Aa

Doanh nghiệp không thể trả nợ trái phiếu, ngân hàng sẽ đối diện rủi ro lớn

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Bảy, 13/05/2023 - 11:05

Thị trường trái phiếu tiếp tục chìm trong khó khăn bởi áp lực đáo hạn vào quý III tới đây với nhiều doanh nghiệp, điều này có thể tạo ra rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng.

Theo Bộ Tài chính, năm 2023 sẽ có khoảng 271.400 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn và năm 2024 là 329.500 tỷ đồng, đây là con số rất lớn với bối cảnh thị trường hiện nay.

Trong báo cáo thị trường quý I, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã cho biết, phát hành trái phiếu doanh nghiệp quý I/2023 tiếp tục sụt giảm, thấp hơn 63% so với cùng kỳ. Hoạt động phát hành diễn ra rất thưa thớt trong 2 tháng đầu năm và chỉ bắt đầu khởi sắc kể từ tháng 3 sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành.

Bất động sản là nhóm ngành chiếm phần lớn giá trị phát hành trong quý với 24.235 tỷ đồng, tương đương 92%. 7/8 số đợt phát hành của doanh nghiệp nhóm này có tài sản đảm bảo bằng bất động sản hoặc bảo lãnh từ ngân hàng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã đưa ra con số thống kê từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023, có 54 doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, lãi trái phiếu. Trong đó, có những doanh nghiệp từng huy động trái phiếu quy mô lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản.

Trong quý I/2023, theo số liệu của Bộ Tài chính, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỷ đồng, trong đó có 43 doanh nghiệp trong ngành bất động sản giữa bối cảnh nguồn huy động vốn hạn hẹp và thị trường bất động sản diễn biến bất lợi; có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư với khối lượng khoảng 9.600 tỷ đồng, chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán.

Ước tính có trên 37.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong quý II năm 2023, tăng 306,4% so với cùng kỳ và 65.905 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023, tăng 13,3% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong trả nợ trái phiếu do thanh khoản thị trường kém. (Ảnh minh hoạ: VGP/Toàn Thắng)

Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán nhận định: "Vấn đề thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp vào thời gian sắp tới chắc chắn sẽ gặp khó khăn mà phần lớn sẽ rơi vào nhóm kinh doanh bất động sản và xây dựng, bởi thanh khoản thị trường kém dẫn đến không có doanh thu. Đồng thời, doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp khó khăn về thủ tục pháp lý không thể triển khai dự án mới, doanh nghiệp xây dựng thì không có việc làm".

Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp tiến hành đảo nợ, phát hành trái phiếu mới để thanh toán các khoản trái tức, khoản nợ đáo hạn của trái phiếu cũ. Đây được xem là giải pháp tình thế nhưng tạo tiền lệ không hay và ngay cả việc phát hành mới cũng không hề dễ dàng, vì niềm tin của thị trường vẫn chưa thể vực dậy.

Thực trạng này cũng gây ra lo ngại sẽ tạo ra hiệu ứng domino, khi 10 doanh nghiệp mất khả năng trả nợ có thể kéo theo 50 - 100 doanh nghiệp hoặc toàn thị trường khó khăn. Nguyên nhân do các doanh nghiệp có sự kết nối, vay mượn lẫn nhau, nên khi 1 doanh nghiệp mất khả năng trả nợ sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, tâm lý của thị trường khi các ngân hàng thấy rằng thị trường đang đóng băng lập tức họ siết nợ lại, điều này tạo ra hiệu ứng lan toả trên toàn thị trường, tất cả các thành phần kinh tế dừng lại không có giải ngân, không có đổ vốn. Trên thị trường, nhà đầu tư cũng trở nên e dè hơn, không dám "xuống tiền" vì sợ rủi ro.

Ngành ngân hàng đối mặt với nhiều thách thức

Hiện nhiều ngân hàng đang nắm một số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, trong khi đó khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 khoảng 271.400 tỷ đồng và năm 2024 là 329.500 tỷ đồng (theo Bộ Tài chính). Với khả năng thanh toán số nợ này của các doanh nghiệp phát hành được đánh giá rất thấp, nên tình hình quả là đáng báo động cho hệ thống ngân hàng. Hệ số an toàn vốn của các ngân hàng có thể sẽ bị tác động rất nhiều và có thể bị kéo xuống từ mức 11,69% xuống tới mức dưới 10%, tạo rủi ro rất lớn.

Ngành ngân hàng vẫn được dự báo sẽ gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng liên quan đến sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản bởi những ảnh hưởng kéo dài từ quý IV/2022 tới nay. Đồng thời nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng sẽ bị thắt chặt vì lý do ngân hàng kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ hơn, trong khi một phần đáng kể nguồn vốn huy động sẽ được sử dụng cho mục đích thanh khoản, thay vì mục đích cho vay.

 Trước khả năng khó trả nợ của các doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng đối mặt với nhiều nguy cơ. (Ảnh minh hoạ: Báo Chính Phủ)

Chuyên gia Trần Nguyên Đán cho biết, thị trường sẽ xảy ra kịch bản các ngân hàng có thể là những đối tượng tham gia đầu tư các lô trái phiếu đảo nợ mới của các doanh nghiệp. Các tổ chức trong đó có ngân hàng sẽ thu mua các trái phiếu này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể thanh toán các khoản nợ đến hạn, thông qua tất toán trái phiếu cũ, nhóm trái tức, tránh tình trạng vỡ nợ, rủi ro về thanh khoản trái phiếu dẫn đến có thể bị vỡ nợ.

Các ngân hàng bắt đầu có động thái xoay chuyển, không quá "mạnh tay" cho vay các dự án lớn, thay vào đó tìm cách cân đối lại như tài trợ một phần và một phần khuyến khích phát hành trái phiếu. Đây là một nguyên tắc quản trị rủ ro, thay vì ngân hàng ôm dự án lớn rủi ro vỡ nợ sẽ cao thì sẽ tham gia nhiều dự án nhưng tham gia một phần.

"Tham gia trái phiếu không làm giảm "miếng bánh" của ngân hàng mà còn giảm rủi ro về tín dụng nói chung. Cùng với đó, ngân hàng sẽ tập trung cho vay tiêu dùng cho vay cá nhân, giúp quản trị tín dụng tốt hơn, lãi suất tốt hơn", ông Đán nói.

Chuyên gia cho biết thêm, thị trường vốn phải có hai trụ cột chính là ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp khác ngân hàng ở chỗ người dân không có khả năng đánh giá mức độ tín dụng của doanh nghiệp. Kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ rất hấp dẫn, tuy nhiên nếu nhà đầu tư nhìn vào hoạt động trái phiếu, tiền bơm vào trái phiếu không được đưa vào sản xuất phát triển dự án sẽ tạo ra tâm lý e ngại.

Do đó cần phát triển thêm về hoạt động đánh giá tín dụng. Có sự đánh giá khách quan, dựa vào đó người dân có thể đòi hỏi lãi suất phù hợp với tỉ lệ rủi ro phải chịu đựng.

Quan trọng hơn nữa cần có cơ chế thành lập quỹ trả nợ đối với trái phiếu. Cần có đơn vị giám sát dòng tiền để đảm bảo việc giám sát dòng tiền sau khi nhà đầu tư đưa vào trái phiếu, doanh nghiệp có sử dụng đúng cam kết ban đầu hay không.

Ngày 25/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng vay vốn. Việc cơ cấu thời gian trả nợ cho khách hàng được thực hiện từ thời điểm này và kéo dài đến giữa năm 2024.

Theo quy định tại Thông tư 02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư 02 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Theo các ngân hàng, Thông tư 02 đối với các khách hàng vay vốn, kể cả mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi. Về phía tổ chức tín dụng cũng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Do vậy, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách này, đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Đối với các tổ chức tín dụng, vẫn phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng có thể tiết giảm chi phí, mặt khác tạo định hướng giảm dần lãi suất trên thị trường. Hiện nay, lãi suất cho vay mới phát sinh đối với nền kinh tế đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top