Aa

Ngân hàng đẩy nhiều phương án hút vốn dài hạn

Thứ Hai, 08/07/2019 - 05:30

Cùng với việc tăng lãi suất với kỳ hạn dài, nhiều ngân hàng cùng thực hiện phát hành trái phiếu, thu hút vốn nâng cao chất lượng tài sản hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Thông tư thay thế thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 36). Dự thảo có tổng cộng 15 điểm sửa đổi, tập trung vào điều chỉnh phù hợp với những văn bản mới được ban hành (như Luật kinh doanh bất động sản, Thông tư 41/2016/TT-NHNN, các thông lệ mới…), cụ thể hóa chính sách định hướng, cũng như tiếp tục điều tiết hoạt động ngành ngân hàng của NHNN.

Trong đó, nổi bật là 2 nội dung sửa đổi liên quan đến việc tiếp tục giảm chỉ tiêu tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30% (đến tháng 7/2021 phương án 1, đến tháng 7/2022 phương án 2) và áp dụng hệ số rủi ro từ 50% - 150% đối với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống, tùy thuộc vào số tiền vay khác nhau.

Về tỷ lệ vốn trung và dài hạn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng chia sẻ hoạt động ngân hàng về bản chất là trung gian tài chính, nhận tiền gửi và cho vay tổ chức, cá nhân. Một trong những rủi ro mà ngân hàng quan tâm là thanh khoản. Nhà băng phải đảm bảo huy động vốn và cho vay cân đối các kỳ hạn. Khi người gửi muốn rút tiền, ngân hàng phải đáp ứng được, nếu không sẽ lan truyền đến hệ thống và nguy hiểm cho nền kinh tế.

Do đó, theo lãnh đạo NHNN, chỉ tiêu vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là yếu tố rất quan trọng của nhiều nước, không riêng Việt Nam. Các giải pháp kiểm soát tín dụng và điều chỉnh chỉ số của NHNN được các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao.

Để theo kịp xu hướng và yêu cầu của hệ thống tài chính, các ngân hàng thương mại đang dần giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bằng nhiều phương án khác nhau. 

Hiện, nhiều ngân hàng cũng có xu hướng đưa ra mức lãi suất cao, cạnh tranh ở các kỳ hạn dài với giá trị tiền gửi lớn. Chẳng hạn, Ngân hàng Bản Việt có mức lãi suất 8,6%/năm cho kỳ hạn 24 - 60 tháng. Một vài ngân hàng khác cũng công bố lãi suất 8,45%/năm với kỳ hạn 24 tháng cho tiền gửi trên 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, Sacombank thực hiện huy động vốn trung dài hạn bằng các chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi cho kỳ hạn 5 năm +1 ngày lãi suất 8,48 - 8,88%/năm; LienvietpostBank công bố lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 15 - 36 tháng.

Trong bối cảnh đó, giải pháp phát hành trái phiếu huy động vốn được nhiều ngân hàng áp dụng. Theo thống kê của CTCP Chứng khoán MB (MBS), từ đầu năm tới giữa tháng 6, có gần 18.200 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng được phát hành.

Vietinbank vừa thông qua lựa chọn Công ty Chứng khoán VietinBankSc là đơn vị thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến đợt chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2019 của ngân hàng - động thái chuẩn bị cho việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu trong thời gian tới. Trước đó, vào tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho phép VietinBank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất do ngân hàng tự quyết.

Ngân hàng TPBank đầu tháng 6 cũng vừa thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp II trong năm nay. Ngân hàng BIDV cũng thông báo hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng trái phiếu, chia đôi cho kỳ hạn 7 năm và 10 năm. 

Ban lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 trong năm 2019 với 2.500 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu tương ứng tổng giá trị phát hành là 2.500 tỷ đồng. Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB, trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm.

Trong vòng 6 tháng đầu năm, HDBank đã thực hiện 4 đợt phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Đợt 1 và đợt 2 phát hành trong tháng 4 với 25 triệu trái phiếu tương ứng tổng giá trị phát hành 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 2 - 3 năm. Đợt 3 và đợt 4 phát hành trong tháng 5 với tổng giá trị 1.900 tỷ, trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Tổng cộng, nhà băng này đã phát hành 4.400 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm đến nay.

Phát hành trái phiếu đang là phương án huy động vốn hiệu quả đối với nhiều ngân hàng

Phát hành trái phiếu đang là phương án huy động vốn hiệu quả đối với nhiều ngân hàng

Theo giới phân tích, việc các ngân hàng chọn phát hành trái phiếu trở thành xu hướng khi huy động vốn cấp 1 gặp nhiều khó khăn, dẫn tới sự cần thiết phải huy động vốn cấp 2 qua trái phiếu để bổ sung tăng tín dụng trung và dài hạn. Tuy vậy, với kỳ hạn 2 - 3 năm, áp lực tài chính cũng sẽ dồn lên các ngân hàng này trong vài năm tới.

Không phủ nhận việc các ngân hàng phát hành trái phiếu ồ ạt thời gian qua nhằm giải quyết cơn “khát” vốn hay cải thiện hệ số an toàn vốn CAR. Bên cạnh đó, huy động vốn còn để mở rộng thị trường và còn để đảm bảo cân bằng nguồn vốn, khi nợ xấu của nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu nhích lên.

Bởi vì, nợ cho vay ra đến thời hạn nào đó khách hàng phải trả nợ, tiền trả nợ đó quay về ngân hàng. Đây là tiền ngân hàng huy động từ khách hàng trước đây và bây giờ ngân hàng lấy tiền đó trả lại khách hàng. Mà, nợ xấu là đồng tiền cho vay ra không quay trở lại ngân hàng nữa, nhưng nợ đó vẫn còn trên sổ sách và vẫn còn là tài sản của ngân hàng. Ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho khách hàng khi khoản tiền gửi đáo hạn. Đây là một trong những lý do chính khiến các ngân hàng luôn phải huy động vốn với lãi suất cao.

Chi tiết hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, việc các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu thời gian gần đây có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, những trái phiếu kỳ hạn dài thì có thể tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng, từ đó làm tăng vốn tự có, giúp cải thiện hệ số CAR đang khá thấp, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng lớn. Quy định hệ số an toàn vốn hiện nay là 9% nhưng trong tương lai sẽ kéo xuống còn 8%, khi thông tư 41 của NHNN hiệu lực từ năm 2019. 

Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp những nhà băng này giải quyết được một số vấn đề cấp bách hiện tại, tuy nhiên trong tương lai sẽ phải đối mặt với không ít áp lực gây ảnh hưởng tới lợi nhuận. Trong đó có rủi ro về lãi suất, vì huy động vốn trung và dài hạn thì thường có lãi suất cao. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi chi phí vốn đầu vào tăng, khi lượng lớn trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng.

Ở một quan điểm khác lại cho rằng, phát hành trái phiếu chỉ là giải pháp mang tính tình thế đối với các ngân hàng lớn hiện tại. Lượng vốn huy động này không rẻ và sẽ đáo hạn khi đến lúc, muốn cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo quy định về tiêu chuẩn Basel II, các ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn cấp 1. Mặc dù thời gian gần đây nhiều ngân hàng có những bước tiến tích cực cho việc tăng vốn nhưng khả năng quá trình này sẽ khó hoàn tất trong một sớm một chiều vì phải trải qua nhiều thủ tục. Việc gấp gáp phát hành lượng lớn trái phiếu thời gian gần đây một phần khẳng định cho điều này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top