Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Vietcombank vừa quyết định giảm lãi suất cho vay và phí đối với khách hàng tại hai tỉnh này từ 1/6 - 31/8/2021.
Cụ thể, Vietcombank giảm tới 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Đồng thời, ngân hàng này giảm phí tới 50% đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản với khách hàng cá nhân.
Trước đó, vào đầu tháng 4, Vietcombank triển khai các gói vay vốn ưu đãi cho khách hàng cá nhân mua ôtô, nhà, tiêu dùng cá nhân... và phục vụ nhu cầu vay vốn lưu động, phục vụ sản xuất kinh doanh cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất cho vay từ 6,79%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc 7,29%/năm trong 12 tháng đầu. Với nhóm khách hàng cá nhân nhận lương qua Vietcombank sẽ được vay với mức lãi suất thấp hơn 0,1 điểm %/năm lãi suất thông thường.
Tương tự, để đồng hành cùng khách hàng thực hiện ước mơ sở hữu nhà, xe, tiêu dùng và chia sẻ khó khăn với khách hàng cá nhân vượt qua khó khăn trong kinh doanh, từ ngày 27/5/2021, BIDV giảm sâu lãi suất Gói vay vốn trung dài hạn mới 2021 quy mô 50.000 tỷ đồng. Các mức lãi suất cho vay trung dài hạn của BIDV giảm đến 0,6%/năm so với đầu năm và giảm đến 1%/năm so với cùng kỳ năm 2020.
Cách đây không lâu, BIDV áp dụng gói cho vay quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 3,8-5,5%/năm (kỳ hạn 3 tháng), 4 - 6%/năm (kỳ hạn 3 - 6 tháng) và 4,5 - 6,5%/năm (kỳ hạn 6 - 9 tháng), áp dụng từ 24/2 đến hết ngày 30/9, nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
VietinBank cũng gia hạn chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến ngày 30/6/2021, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức ưu đãi lãi suất rất hấp dẫn, thời gian ưu đãi tới 36 tháng.
Cũng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão Covid-19, tháng 5 vừa qua, Bac A Bank công bố “Gói siêu ưu đãi lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp”, tổng hạn mức tín dụng tới 3.000 tỷ đồng. Theo đó, chương trình ưu đãi có lãi suất chỉ 7,5%/năm dành cho khách hàng có khế ước nhận nợ dưới 6 tháng; 7,7%/năm dành cho khế ước nhận nợ 6 tháng. Bên cạnh đó, chương trình miễn phí dịch vụ tài khoản đến hết 30/6/2021 trong vòng 3 tháng đầu, ưu đãi phí dịch vụ trong vòng 3 tháng tiếp sau.
Ngân hàng MSB trong tháng 5 cũng tung gói cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất chỉ từ 6%/năm với VND và từ 3,0%/năm với USD.
Trong tháng 4, ABBank đã triển khai 3 gói vay ưu đãi hạn mức 1.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ với lãi suất chỉ từ 4,4%/năm bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ thanh toán cho đối tác nước ngoài hay trả nợ các khoản vay ngoại tệ khác. Nhà băng này cũng áp dụng lãi suất vay từ 4,9%/năm với DN có nhu cầu vay bổ sung vốn.
Mới đây, HDBank đã giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất thấp nhất chỉ 3%/năm dành cho các cá nhân và DN siêu nhỏ. Gói vay này dành cho khách hàng vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng lên đến 3 tỷ đồng, ân hạn vốn gốc 6 tháng.
Vietbank cũng mới triển khai chương trình "Chung tay cùng doanh nghiệp 2021" và "Gắn kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu 2021” với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ 6,5%/năm. Nếu để giải ngân phục vụ sản xuất kinh doanh thì lãi suất cho vay chỉ từ 6%/năm. DN còn được miễn phí trả nợ trước hạn và giảm 50% phí thanh toán quốc tế. Khách hàng cá nhân được vay vốn với mức lãi suất chỉ từ 6%/năm trong 3 tháng đầu và chỉ từ 7%/năm trong 6 tháng đầu với tổng hạn mức lên đến 1.000 tỷ đồng dành cho gói ngắn hạn và 2.000 tỷ đồng cho gói trung, dài hạn.
Mùa đại hội cổ đông năm 2021, lãnh đạo nhiều ngân hàng khác như TPBank, Saccombank, HDBank... đều cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động
Mặt bằng lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm lại đây. Ở khối các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến ở mức 5-6%/năm ngắn hạn và 7-8%/năm trung dài hạn. Còn khối ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất cho vay cao hơn một chút song các nhà băng này luôn có chính sách ưu đãi dành riêng cho các nhóm khách hàng tiềm năng.
Dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhưng theo các chuyên gia, dư địa để các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất là vẫn còn.
Một nguyên nhân quan trọng là lãi suất cho vay vẫn giảm chậm hơn lãi suất huy động. Theo thống kê của Công ty CP Chứng khoán SSI, lãi suất huy động đã giảm khoảng 2 - 2,5% trong năm qua trong khi lãi suất cho vay mới giảm trung bình từ 1 - 1,5%. SSI cho rằng, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng thương mại sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay.
Đồng quan điểm, Bộ phận phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá trong khoảng 1 năm trở lại đây.
Thực tế, trong mấy tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quan ngại rằng nếu lạm phát tăng, lãi suất cho vay sẽ khó giảm sâu bởi chính sách lãi suất phải phù hợp với biến động lạm phát để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong thời gian gần đây dấy lên lo ngại rằng lãi suất cho vay sẽ tăng theo.