Thậm chí có ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 80%. PV phỏng vấn TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng để tìm hiểu thêm về động thái trên của các ngân hàng.
PV: Ông có thể cho biết lý do, thời điểm này càng cần thiết phải tăng vốn?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tại thời điểm này, có những lý do thông thường và bất thường để thôi thúc các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tăng vốn. Lý do thông thường ngân hàng phải luôn bổ sung vốn tự có vì đây là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của họ. Hiện thu nhập của nhiều ngân hàng vẫn đến chủ yếu từ tín dụng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12 - 13% như mục tiêu đề ra, để duy trì được hệ số an toàn vốn, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tiếp tục phải bổ sung thêm. Ngoài ra các ngân hàng cần phải áp dụng các chuẩn mực quốc tế cao hơn như Basel II, Basel III… nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, giúp ngân hàng có vốn đầu tư kế hoạch dài hạn như hạ tầng cơ sở, công nghệ... Như vậy có thể thấy, càng nhiều vốn ngân hàng càng đẩy mạnh hoạt động cho vay, phát triển bền vững hơn, khẳng định vị thế, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh.
Lý do bất thường nữa là nợ xấu. Các ngân hàng đều hiểu rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải đối mặt nợ xấu càng ngày càng lớn. Khi nợ xấu tăng gây thiệt hại và làm xói mòn vốn chủ sở hữu của các ngân hàng rất nhanh. Chính vì thế việc bổ sung vốn kịp thời như biện pháp phòng ngự gia cố gối đệm cho ngân hàng dày dặn hơn. Khi đó dù vốn chủ sở hữu bị xói mòn do nợ xấu vẫn có thể duy trì tỷ lệ an toàn vốn. Một lý do nữa đòi hỏi cần phải tăng vốn giúp ngân hàng có thêm dư địa để hỗ trợ khách hàng khi cần thiết chẳng hạn như sắp tới các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay... Tuy nhiên, theo tôi, dù các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay nhưng mức giảm không nhiều và không cào bằng cho tất cả các đối tượng. Vì hiện tại các ngân hàng phải dành gối đệm để dự phòng nợ xấu, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn hoạt động.
PV: Tại sao các ngân hàng lại chọn phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp các ngân hàng vừa giữ được lợi nhuận, vừa có thể tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh, từ đó phát triển bền vững hơn. Đối với các ngân hàng trong bất cứ thời kỳ nào việc tăng vốn là điều quan trọng nhất. Đặc biệt, trong thời điểm này, việc bổ sung vốn chủ sở hữu gia cố gối đệm dày dặn hơn càng trở nên cần thiết.
Có thể nói, hoạt động tăng vốn của các ngân hàng khá sôi động trong khoảng 2 năm qua với nhiều hình thức như bán vốn cho NĐT nước ngoài, chia cổ tức bằng cổ phiếu... Tuy nhiên, từ năm ngoái, khi dịch bệnh ập đến việc gọi vốn ngoại trở nên khó khăn hơn. Còn các NĐT lớn ở trong nước tiềm lực hạn chế, thêm nữa cũng không mặn mà đầu tư vào ngân hàng. Vì đầu tư ngân hàng phải xác định là dài hạn, đòi hỏi trường vốn.
Trong khi đó, gần 1 năm qua, nhất là 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tích cực, giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, nên các ngân hàng tận dụng cơ hội này tranh thủ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Khi nguồn lực từ bên ngoài không còn nhiều, việc tranh thủ cơ hội tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu là phản ứng tự nhiên của các ngân hàng.
Dĩ nhiên việc tăng vốn qua hình thức này cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn. Đó là thị trường chứng khoán suy giảm, hay vấp phải sự phản đối của các cổ đông về việc pha loãng cổ phiếu. Rất may là thời điểm này thị trường thuận lợi, và cổ đông ngân hàng vẫn đồng thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu vì giá cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tích cực.
Xin cảm ơn ông!