉ tiêu theo thực tế hoạt động trong niên độ.

Với các ngân hàng năm nay, việc xây kế hoạch kinh doanh bao gồm các chỉ tiêu tài chính cơ bản, đặc biệt là các chỉ tiêu đặc thù như tăng trưởng tổng tài sản, tăng trưởng huy động, tăng trưởng cho vay, tăng trưởng doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận… đều khó khăn hơn. Do tất cả các chỉ tiêu đều phải dựa trên room tăng trưởng tín dụng mà NHNN phê duyệt cấp cho TCTD hàng năm để dự phóng số liệu. Nhưng hiện nay các TCTD lại đang "sờ" không thấy được room đó mà chỉ được giao theo từng quý.

Nhiều TCTD được giao room tăng trưởng tín dụng 3 - 4%, cho biết đã cho vay kịch room quý (ảnh: Giao dịch tại ngân hàng OCB)
Nhiều TCTD được giao room tăng trưởng tín dụng 3 - 4%, cho biết đã cho vay kịch room quý (ảnh: Giao dịch tại ngân hàng OCB)

“Không được cấp trước chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nguyên năm như trước đây, chúng tôi đành dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống mà NHNN dự kiến cho năm 2021 (là 12% có điều chỉnh linh hoạt tùy thực tế); đồng thời dựa trên hạn mức mình đã được cấp và thực hiện của năm qua. Từ đó mà xây nên các con số để có kế hoạch cụ thể trình cổ đông. Trong trường hợp có thay đổi lớn, thì lại trình cổ đông thông qua kế hoạch điều chỉnh sau”, Tổng Giám đốc một NHTMCP cho biết.

Càng quá khó cho triển khai kinh doanh

Ở cấp “vĩ mô” lãnh đạo các ngân hàng có cái khó về việc làm chỉ tiêu kế hoạch để vừa trình cổ đông thông qua, vừa triển khai “chạy” hệ thống, thì các cấp quản lý ngân hàng thực thi theo kế hoạch kinh doanh phía dưới, càng nhận thấy nồi cơm cho vay được cấp theo quý sẽ càng hạn chế sự chủ động trong triển khai kinh doanh hơn nhiều lần, so với được cấp nguyên năm.

Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp của nhà băng top 2 cho biết trước đây, nếu có room tín dụng theo năm thì Khối ông phụ trách không chỉ thấy rõ chỉ tiêu mà cấp trên giao phải cho vay bao nhiêu, đạt lợi nhuận bao nhiêu, để từ đó phấn đấu, phân bổ. Còn bây giờ cấp room cho vay quý, được bao nhiêu thì cho vay bấy nhiêu. Nếu cho vay hết room quý, mà doanh nghiệp đang có nhu cầu cao điểm về vay, cũng không thể mượn tạm room trong năm để cấp trước cho doanh nghiệp.

“Trong khi đó, cho vay là hoạt động cạnh tranh khốc liệt, khi doanh nghiệp cần mình không thể cho vay. Đến cho doanh nghiệp chưa cần, không cần, mình ế vốn dư room cũng không biết cấp cho ai theo đúng cơ chế tiền sinh tiền. Quý I vừa qua nguyên khối doanh nghiệp của ngân hàng tôi đã phải “đong gạo từng bữa”, chạy cho vay được đến đâu thì biết đến đó", ông này nói.

Cũng theo vị này, thực tế hiện tại việc hạn chế room tăng trưởng tín dụng và được cấp theo quý hiện nay, chỉ ấn định trong tăng trưởng cho vay, không bao gồm ở các nghiệp vụ khác cũng được tính vào tín dụng. “Cũng may ít nhất là còn… khoảng hở này để xoay xở, nếu không thì quá khó cho ngân hàng”.

Tuy nhiên, “độ khó” của thử thách giao room tăng trưởng tín dụng theo quý, cũng tùy thuộc từng TCTD mà có sự tiếp nhận khác nhau. Ở những TCTD đã được duyệt room tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2020 bao gồm những đơn vị hoàn thành sau khi nới room như Techcombank, VPBank, VIB, MBBank, OCB, HDBank, Sacombank, kết quả cho vay của năm cộng với sức khỏe tài chính của nhóm này ghi nhận theo BCTC tại cuối 2020, khiến các tổ chức này tự tin và chủ động cân đối hơn trong hoạt động cho vay.

“Cái khó của chúng tôi là làm sao để cho vay hiệu quả. Còn trước mắt, vẫn cứ phải hoạt động cho vay từng quý, kịch room NHNN giao trong từng quý là tốt nhất. Chúng tôi tin rằng khi NHNN tính toán đầy đủ các phương án và biến số, thì sẽ lại có động thái giao room dài hơi hơn, phù hợp với các biến số vĩ mô chung và thực tế của nền kinh tế”, đại diện một ngân hàng trong nhóm các NHTMCP tư nhân trên nói với người viết.

Ở góc độ quan sát, chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng, 2021 là một năm thử thách cơ quan quản lý ngân hàng không thua kém 2020. Bởi COVID-19 tại Việt Nam tuy đã được kiểm soát thành công, nhưng nó luôn tiềm ẩn sự thay đổi ngoài khả năng dự đoán.

“Cả nền kinh tế toàn cầu cũng phải xoay theo con virus này thì Việt Nam, với năng lực ứng phó nhanh nhẹn, linh hoạt trong mọi tình huống, càng cần phát huy và vận dụng vào các chính sách quản lý điều hành. Giao room tín dụng theo quý gây áp lực cho các ngân hàng và quá khó cho các hoạt động, nhưng mặt khác các ngân hàng cũng phải chấp nhận tạm thời “ăn đong” trong khi chờ cơ quan quản lý xem xét và tính toán trong tương quan chung”, ông Hoàn nói.

Theo nguồn tin có được, dự kiến trong 15/3 tới đây, có thể sẽ diễn ra đợt “giao room” tăng trưởng cho vay mới cho các ngân hàng. Chưa biết đây là đợt giao room tăng trưởng cho vay theo quý II hay có thể là chỉ tiêu dài hơi hơn cho cả năm. Các ngân hàng vì vậy vẫn sẽ còn cảnh phải vừa “ăn đong”, vừa đợi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top