Aa

Ngân hàng đua tăng lãi suất để hút tiền gửi: Cứ lãi suất cao là hút được nhiều vốn?

Thứ Sáu, 28/09/2018 - 06:00

Nếu như khoảng trung tuần tháng 8, lãi suất tăng tập trung vào các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở các ngân hàng nhỏ thì nay tại các ngân hàng lớn, lãi suất nhiều kỳ hạn cũng đã được điều chỉnh.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều biến động trên thế giới ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ Việt Nam, trong đó áp lực từ cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng mạnh mẽ sẽ tác động không nhỏ đến tỷ giá và lãi suất trong nước. Trước những biến động này, các chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay có khả năng sẽ tăng hoặc ít nhất sẽ giữ ở mức như hiện tại.

Nếu như khoảng trung tuần tháng 8, lãi suất tăng tập trung vào các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở các ngân hàng nhỏ thì nay tại các ngân hàng lớn, lãi suất nhiều kỳ hạn cũng đã được điều chỉnh và tất cả đã hình thành nên một mặt bằng lãi suất mới.

Ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính cho biết: Các ngân hàng đang phải chuẩn bị cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vào dịp cuối năm của các doanh nghiệp. Do đó, việc tăng lãi suất huy động lần này ngoài những yếu tố hiện tại thì có còn cả nguyên nhân mang tính chu kỳ của các ngân hàng.

Cuộc đua lãi suất ngân hàng lớn không đứng ngoài cuộc

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây cũng đã chính thức công bố tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn thêm 0,1 - 0,2%/năm.

Theo chính sách lãi suất mới được công bố ngày 5/9 vừa qua thì BIDV đã trở thành ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất "bộ tứ", lên đến 7,1%/năm.

Cụ thể, khách hàng sẽ được cộng từ 0,1% tới 0,2% lãi suất cho các khách hàng gửi tiết kiệm online trên BIDV SmartBanking, BIDV Online & BIDV Bankplus. Theo biểu lãi suất thông thường, có 3 kỳ hạn đang áp dụng mức cao nhất 6,9%/năm. Đó là các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Sau khi cộng thêm 0,2%/năm, lãi suất cao nhất tại BIDV lên tới 7,1%/năm.

Trong khi đó lãi suất huy động tại 3 ngân hàng còn lại là Agribank, Vietcombank, VietinBank đã được điều chỉnh tăng nhưng vẫn thấp hơn tại BIDV.

Tại Vietcombank, ngân hàng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,5%/năm lên 6,6%/năm. Các hợp đồng có kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng sẽ được nhận mức ưu đãi này.

Agribank cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1% đến 0,2%. Hiện tại, mức cao nhất tại Agribank đang là 6,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. 

Trong khi đó, tại VietinBank, cả tiết kiệm thông thường và tiết kiệm online đều nhận mức cao nhất 7%/năm, thấp hơn 0,1%/năm tại BIDV.

Không chỉ hiện nay mà trong thời gian dài trở lại đây BIDV vẫn có chính sách lãi suất hấp dẫn hơn so với 3 ngân hàng còn lại trong 4 "ông lớn". Vì có chính sách lãi suất hấp dẫn nên BIDV thường xuyên dẫn đầu về khả năng huy động vốn từ dân cư. Tại thời điểm cuối quý 2/2018, chỉ tiêu tiền gửi khách hàng của BIDV cao vượt trội và đạt 964.542 tỷ đồng, trong khi ở Vietcombank và VietinBank lần lượt là 764.497 tỷ đồng và 852.447 tỷ đồng.

Ngoài lãi suất còn cạnh tranh dịch vụ

Lãi suất huy động đạt trên dưới 7%/năm là cao trong hệ thống ngân hàng quốc doanh nhưng chưa đáng kể so với các ngân hàng thương mại cổ phần. Hiện tại, mức lãi cao nhất 8,6% trong hệ thống thuộc về Ngân hàng TMCP Bản Việt. Thế nhưng, huy động vốn của ngân hàng này vẫn khiêm tốn, chỉ đạt 28.399 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2018.

Điều đó cho thấy rõ lãi suất không phải yếu tố duy nhất khách hàng chọn. Bên cạnh lãi suất, còn có thương hiệu và dịch vụ ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng không chỉ "so bì" nhau từng điểm phần trăm lãi suất mà còn cạnh tranh nhau bằng dịch vụ, và sự cạnh tranh này đang không ngoại trừ một ai, kể cả các ngân hàng lớn nhất.

Ví dụ VietinBank đẩy mạnh hoạt động thanh toán liên kết. Một số đối tác của Vietinbank có thể kể đến như Cathay Pacific Airways Limited, Thiên đường giảm giá hàng hiệu VStyle’s Private Sale,.. Vietcombank cũng có cũng nhiều chương trình ưu đãi cho chủ thẻ nói riêng và hoạt động bán lẻ nói chung.

Thế nhưng, trong năm 2018, BIDV mới là đơn vị được "khen" nhiều hơn cả về dịch vụ trong số các ngân hàng lớn. Cuối tháng 5 năm nay, BIDV được vinh danh là "Ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán tốt nhất" và "Ngân hàng giao dịch tốt nhất tại Việt Nam". Danh hiệu này được The Asian Banker, tạp chí uy tín trong ngành ngân hàng trao tặng. 

Không chỉ nỗ lực trong dịch vụ bán lẻ, BIDV còn hoàn thiện nhiều dịch vụ khác và các nỗ lực này của BIDV đã được quốc tế công nhận. Chẳng hạn này 13/09/2018, tại Trung tâm Hội nghị Thương mại Marina Bay Sands (Singapore), BIDV đã được Tạp chí Asia Risk trao tặng giải thưởng "Ngân hàng cung cấp sản phẩm tài chính phái sinh tốt nhất Việt Nam năm 2018" (House of The Year - Vietnam 2018). Đây là lần thứ 6 BIDV được nhận giải thưởng quốc tế uy tín này.

Trong những năm gần đây, BIDV cũng đã liên tục được vinh danh bằng nhiều giải thưởng như Top 1.000 Ngân hàng toàn cầu (The Banker công bố); Top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới năm 2018 (Brand Finance công bố); Ngân hàng đối tác hàng đầu tại Việt Nam (Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB trao tặng); Ngân hàng nội địa cung cấp sản phẩm tài trợ xuất nhập khẩu tốt nhất Việt Nam (The Euromoney trao tặng),...

Mới đây nhất là hồi tháng 8 vừa qua, BIDV cũng đã được hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng định hạng tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn và định hạng nhà phát hành. Moody’s cũng nâng triển vọng định hạng tiền gửi nội tệ và định hạng nhà phát hành nội tệ, ngoại tệ của BIDV từ mức "ổn định" lên "tích cực", cùng đánh giá rằng chính phủ Việt Nam có khả năng hỗ trợ "rất cao" đối với BIDV khi cần thiết. Các kết quả định hạng này được thực hiện sau khi Moody’s nâng định hạng quốc gia của Việt Nam từ mức B1 lên Ba3, với triển vọng từ ổn định lên tích cực vào ngày 10.8.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top